Rạng sáng 25-10, khi đang nằm tại hành lang bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM cùng hai con, sản phụ T.T.H.Y. (32 tuổi, quê Cà Mau) bất ngờ lên cơn đau bụng, được chuyển sang BV Nhân dân Gia Định. Tại đây, BV phải vừa đỡ đẻ cho sản phụ, vừa cử người trông nom hai đứa trẻ.
Tuy nhiên hai ngày sau sinh, chị Y. bất ngờ xin dẫn hai con lớn rời viện, sau khi được BV hỗ trợ 11 triệu đồng huy động từ các mạnh thường quân. Đến nay vẫn chưa thấy sản phụ quay lại đón con út
Đó là 1 trong các trường hợp trẻ bị bỏ rơi mà BV Nhân dân Gia Định hiện đang tiếp nhận nuôi dưỡng. Khi mới sinh, con trai của chị Y. bị nhiễm trùng, tím tái, nhẹ ký vì thiếu tháng. Đến nay sau thời gian điều trị, sức khỏe đứa bé đã hoàn toàn ổn định
Điều dưỡng Trần Thị Thanh Thúy là người trực tiếp lo việc chăm sóc cho 5 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi các bé được chuyển lên khoa Bệnh lý sơ sinh của BV
Chị Thúy cho biết, con của chị Y. là bé nhỏ nhất, chưa đầy một tháng tuổi. Lớn nhất là cậu bé tên An Nam, 7 tháng tuổi. 3 trường hợp còn lại nằm trong khoảng từ 3-4 tháng tuổi
"Mẹ đẻ ở phòng sinh rồi được chuyển qua khoa Sản, canh y tá lơ là thì bỏ trốn. Khi nữ hộ sinh của BV không phát hiện người nhà mới ẵm lên khoa của tôi" – điều dưỡng Thúy chia sẻ "kịch bản" quen thuộc của những người mẹ muốn bỏ con
Sau khi tiếp nhận, chị Thúy cùng với các điều dưỡng khác có nhiệm vụ lo việc vệ sinh, dinh dưỡng cho các bé. Đều đặn mỗi ngày, trẻ sẽ được bú 8 cữ, cho tắm vào sáng sớm. Tiền sữa của các bé do BV chi trả
Chị Thúy cho biết, thấy hoàn cảnh các bé quá đáng thương, nhiều mạnh thường quân hay sản phụ sinh tại BV thường hay giúp đỡ tiền bạc. Số tiền này sẽ được các điều dưỡng dùng mua tã, quần áo, bình sữa cho các bé
47 tuổi, chị Thúy đã có 26 năm theo nghề chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong số này, trẻ bị mẹ bỏ rơi mà chị từng chăm sóc cũng khá nhiều
"Có năm tôi chăm sóc đến hơn 20 trẻ bị bỏ rơi. Đến giờ thì không thể nào nhớ nỗi số lượng cụ thể" – điều dưỡng Thúy chia sẻ
"Lúc tôi làm vệ sinh cho đứa trẻ, thấy chân bé đã chảy máu rất nhiều, lại tím tái dữ lắm. Vậy mà sau khi được may vết thương, chích ngừa uốn ván và chăm sóc ít ngày, nó vẫn qua khỏi một cách thần kỳ" – chị Thúy kể
Sau một thời gian không được gia đình đến đón, các bé sẽ được BV sẽ được làm thủ tục đưa đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội như: Thị Nghè (Bình Thạnh), làng SOS Gò Vấp hay Làng Thiếu niên Thủ Đức. Cứ thế, điều dưỡng Thúy chăm hết trường hợp này đến trường hợp khác
Làm công việc chuyên chăm sóc trẻ, thường xuyên về khuya nên có nhiều khi chị Thúy không theo sát con gái 13 tuổi của mình. Để cho con hiểu và biết chia sẻ, chị Thúy hay dẫn con vào các cô nhi viện, cho con tham gia các hoạt động với bạn bè đồng trang lứa
Dù rất thương các bé sơ sinh, tuy nhiên chị Thúy mong cha mẹ sớm hồi tâm chuyển ý đến đón con. Đó có lẽ cũng là ước mơ của toàn thể đội ngũ y bác sĩ, nhân viên tại BV Nhân dân Gia Định
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.