Cô hồn là tháng nào – Câu hỏi vạn người tưởng biết, hoá ra sự thật là thế này

(lamchame.vn) - Nhiều người vẫn tự hỏi: Tháng cô hồn là tháng mấy? Tháng cô hồn là tháng 7 Dương lịch hay Âm lịch? Đây là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm.

Tháng cô hồn là tháng mấy?

Dân gian thường cúng cháo, gạo, muối cho cô hồn, quỷ đói vào tháng 7 Âm lịch để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.

Cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Người Việt cổ tin rằng, con người gồm hai phần – hồn và xác. Khi mất đi, phần hồn còn tồn tại, tùy theo việc khi còn sống làm mà người mất sẽ được đầu thai kiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Và cúng cô hồn từ đó xuất hiện.

Theo quan niệm từ xa xưa, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan từ ngày 2/7 và đến Rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương. Đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7, việc mở cửa sẽ kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Chính vì như thế cho nên vào tháng 7 Âm lịch, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói đang vật vờ ngoài đường, không có nơi nương tựa, nên phải cúng cháo, gạo, muối... hối lộ cho chúng ăn và không quấy nhiễu cuộc sống bình thường.

Ngày cúng cô hồn ở Việt Nam sẽ kéo dài một tháng, không nhất thiết phải là ngày rằm. Ngày cúng cô hồn có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình, từng vùng miền khác nhau.

Mọi người thường đốt vàng mã vào tháng này. Trong tháng này mọi sự đều không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đều tránh sang tháng khác.

Tại sao có lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ trong tháng cô hồn?

Mùa Vu Lan báo hiếu cha mẹ chính là Rằm tháng 7. Đây là một trong những ngày trọng đại và thiêng liêng nhất của Phật giáo.

Theo kiến thức phong thủy học cơ bản, trong tháng 7 Âm lịch, ngoài việc cúng cô hồn còn là dịp để người Việt làm lễ cũng Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.

Chuyện kể rằng, Bồ Tát Mục Kiền Liên vốn là một vị cao tăng thần thông quảng đại, hiếu nghĩa vô cùng. Khi mẹ của ông là bà Thanh Đề qua đời, ông nhớ mẹ da diết và cố gắng đi tìm mẹ.

Vì khi còn sống mẹ ông gây nhiều nghiệp ác nên khi chết đi, bà phải làm quỷ đói và bị hành hạ rất thương tâm. Thương mẹ, ông đem cơm đến dâng mẹ, tuy nhiên cứ khi nào đồ ăn được dâng tới tận miệng thì chúng lại hóa thành than lửa, mẹ ông không tài nào ăn được.

Bồ Tát khẩn thiết kêu van xin Phật tìm cách cứu mẹ, lúc đó ông được biết ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để mang đồ cho mẹ ăn và ông đã cứu mẹ thành công. Và đó chính là sự tích của lễ Vu Lan. Lễ Vu lan Rằm tháng 7 là một trong những ngày trọng đại và thiêng liêng nhất của Phật giáo.

Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước thuộc châu Á coi tháng 7 Âm lịch và đặc biệt là ngày Rằm tháng 7 là ngày chỉ dành cho người cõi âm, người đã chết, chết oan uổng, chết bất đắc kỳ tử, không có người thờ cúng.

Người ta cho rằng, trong suốt tháng này những vong hồn từ dưới địa ngục sẽ vảng vất, xuất hiện ngay tại dương gian. Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân, trùng với lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ.

Bản chất của ngày Rằm này rất nhân văn, là lòng yêu thương con người với con người. Ngày có ý nghĩa mọi người tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, nó giống như lễ Vu Lan, những người con hướng về mẹ vậy.

* Mọi thông tin chỉ có tính chất tham khảo.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang