Từ một vụ án mạng đau lòng
Uông Giai Tinh là một sinh viên từng đi Nhật du học đã 5 năm, thế nhưng cậu chưa từng biết tới làm thêm là gì. Tiền học phí và sinh hoạt phí hàng tháng của cậu đều dựa vào đồng lương ít ỏi từ người mẹ già ở quê nhà.
Để có tiền cho con ăn học, người mẹ ấy đã phải chạy vạy đủ đường. Thế nhưng ở vào thời điểm mọi thứ đã vượt quá năng lực chi trả của bà, chính người con mà bà yêu thương ấy đã nhẫn tâm đâm 9 nhát dao vào người mẹ ruột cất công tới tận sân bay để đón mình.
Là một thanh niên 25 tuổi lẽ ra phải biết tự lập, tự đi làm thêm kiếm tiền lo đóng học phí, thế nhưng Uông Giai Tinh vẫn không ngần ngại hưởng thụ cuộc sống ấm no dựa trên sự vất vả cay đắng của đấng sinh thành.
Và khi người mẹ không thể đáp ứng nhu cầu nữa, đứa con bất hiếu ấy liền nhanh chóng trở mặt. Sự oán hận ngập tràn xuất phát từ lòng vô ơn đã hóa thành 9 nhát đao sát hại chính người mẹ đã ngày đêm chịu nhiều đắng cay để nuôi nấng lên mình.
Đến lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh
Vụ án này xảy ra ở Trung Quốc và là một lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc làm cha làm mẹ: Những đứa trẻ không có lòng biết ơn còn đáng sợ hơn cả lang sói!
Do đó, một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng: Dạy con trẻ cách tự chịu trách nhiệm và biết ơn người khác thật sự là một điều vô cùng quan trọng!
Dạy con trẻ cách tự chịu trách nhiệm và biết ơn người khác thật sự là một điều vô cùng quan trọng!
Khi đứa trẻ nhận được nhiều hơn tình yêu thương mà chúng cần cũng là lúc các bậc cha mẹ đã tự đánh mất khả năng giáo dục con mình.
Những gia đình nuông chiều con cái một cách thái quá ấy đã luôn đáp ứng mọi nhu cầu của các em ngay từ khi còn nhỏ mà không hề đặt ra bất kỳ yêu cầu hay ràng buộc nào.
Chính điều này đã dẫn tới việc họ không còn cách nào thay đổi thực trạng ấy nữa, cũng không còn bất kỳ uy tín nào trước mặt con.
Hệ quả của phương thức giáo dục mù quáng đó chính là những đứa trẻ đòi hỏi không biết chừng mực, tự cho mình cái quyền muốn gì phải được nấy. Và nếu không được đáp ứng dù chỉ một yêu cầu nhỏ, chúng sẽ sẵn sàng mè nheo, quấy khóc, lăn lộn cho tới khi đạt được mục đích mới thôi.
Đó cũng là lý do mà có những sinh viên mới lên đại học vài năm đã tiêu của nhà tới hàng trăm triệu. Thế nhưng dù vậy, những người thân ấy vẫn sẵn sàng bớt ăn bớt mặc, thậm chí không ngại vay tiền để chi trả cho thói quen tiêu pha phung phí của các con.
Cùng với đó, còn có rất nhiều học sinh thi nhau mua đồng phục đắt tiền, điện thoại hàng hiệu, máy tính đời mới chỉ để khoe khoang, hay những sinh viên đi thuê chung cư hạng sang, ăn ngủ ở quán net, mời bạn bè ăn nhà hàng chỉ để sĩ diện…
Các em đã hình thành thói quen tiêu tiền của bố mẹ không tiếc tay, coi đó như thể là lẽ dĩ nhiên. Thậm chí có những thanh niên đi làm rồi nhưng vẫn thản nhiên ăn bám cha mẹ.
Thực chất, nếu chúng ta không để con trẻ nếm trải sự đói khát, chúng sẽ không biết được giá trị của thực phẩm.
Nếu chúng ta không để con nếm trải sự lạnh giá, chúng sẽ không biết sự ấm áp quý giá đến nhường nào.
Nếu chúng ta không để con nếm trải sự thất bại, chúng sẽ không hiểu được đường đến thành công gian nan tới ra sao.
Trên thực tế, sự yêu thương chăm sóc thái quá của cha mẹ đã tước đi cơ hội trải nghiệm mặt trái của cuộc sống đối với con trẻ. Và kết quả là chúng không hiểu được rằng, sự ngọt ngào chỉ có thể được tìm thấy từ trong cái đắng cay của khổ cực.
Một đứa trẻ có lòng biết ơn sẽ biết cảm kích những điều người khác làm cho mình, trân trọng tất cả những gì mình có được, từ đó mới cảm thấy hạnh phúc và hài lòng vì những gì đã có.
Là những bậc làm cha làm mẹ, chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng: Nếu bạn không muốn nuôi dưỡng con cái mình trở thành loài "lang sói" thì nhất thiết đừng làm thay con quá nhiều việc, đừng nên khuyến khích con chỉ biết nhận về mà không biết hổ thẹn. Và quan trọng nhất là hãy dạy chúng cách biết ơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ hay có thể tận dụng mọi lúc mọi nơi để giúp con học cách biết ơn người khác, và bắt đầu từ việc cảm ơn cha mẹ.
Ví dụ, bạn có thể dạy con nói cảm ơn khi cha mẹ đã làm điều gì đó giúp các em. Thông qua những việc nhỏ ấy, bạn sẽ giúp con làm quen với việc cảm ơn người khác, đồng thời làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn của mình.
Tấm lòng biết ơn là chất dinh dưỡng tẩm bổ cho tâm hồn. Các bậc phụ huynh có thể thông qua việc cảm ơn để giáo dục con hiểu được giá trị và tầm quan trọng của những niềm vui và hạnh phúc mà người khác đã mang tới cho mình.
Khi các con cảm nhận được tấm lòng của những người xung quanh, đó cũng là lúc các con biết mình nên hành xử như thế nào để từ đó học được cách biết ơn và giúp đỡ người khác.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.