Đó là hoàn cảnh xúc động của vợ chồng anh Võ Hữu Thoại và chị Nguyễn Thị Lệ Trinh (25 tuổi).
Cùng rời quê nhà lên Sài Gòn làm công nhân, họ yêu nhau rồi kết hôn vào năm 2014.
Năm 2016, chị Trinh mang thai lần đầu. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bác sĩ tại một bệnh viện (BV) phụ sản báo đứa nhỏ trong bụng mắc căn bệnh thalassemia do di truyền từ cha mẹ.
"Bác sĩ nói còn để thai thì nguy cơ chết lưu, phù thai hoặc phải truyền máu suốt đời, khả năng sống thấp lắm. Mình suy nghĩ đắn đo rồi cũng quyết định dừng thai kỳ"– anh Thoại nói.
Gạt nỗi đau mất con đầu lòng, hai vợ chồng về nhà tìm kiếm thông tin về căn bệnh mà bác sĩ chẩn đoán mình mất phải.
Họ biết được rằng nếu cả hai cùng bị thiếu máu nặng thì con xin ra có 25% sẽ bị thiếu máu nặng.
Nghĩ 25% là tỉ lệ thấp, chị Trinh vững tinh thần để tiếp tục mang thai lần hai. Nhưng lần này, thai kỳ tiếp tục dừng lại ở mốc 8 tuần.
"Lúc đó cũng buồn lắm. Tôi lại về lên mạng tìm đọc thật lỹ thông tin và biết được cách duy nhất để con tôi được chào đời an toàn là xét nghiệm di truyền rồi chuyển phôi thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chi phí cao lắm. Hai vợ chồng đắn đo rồi cũng quyết định xoay sở từ tiền tích cóp để thử một lần nữa"– người chồng tâm sự.
Tại BV Từ Dũ (TP.HCM), anh Thoại, chị Trinh được hướng dẫn làm xét nghiệm huyết học và xét nghiệm phôi về gen, xét nghiệm nhiễm sắc thể. Kết quả cho thấy họ vừa có bất thường về gen gây bệnh thiếu máu, vừa bất thường về nhiễm sắc thể.
Sau đó, họ bắt đầu kích trứng, chuyển tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm và tạo được 13 phôi.
Sau khi cân nhắc chi phí, học quyết định thực hiện xét nghiệm 7 phôi với chi phí gần 100 triệu đồng. Kết quả chỉ chọn được 1 phôi tốt. Nhưng như vậy cũng đã là quá đủ để hành trình tìm con của họ kết thúc có hậu.
"Em đậu thai ngay sau khi chuyển phôi. Thời gian mang thai hồi hộp lắm, không biết kết quả sẽ thế nào. Cũng may là mọi việc diễn ra thuận lợi"– chị Trinh nói và cho biết vừa sinh con trai đầu lòng ngày 11/1.
Bé trai được hai vợ chồng đặt tên là Phúc Thiện như gửi gắm hi vọng vào sự may mắn cho năm mới. Nhắc đến con, người mẹ lại ứa nước mắt khi bé có dấu hiệu vàng da, đang được các bác sĩ tại khoa Sơ sinh chăm sóc.
Bác sĩ Quách Thị Hoàng Oanh, Phó khoa Xét nghiệm Di truyền Y học, BV Từ Dũ chia sẻ, kỹ thuật xét nghiệm di truyền trước làm tổ giúp sàng lọc được các phôi xấu và chọn được phôi tốt, nhờ đó trẻ sinh ra sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bị dị tật.
Từ tháng 9/2018, kỹ thuật này đã được BV Từ Dũ đưa vào chữa trị. Đến nay, hơn 60 cặp vợ chồng đã được hưởng niềm vui có con nhờ xét nghiệm di truyền.
Tận hưởng hạnh phúc bất tận trong những ngày cuối tháng Chạp, đôi vợ chồng nhắn nhủ mọi người đừng bao giờ từ bỏ ước mơ có con.
Anh Thoại – chị Trinh đã quyết định gom hết tiền tích cóp để thực hiện khao khát làm cha, làm mẹ cháy bỏng của mình.
"Tiền thì sau này kiếm lại được mấy hồi. Con cái mới là đích đến hạnh phúc"– họ nói.
link gốc:
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.