Giáo viên vốn dĩ từ trước tới nay luôn được "định dạng" là nghề cực nhọc, lương thấp chưa tương xứng với công sức giáo viên bỏ ra. Đặc biệt, với các giáo viên mới ra trường thì để có thể sống được bằng lương là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, vì sao những giáo viên đã làm nghề thì hầu hết đều rất tâm huyết và gắn bó? Câu hỏi không của riêng ai này mới đây được một cô giáo trẻ đặt ra và ngay lập tức nhận về nhiều ý kiến.
Cô giáo chia sẻ: Em xin phép đặt câu hỏi vì tò mò và kiếm động lực cho bản thân thôi chứ không có ý đánh giá gì ạ. Lý do nào mà giáo viên vẫn yêu và tâm huyết với nghề trong khi lương không bằng shipper và lao động phổ thông (10tr/tháng).
Bối cảnh: Giáo viên bằng giỏi đại học, làm việc cả ngày cả đêm để soạn giáo án và hoàn thành công việc đáp ứng nhu cầu của trường. Shipper, lao động phổ thông: Không cần bằng đại học, làm 8h/ ngày, làm thêm có tiền thêm.
Lương thấp, làm vì... đam mê hay còn nguyên nhân khác nữa?
Đồng tình với câu chuyện lương thấp, nhiều thầy cô cho biết, bản thân đi dạy nhiều năm lương không quá 8 triệu, nếu không vì đam mê thì khó trụ nổi. Như cô giáo M.H kể, mình ra trường 22 năm, 1 bằng đại học, 2 bằng Thạc sĩ, dạy môn phụ 18 tiết/tuần, lương 7,6 triệu đồng, nhưng không bỏ nghề vì vẫn còn có thu nhập đều đặn ổn định.
"Mình dân Tổng phụ trách đây, sắp hết năm thứ nhất, mà cộng thêm 10, 11 năm lương 6 triệu thiếu 200k. Giáo viên còn được 1 ngày nghỉ, mình làm cả chủ nhật đây... Xác định là sống bằng đam mê", một thầy giáo chia sẻ.
Đóng góp ý kiến vào chủ đề này, nhiều giáo viên cũng đưa ra các góc nhìn khác. Ngoài lý do là yêu nghề, yêu trẻ thì các thầy cô cũng liệt kê thêm hàng loạt nguyên nhân gắn bó lâu dài với nghề gõ đầu trẻ.
- Bạn sẽ có những thứ mà không tiền nào mua được. Đó là tình yêu bọn trẻ dành cho bạn. Đó là sự tin tưởng của phụ huynh... Bọn trẻ sau khi học vẫn tìm cách qua chỗ cô chỉ để gặp cô là đủ để mình không kêu ca rồi. Sau mấy năm ra trường thì cảm nhận tất cả vì học sinh ạ. Cảm thấy mong muốn giúp đỡ bọn trẻ nhiều nhất có thể, định hướng bọn trẻ trở thành những người tử tế.
- Cô đi dạy được 26 năm rồi. Thật ra lúc đầu cũng vì cơm áo gạo tiền mà cô suýt không trụ được trong ngành. Nhưng nhờ trong lòng cô luôn có suy nghĩ mọi người đi làm để tạo ra sản phẩm cho xã hội, mình may mắn hơn là sản phẩm của là con người. GV không ai làm việc 8h/ngày đâu em. GV tụi cô toàn làm từ 10 đến 15, 16h/ ngày không thôi.
- Ban đầu tôi không hề yêu, đây là cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Mẹ tôi thấy đây là bến đỗ vững chắc, lâu dài cho con gái tay yếu chân mềm như tôi. Không lo chạy vạy nắng mưa, không lo bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Sau 20 năm vất vả với nó, bây giờ tôi thật sự tìm thấy niềm vui trong đó, cũng bởi tôi quá quen thuộc và có thể điều khiển được nó chứ không phải chạy theo đáp ứng nhu cầu của nó, tôi yêu những đứa con của tôi dù có đứa này đứa kia.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng mỗi nghề có đặc thù riêng, so sánh cũng rất khó. Nếu bỏ qua lương, đặt lên bàn cân những khía cạnh khác của 2 nghề này thì giáo viên có những "đặc quyền" mà shipper mơ ước: Những ngày mưa gió bão bùng, giáo viên được làm việc tại nơi an toàn, shipper chạy dưới trời bão; mùa dịch 5 tháng giáo viên ở nhà vẫn đảm bảo thu nhập đầy đủ, shipper cấm không được ra đường; giáo viên nghỉ hè vẫn có lương, shipper ráo mồ hôi là hết tiền...
"Vậy nên đừng so sánh nghề này với nghề khác mà hãy so sánh là tại sao cùng hoàn cảnh, trình độ, địa lý, ngành nghề mà giáo viên khác thu nhập tốt còn mình vẫn trông vào 3 đồng lương thôi", một cô giáo nêu ý kiến.
Đã chọn thì yêu nghề và bằng lòng với cuộc sống
Nhiều người cho rằng, lương không cao so với nhu cầu cuộc sống là tình hình chung của cán bộ, viên chức chứ không phải giáo viên lương thấp. Và nhất là, cộng thêm phụ cấp, nhà giáo có lương tháng hơn hẳn các viên chức khác, như một cô giáo khẳng định: "Không nói đến những thứ khác chỉ nói đến thu nhập nhé, cả 2 vợ chồng mình là giáo viên. Vài năm đầu cuộc sống khó khăn chút nhưng thời gian trôi qua cuộc sống của mọi giáo viên đều ổn. Mức sống đều bằng hoặc vượt trung bình ở địa phương thế mà lại có nhiều hạnh phúc khác mà không phải nghề nào cũng có".
Với nhiều giáo viên, họ vẫn có thể gia tăng thu nhập nếu chịu khó và cân bằng thu xếp cuộc sống tốt nên cơ bản là thấy mình sống ổn. Thực ra có những nghề có thể làm giàu còn những nghề thì không thể đáp ứng nhu cầu giàu nhanh, khi chọn nghề hẳn mình đã nên biết về điều này. Chưa kể, bỏ qua những thứ khác, nếu chỉ nói về thu nhập thì giáo viên giỏi cũng không hề nghèo:
"Với mình nghề nghiệp không chỉ là để kiếm tiền. Theo thang nhu cầu của con người thì nhu cầu vật chất, nhu cầu an toàn vẫn chỉ là ở tầng dưới thôi. Công việc còn là chỗ để khẳng định giá trị của bản thân, để kết nối với mọi người và ở góc độ nào đó nó là sự cống hiến cho cộng đồng. Vì thế mình nghĩ yêu nghề là một khái niệm mơ hồ nhưng cụ thể hơn với mình chính là được làm nghề mình thấy thích, có năng khiếu, kiếm được tiền nuôi sống bản thân và gia đình và đạt được những giá trị tinh thần mà mình theo đuổi. Nghề giáo cho mình đủ những thứ đó nên mình vẫn duy trì được công việc lâu dài".
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.