Mái nhà chung của hơn 40 đứa trẻ bị bỏ rơi
Nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận 12, hơn 20 năm qua, chùa Linh Sơn hay còn gọi Tịnh thất Linh Sơn là "ngôi nhà" của hơn 40 đứa trẻ mồ côi, được nuôi dạy bởi 3 sư cô. Đặt tên mái ấm là Minh Tâm, các sư cô mong muốn những đứa trẻ dù không phải máu mủ nhưng đã lớn lên và trưởng thành ở đây sẽ có một tâm hồn trong sáng, cuộc sống bình yên, hướng thiện.
Đứa lớn hơn dạy đứa nhỏ học, cứ thế lớn lên bên nhau.
Ngôi chùa không chỉ là nơi cư trú của các em mà nó còn chứa đựng đong đầy sự yêu thương của các sư cô dành cho những phận đời bất hạnh. Tình cờ sư cô phát hiện một em bé sơ sinh bị bỏ rơi nằm trước cổng chùa, lại còn mang bệnh trong người nên được đưa đến bệnh viện chữa trị, sau đó bé trở thành thành viên mới của nhà chùa.
Cứ như thế, tiếng lành đồn xa, cứ hễ vài tháng là các sư cô lại phát hiện một sinh mạng bị bỏ rơi, có khi trước cổng chùa, khi thì gần chùa, có khi ở… nghĩa trang được người dân phát hiện rồi mang đến.
Ban đầu dù có phần ngỡ ngàng nhưng các sư cũng hiểu được vấn đề nên chẳng ai thắc mắc hay cố tìm ra người đã bỏ rơi bé, các vị sư đã mở lòng từ bi đón các em vào cửa Phật và chăm lo từ vật chất đến tình yêu thương để những đứa trẻ tội nghiệp ấy không cảm thấy tủi thân, vì đã bị cha mẹ bỏ rơi.
Tuyền chính là cô bé sở hữu vẻ ngoài xinh xắn nhưng bất hạnh ấy.
Mới 5 ngày tuổi, Trung Tín đã đến với các sư cô. Tờ mờ sáng, sư dậy mở cửa chùa, Trung Tín nằm đó, ngoài miếng tã lót quấn trên người, không một mảnh giấy hay lời nhắn con tên là gì, ngày sinh của con bao nhiêu… Thấm thoắt, giờ Trung Tín đã gần 2 tuổi, lanh lẹ vô cùng.
Mỗi bé ở đây đều lớn lên trong sự bảo bọc, chở che của các sư nhà chùa, được ăn uống đầy đủ, được đến trường tìm con chữ nên đa số đều khỏe mạnh, bụ bẫm, chỉ có 3 trường hợp khuyết tật bẩm sinh nên dù cố tìm cách chữa trị nhưng vẫn không có kết quả.
Bé Hương đáng yêu trong vòng tay của sư cô.
Bé Hương khá nhút nhát và sợ người lạ.
Chỉ tay vào một cô bé xinh xắn nhưng có vẻ khờ khạo, đang chơi đồ hàng ở bên trong, sư cô Thích Nữ Như Xuân kể: "Tội nghiệp nó lắm, 4 tuổi rồi mà vẫn không biết nói, cũng chẳng biết đi. Nó được người ta phát hiện nằm ở ngoài nghĩa địa buổi tối, bị côn trùng đốt khắp người.
Nhà chùa đem đến bệnh viện thì mới biết lúc mang thai, mẹ bé bó bụng để giết thai nhi nhưng số nó lớn, sinh ra lại bệnh tật nên bị vứt ở nghĩa địa. Bác sĩ còn đoán bé có thể ra đi bất cứ lúc nào. Giờ mỗi lần lên cơn động kinh, bé đều khóc la dữ dội và phải đem đến bệnh viện".
Ở mái ấm Minh Tâm, bé nhỏ nhất hiện giờ là 7 tháng tuổi, lớn nhất 23 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học. "Nhiều em được chùa cưu mang, lớn lên lập gia đình bình thường. Các em vẫn thường cho con về thăm các sư. Vui lắm!", sư cô Như Xuân cười hồn hậu.
Cậu bé này tên Đức, năm nay đã 19 tuổi nhưng chỉ ngô nghê như một đứa trẻ lên 3, bởi em không may bị bại não từ nhỏ và được chùa đem về nuôi dưỡng đến bây giờ.
Những đứa lớn nhất ngoài giờ học ở trường, các em ở chùa phụ sư cô chăm những bé nhỏ.
Ngôi chùa vốn yên tĩnh thì từ khi có các thành viên mới xuất hiện, chùa lại rộn rã bởi tiếng đánh vần, tiếng nói cười của những thiên thần xinh xắn nhưng kém may mắn. Đứa lớn dạy đứa nhỏ đọc chữ, đứa này chơi đồ chơi với đứa kia, cứ thế lớn lên từng ngày, có đứa mắc cỡ chạy trốn khi gặp khách lạ, nhưng các em đứa nào cũng hoạt bát, lanh lợi.
Tụi nhỏ đã bị bỏ một lần rồi, sao mình lại không cưu mang
Tuy khó khăn, vất vả khi một lúc phải làm "mẹ" của 40 đứa trẻ nhưng các sư rất vui. Khi được hỏi vì sao không cho một vài đứa đến các gia đình khác để bớt cực, sư Như Xuân cười: "Dù cực khổ đến đâu cũng phải nuôi chứ không thể cho các bé, người ta đem đến để mình nuôi dưỡng, các bé đã bị bỏ rơi 1 lần rồi, với lại tụi nhỏ ở đây cũng quen rồi nên dù thế nào chùa vẫn cố gắng nuôi các bé đến trưởng thành".
Thanh là cô bé cởi mở, rất thích nói chuyện và không sợ người lạ.
Thỉnh thoảng có những MTQ đến hỗ trợ vật phẩm để san sẻ nỗi vất vả về tài chính với nhà chùa, và cũng để các em được đủ đầy, no ấm.
Ở chùa Linh Sơn, có một số trường hợp cha mẹ vì lý do cá nhân, không thể nuôi dạy con mình nên gửi nhờ nhà chùa. Sau một thời gian, các em may mắn vẫn được bố mẹ quay lại nhận con. Còn lại hầu hết đều bị bỏ rơi trước cổng chùa.
Năm ngoái, có một bé bị bỏ lại cả đêm ngoài cổng, kiến vàng cắn làm tổn thương giác mạc. May mắn các sư phát hiện, đưa bé đi cấp cứu kịp thời nên đôi mắt của bé còn giữ lại được nhưng vẫn bị nhiễm trùng máu, phổi tổn thương và phải điều trị một thời gian ở bệnh viện Nhi đồng. Hiện giờ bé đã khỏi bệnh và ăn uống khá tốt, tuy có phần chậm lớn hơn những đứa khác.
Những đứa trẻ san sẻ cho nhau mọi thứ ở chùa.
Cậu bé này năm nay đã 19 tuổi nhưng chỉ ngô nghê như một đứa trẻ lên 3, bởi em không may bị bại não từ nhỏ và được chùa đem về nuôi dưỡng đến bây giờ.
Nhìn nụ cười các em hồn nhiên, đáng yêu như thế khiến người ta vừa thương vừa xót. Thương các em "trong cái rủi có cái may", được nương nhờ cửa Phật chứ chẳng cút côi không ai lo, xót mấy đứa nhỏ vừa chào đời đã bị cha mẹ vứt bỏ, không nếm được vị sữa mẹ ngọt như thế nào, cũng chẳng cảm nhận được hơi ấm tình mẫu tử ra sao?
"Ở đây con thấy vui lắm, có các sư, các em. Nhưng mà… con vẫn muốn biết bố mẹ con là ai, sao lại bỏ con…", cô bé 5 tuổi ngập ngừng, giọng nhỏ dần. Nghe tâm tư của em mà tôi chỉ biết thở dài chua xót.
Chùa không lớn nhưng luôn đủ sức dang rộng vòng tay nuôi các em nên người.
Có những đứa trẻ rất nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở chùa. Nhưng cũng có những đứa phải còn lâu lắm chúng mới mở lòng mình ra được."Các sư vẫn gần gũi chuyện trò, động viên các con. Càng lớn tâm lý càng nhạy cảm, càng khát khao muốn biết bố mẹ ruột. Thương lắm mà không biết phải làm sao", sư cô tâm sự.
Mong rằng các bé cứ hồn nhiên lớn lên như đúng tuổi thơ của mình. Sau này dù có đi đâu thì vẫn luôn nhớ rằng mái ấm Minh Tâm đã trao tặng cho mình một cuộc đời mới - hạnh phúc và an yên.
Quý độc giả muốn góp chút lòng thành đến nhà chùa để nuôi các bé thì có thể liên hệ đến địa chỉ: 460/17 Trần Thị Cờ, tổ 10, KP7, phường Thới An, Q.12, TP.HCM
Số tài khoản: 060042021000 – Sacombank chi nhánh quận 12.
Chủ tài khoản: Trần Thị Hường.
SĐT: 0979270975
Xin chân thành cảm ơn!
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.