Trong những ngày vừa qua, cả nước căng mình bước vào cuộc chiến chống dịch đầy căng thẳng. Chưa lúc nào bùng dịch mà số ca nhiễm lại tăng nhanh đến như thế tại các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... Số ca nhiễm trong ngày tại những địa phương này có khi hơn 100 ca/ngày. Nhân viên y tế tuyến đầu tại các điểm nóng này đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Đặc biệt tại điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh trong những ngày vừa qua, số ca nhiễm không ngừng tăng lên, nhân viên y tế phải căng mình trong cái nắng mùa hè 37 -38 độ để truy vết, lấy mẫu. Những con người ấy phải đầm mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt giữa mùa hè miền Bắc nhưng không một lời kêu than. Và những hình ảnh đấy đã quen thuộc tại khắp các điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh.
Thế nhưng, phía sau những bộ đồ bảo hộ ấy lại là một hình ảnh khác thương cảm đến nghẹn lòng.
Sau những giờ đầm mình trong bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi ấy để lấy các mẫu xét nghiệm, cả người họ ướt sũng trong mồ hôi, tóc tai ướt đẫm, đôi bàn tay của họ cũng đã không còn như trước. Nhăn nheo, bạc trắng bởi vì "ngâm mồ hôi" trong chiếc găng tay cao su kín mít.
Có những người vì "ngâm" bàn tay trong mồ hôi quá lâu, nhăn nheo hết cả vân tay để rồi khi muốn mở điện thoại gọi về nhà cũng không thể mở vì điện thoại không nhận vân tay.
Tuy nhiên, điều khiến người ta xót xa nhất ấy là "đau" về thể xác đúng nghĩa khi mỗi lần làm nhiệm vụ hoặc kết thúc nhiệm vụ họ đều phải sát khuẩn toàn bộ. Đôi bàn tay nhăn nheo, bị mồ hôi bào mòn nay lại tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn khiến bàn tay đau nhói. Và không chỉ bàn tay, mà chân, mặt, lưng, bụng trên cơ thể họ cũng đã bị nổi mụn, tróc da vì ngâm trong mồ hôi. Những giọt mồ hôi đã mặn chát nay càng bỏng rát khi rơi trên cơ thể mỗi người.
Gian khổ là vậy, thế nhưng những con người ấy chưa một lần than vãn, họ tranh thủ nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục công việc đến khi hoàn thành.
Trong số những điểm nóng dịch trên cả nước, Bắc Giang hiện là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong đợt bùng dịch này. Có những ngày số ca nhiễm lên đến hàng trăm ca. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhân viên y tế phải căng mình lấy mẫu, truy vết những trường hợp liên quan.
Bắc Giang cũng là nơi nhận "chi viện" về lực lượng y tế nhiều nhất. Trong số đó phải kể đến Đoàn của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có mặt tại Bắc Giang từ ngày 16/5. Chia sẻ trên Tiền phong, thầy Ngụy Đình Hoàn – Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Xét nghiệm Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, trong đợt cao điểm, thầy và trò trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương mỗi ngày phải lấy mẫu cho hơn 20.000 người dân, công nhân.
Đoàn có mặt tại Bắc Giang lúc 15h chiều 16/5, thế nhưng họ không nghỉ ngơi mà bắt tay luôn vào việc. 18h cùng ngày đến 2h sáng hôm sau, tất cả đã thực hiện lấy mẫu cho người dân tại khu công nghiệp Vân Trung – một trong những ổ dịch lớn của Bắc Giang. Hôm sau, cả đoàn tiếp tục làm việc từ sáng tới 24h đêm.
Các sinh viên chia sẻ, đợt chống dịch này vất vả hơn lần ở Hải Dương rất nhiều do đã bước vào mùa nắng nóng. Ngoài ra, cường độ làm việc tại Bắc Giang cũng cao hơn nhiều lần vì quy mô đợt dịch này rất lớn.
Do phải làm việc trong thời tiết nóng nực, mỗi khi cởi bộ đồ bảo hộ, quần áo của những sinh viên ướt sũng mồ hôi và đôi bàn tay nhăn nheo như vừa ngâm trong nước lâu ngày. Đầu, tai đều nặng trĩu, đau nhức bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính bảo hộ và cả gọng kính cận.
Một nữ sinh nói: “Đã có bạn mệt đến mức ngất đi, người khác phải vào thế chỗ. Còn có một số bạn khỏe mạnh sau khi được cởi đồ bảo hộ, uống cốc nước ép mọi người chuẩn bị cũng bị nôn ra. Thực sự rất mệt nhưng chúng em đều cố gắng”.
Điểm nóng Bắc Giang tiếp tục được chi viện khi số ca nhiễm ngày càng tăng cao. Vào ngày 27/5, 83 cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (12 cán bộ giảng viên cùng 71 sinh viên lớp Xét nghiệm y học K10) đã lên đường chi viện phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.
Làm việc dưới cái nắng gắt và trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, nóng kinh khủng. Suốt từ 6 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa ở trong bộ đồ đó, bị sốc nhiệt, mồ hôi đầm đìa mà không được uống nước. Có người không chịu nổi phải xin nước đá dội lên người... là những gì mà thầy trò Trường ĐH Y Dược Hải Phòng làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang trải qua.
Sau ĐH Kĩ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y dược Hải Phòng, Đại học Y- Dược Thái Nguyên là đơn vị nhà trường tiếp theo chi viện cho Bắc Giang sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Kêu gọi 125 cơ sở đào tạo y, dược toàn quốc hỗ trợ nhân lực chống dịch.
Nguyễn Thị Kiều Chinh, cô sinh viên năm cuối chuyên ngành Xét nghiệm Y học là một trong số hàng trăm tình nguyện viên của Đại học Y- Dược Thái Nguyên “xếp bút nghiên” lên đường vào vùng dịch ở Bắc Ninh. Chinh được phân công về huyện Thuận Thành, một trong những ổ dịch COVID-19 lớn trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này.
Chia sẻ trên Vietnamplus, cô sinh viên năm cuối cho biết, dẫu biết rằng chuyến tình nguyện có nhiều hiểm nguy đón đợi ở phía trước và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng cô sinh viên năm cuối vẫn mạnh dạn đăng ký tham gia với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới về.
Lần đầu mang bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Chinh mới cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của công việc. “Khi mặc bộ quần áo đó, mình không được ăn uống cũng đi như vệ sinh để đảm bảo vô khuẩn, tránh nhiễm bệnh cho bản thân”, quệt vệt mồ hôi trên trán, Chinh kể.
Chỉ ngay sau một ngày đầu tiên, Chinh trở về phòng với đôi bàn tay nhăn nheo như vừa được ngâm nước. Đầu và tai cô đều đỏ ửng bởi sức ép của dây đeo khẩu trang, dây kính chống giọt bắn và cả gọng kính cận.
Khi vết hằn của khẩu trang trên mặt còn chưa mờ, ngay sáng hôm sau, Chinh cùng các bạn lại tiếp tục ngày làm việc mới.
“Công việc không có giờ cố định, lúc nào tinh thần cũng sẵn sàng ‘chiến đấu', chỉ cần chờ lệnh là đi. Nhiều khi phải thử mẫu đến 2-3 giờ sáng, cơ thể thì đã mệt lả nhưng ý chí thì vẫn sung sức, quyết tâm chạy đua với thời gian để truy vết, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19” .
Vất vả là thế, thậm chí có cả những đau đớn, vết thương nhưng họ chưa một lần than vãn. Họ cùng nhau cố gắng, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Sức trẻ, sự quyết tâm và niềm tin sớm đẩy lùi bệnh dịch bệnh COVID-19 chính là động lực để họ vượt qua.
(Tổng hợp)
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chuyen-ve-nhung-doi-ban-tay-dep-nhat-noi-tuyen-dau-chong-dich-162213105212325133.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.