Có hay không sự "chống lưng" cho Công ty Việt Á?

Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đang được Bộ Công an điều tra mở rộng, sớm đưa các đối tượng ra xét xử, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ với dư luận.

Về công trình nghiên cứu khoa học để sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á , sáng 25-12, PGS-TS Hồ Anh Sơn, Học viện Quân y, đại diện nhóm nghiên cứu trả lời báo chí cho rằng bộ kit xét nghiệm của Việt Á có độ chính xác cao, là kết quả, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học, trong đó có nhiều GS, TS đầu ngành...

Ông Sơn cũng thông tin, sản phẩm đạt độ chính xác 100%, phát hiện được cả biến thể Delta của nCoV. Kết quả này đã được đăng trên Tạp chí Truyền nhiễm - Hội Truyền nhiễm Việt Nam và gửi Tạp chí Journal of Clinical Laboratory Analysis.

Ông Sơn nói "gửi" thôi, còn đã đăng chưa thì không nói rõ. Thông tin này cần được làm sáng tỏ, vì nhiều nhà khoa học thử đi tìm bài nghiên cứu này trên tạp chí nêu trên nhưng không thấy.

Một vấn đề khác: Việc trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) rút các thông tin về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, với lý do là sai sự thật nhưng trang web này không một lời đính chính đúng như quy định.

Còn trong thông cáo báo chí ngày 21-12, Bộ Y tế cũng né tránh thông tin của WHO, chỉ khẳng định việc cấp phép cho bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là đúng với quy chuẩn Việt Nam.

Những thông tin sai lệch về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á được công bố trong một cuộc họp báo ngày 5-3-2020, trong đó khẳng định bộ kit này được WHO công nhận, "tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất" (trang web của Bộ KHCN đăng tin ngày 6-3-2020). Bộ KHCN khẳng định Việt Nam trở thành một trong sáu đơn vị sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ.

Có hay không sự chống lưng cho Công ty Việt Á? - Ảnh 1.

Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Vấn đề khác: Bô Y tế có "ưu ái" sản phẩm của Việt Á? Trong thông cáo báo chí chiều 21-12, Bộ Y tế khẳng định việc cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4-3-2020. Đến ngày 4-12-2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5071 cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm này.

Như vậy, qua hơn 9 tháng sử dụng, Bộ Y tế vẫn không phát hiện được sai sót thông tin nào về kit xét nghiệm của Công ty Việt Á? Và cho đến nay dư luận cũng rất thắc mắc nhà máy sản xuất kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đặt ở đâu, hay chỉ một cơ sở mấy chục mét vuông ở Bình Dương?

Còn về giá sản phẩm của Công ty Việt Á, Bộ Y tế dẫn theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá, được xác định thông qua đấu thầu. Các địa phương, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm. Vậy thì văn bản sau đây có "ý nghĩa" gì?

Ngày 2-7-2021, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành danh sách các bộ kit xét nghiệm đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu, khả năng cung ứng và giá bán. Văn bản này nêu rõ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á có giá 470.000 đồng/bộ.

 

Với thông tin như vậy, nhiều Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương đã mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với mức giá 470.000 đồng/sản phẩm, thậm chí có nơi còn mua hơn 500.000 đồng/sản phẩm.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An - đơn vị có mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Văn Hoàng - khẳng định bệnh viện làm đúng quy trình về chỉ định thầu, mua vật tư y tế với mức giá "lúc đó Bộ Y tế đưa ra sao thì mình tham khảo mua như vậy".

Như vậy Bộ Y tế có "định hướng" giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á?

Một thông tin khác dư luận cũng rất quan tâm. Đó là, ngày 11-10-2017, Công ty Việt Á đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên 3 cổ đông sáng lập là ông Phan Quốc Việt (10,2% cổ phần); ông Đồng Sỹ Huy (5%) và Hồ Thị Thanh Thủy (4,8%). Tổng cộng 3 cổ đông này năm giữ 20% cổ phần của công ty.

Còn lại 80% (khoảng 800 tỉ đồng vốn điều lệ) là các cổ đông khác góp vốn. Đó là những cá nhân nào? Tất nhiên điều này không thể qua mắt được cơ quan điều tra.

Trả lời những câu hỏi trên, sẽ rõ có hay không sự "chống lưng" để Việt Á cung cấp kit xét nghiệm với giá trên trời như Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đề nghị.

 

Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/co-hay-khong-su-chong-lung-cho-cong-ty-viet-a-20211226102614137.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang