Khi viết văn tả, lời khuyên quen thuộc mà em học sinh tiểu học nhận được từ thầy cô là nên sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh. Vậy làm thế nào để có thể viết được câu so sánh hay và ấn tượng? Cô Lê Thị Thu Ngân, giáo viên ở Hà Nội, gợi ý một số bí quyết hữu ích.
1. Các hình ảnh so sánh cần có sự tương đồng
Trong quá trình chấm văn cho học sinh, cô Ngân nhận thấy rất nhiều bạn từng viết "Mảnh trăng cong cong như con tôm". Có lẽ, các em đã học cách so sánh của nhà văn Ngô Quân Miện trong câu: "Cầu Thê Húc cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn".
Tuy nhiên, việc chọn "con tôm cong cong" để tả trăng quả thực không hợp, nó không gợi ra vẻ đẹp sáng trong, lung linh của mảnh trăng trên bầu trời. Chọn một hình ảnh so sánh khác, câu văn sẽ hay và ấn tượng hơn rất nhiều: "Mảnh trăng khuyết đứng yên ở góc trời, sáng trong như một mảnh bạc" (Nguyễn Minh Châu).
Để tả đôi mắt dữ dằn, đầy đe dọa của một chú chim, một nhà văn đã so sánh màu ghi xám trong đôi mắt ấy như "màu của những đám mây bão". Nếu hình ảnh được đưa ra so sánh khác đi một chút, ví dụ "đôi mắt xám như chì" thì hẳn đôi mắt ấy sẽ mất đi rất nhiều hung dữ và nguy hiểm.
Có một câu văn so sánh của nhà văn Murakami: "Trong vương quốc của tháng bảy, thậm chí một nhúm giấy bạc bọc sôcôla bị vứt lại trên bãi cỏ cũng hắt lên những tia lấp lánh kiêu hãnh như một mảnh pha lê dưới đáy hồ". Khi chọn được một hình ảnh đặc biệt để so sánh, tác giả đã khiến một mảnh giấy bạc tưởng như bị bỏ đi kia bỗng trở nên lung linh, lấp lánh, kì diệu. Đó cũng là một hình ảnh đẹp đẽ gợi tả một mùa hè của ánh nắng rực rỡ, chan hòa, gợi tả một vương quốc tháng bảy thần tiên như cổ tích.
Vậy nên, điều quan trọng khi so sánh đó là các hình ảnh so sánh cần có sự tương đồng và đặc biệt hình ảnh được sử dụng để so sánh với đối tượng được miêu tả trong câu phải phù hợp và giàu sức gợi.
2. Tập viết câu so sánh: "A như B thế nào/ làm sao/ làm gì…"
Khi viết câu so sánh, học sinh hay viết những câu văn theo cấu trúc "A như B". Câu văn của các con thường là: Rễ cây nổi lên trên mặt đất như những con trăn; Hồ nước trong vắt như một chiếc gương; Những vì sao nhấp nháy như những ánh đèn; Hoa xoan lúc nở rộ như nữ hoàng...
Nhưng nếu chịu khó thay đổi một chút, tập viết câu so sánh theo cấu trúc câu: "A như B thế nào/ làm sao/ làm gì…", câu văn sẽ khác rất nhiều.
Ví dụ: - Rễ cây nổi lên trên mặt đất như những con trăn da nâu điểm những đốm mốc/như những con trăn đang trườn về các phía…/như những con trăn đang giận dữ… Hồ nước trong vắt như một chiếc gương khổng lồ, sáng long lanh/như một chiếc gương pha lê đang hắt lên những tia lấp lánh kiêu hãnh giữa những hàng cây xanh mướt… Những vì sao nhấp nháy như những ánh đèn dẫn đường tin cậy… /Hoa xoan lúc nở rộ như nữ hoàng khoác lên mình một chiếc áo màu tím nhạt, dịu dàng.
Việc luyện viết câu so sánh theo cấu trúc "A như B thế nào/làm sao/làm gì…" sẽ giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, chuyển những hình ảnh liên tưởng so sánh từ rất quen thuộc trở nên mới lạ, thu hút.
Cô Ngân khuyên các em hãy chịu khó sưu tập nhiều câu so sánh hay của các nhà văn để tham khảo và học tập nhé! Những câu văn hay ấy không chỉ giúp các con làm giàu vốn liên tưởng của mình mà còn mang đến rất nhiều gợi mở về cách viết hay.
3. Tập viết các dạng câu so sánh: Hình dạng với hình dạng, trạng thái với trạng thái, đặc điểm với đặc điểm, hoạt động với hoạt động…
Đồng hành cùng với các bạn học sinh tiểu học, cô Ngân cũng thấy một thói quen nữa khi viết câu so sánh của các con là: Thường viết câu so hình dạng với hình dạng. Viết câu tả mặt trời lúc nào cũng là: "Mặt trời thì đỏ rực như quả cầu lửa", "Mảnh trăng cong cong như lưỡi liềm" "Mảnh trăng cong cong như trái chuối", "Trăng tròn như quả bóng".
Thực tế, có rất nhiều hướng liên tưởng để các con viết câu so sánh, nhân hóa dễ dàng hơn. Chẳng hạn, viết tiếp câu: "Hồ nước..." sử dụng phép so sánh, nếu chỉ so sánh hình dạng, học sinh thường viết: "Hồ nước như chiếc gương bầu dục khổng lồ".
Tuy nhiên, các em có thể thỏa sức sáng tạo câu văn của mình khi nhìn ở các khía cạnh khác của sự vật để viết câu so sánh. Ví dụ, có thể so sánh để gợi tả trạng thái yên lặng của hồ nước. So sánh: "Hồ nước lặng yên" với trạng thái "lặng yên" của con người. Các con hãy suy nghĩ: "Khi nào con người lặng yên?" và hoàn toàn có thể liệt kê là "khi ngủ, khi nhớ, khi buồn, khi mơ mộng, khi nhớ....
Như vậy các em có thể viết được rất nhiều câu: Hồ nước lặng im như chìm vào giấc ngủ/ Hồ nước lặng im như đang mơ mộng tới bầu trời/ tới những đám mây trắng, tới những cánh chim... Hồ nước lặng im như đang buồn bã điều gì/ Hồ nước lặng im như đang nhớ những vì sao lấp lánh buổi đêm....
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.