Có nên gọi học trò là các con?

Mới đây, câu hỏi này được “xới” lên bởi các học giả có tiếng. Họ đưa ra lí lẽ để khẳng định không nên gọi học trò bằng con, bởi không ích lợi về nhiều mặt, trước hết và trên hết, không tốt cho trò. Cách xưng hô trong nhà trường, tưởng chuyện cỏn con, hóa ra phức tạp…

Chia sẻ với phóng viên, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam “bật mí”: “Vấn đề được nêu lên từ lâu rồi. Cách đây gần hai chục năm giới ngôn ngữ học đã bàn đến các cặp xưng hô phù hợp trong nhà trường”.  GS-TS Trần Đình Sử còn chỉ rõ những tác phẩm đã luận bàn cách xưng hô trong trường học: “Giáo sư Cao Xuân Hạo đã nói nhiều lần lắm. Các bạn có thể xem lại trong cuốn “Tiếng Việt Văn Việt Người Việt”, có những bài viết rất kỹ. Giáo sư Trương Quang Đệ cũng từng viết về “ngôi” trong tiếng Việt, đề cập văn hóa xưng hô của người Việt”.

Có nên gọi học trò là các con? - Ảnh 1.

Tác phẩm của GS. Cao Xuân Hạo. Ảnh:Internet

Có gì mà “rộn” hay “thân mật quá trớn”?

GS Trần Đình Sử chính là một trong những người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận: Có nên gọi học trò là các con, trên facebook hiện nay. TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình, anh đăng dòng trạng thái: “Cực lực phản đối gọi học sinh bằng con”. Trước thái độ của các giáo sư, tiến sỹ, dư luận “nóng” lên.

Có người thấy xưng hô trong trường học không đáng “rộn”. “Thầy Trần Quốc Vượng toàn gọi học trò là “ông bà”…”, một người lên tiếng.  Cũng theo người này: Ở bậc mầm non và tiểu học, thầy/cô giáo gọi các cháu là các con thì được, thậm chí tốt. Còn từ THCS trở lên thì không nên gọi trò là con nữa. Song cũng không nên quá cứng nhắc mà “để thầy, cô giáo và học sinh tự lựa chọn vì thầy, cô giáo có nhiều độ tuổi khác nhau”.

Một giáo viên đã dạy học ở miền Nam mấy chục năm quan niệm thoáng: “Chuyện xưng hô giữa giáo viên và học sinh rất linh hoạt: Thầy cô trẻ gọi học sinh bằng em. Thầy cô lớn tuổi (độ 45-50 trở lên) bậc cha chú, cô dì thì học trò sẽ tự xưng con, nhứt là khi giao tiếp ngoài giờ lên lớp. Thầy cô lớn tuổi, trong tiết học xưng hô: Tôi- Anh/chị. Ngoài tiết học thường Thầy/cô - Con… Tùy tuổi tác để xưng hô, Nam bộ phổ biến như thế”. Vị này cho rằng:  “Khi nào cũng xưng hô anh/chị, nghe nặng nề lắm. Học trò gặp thầy bậc ông, bà, cha, chú mà nói “Tôi chào thầy” thì Nam bộ hầu như hồi nào đến giờ chưa có”.

Những trường hợp cực lực phản đối gọi học trò bằng con cũng không ít: “Chỉ có cha hoặc mẹ mới được gọi bằng con, tức là chỉ những ai sinh ra cháu bé mới được quyền gọi nó bằng con. Ông bà, chú bác, cô cậu, dì dượng… thầy cô… tất tật thành phần còn lại, chỉ được gọi bé bằng cháu. Thân mật quá trớn”, ý kiến của một người đàn ông đến từ Huế.

Đang đi giật lùi?

Theo TS Nguyễn Đức Mậu, gọi học trò bằng con có nguồn gốc Nho giáo: “Nho giáo nhìn thế giới theo mô hình gia đình mở rộng, hai người xa lạ sống cách xa nhau cũng xưng hô theo gia đình, chú, bác, cháu, con”. Theo quan sát của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: “Dăm bảy năm trở lại đây, có thể thấy lối gọi chung các nhóm và cả cộng đồng học trò phổ thông là “các con”- đã khá phổ biến ở những người làm việc trong ngành giáo dục, ví dụ các giáo viên, cán bộ quản lý, nghiên cứu giáo dục”. Thậm chí, ông còn thấy hình như cách gọi đang có xu hướng “chuẩn hóa”: “Những viên chức của Bộ GD&ĐT khi xuất hiện trên các kênh truyền hình để làm rõ những vụ việc hoặc vấn đề gì đó thuộc phạm vi ngành giáo dục, người ta thấy họ thường gọi cộng đồng học trò các cấp là các con”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phản đối cách gọi học trò là con, bởi đây là một  bước lùi về phát triển ngôn ngữ tiếng Việt: “Một trong những nhược điểm lớn trong từ vựng tiếng Việt là hệ thống các đại từ thiếu hoàn chỉnh, nhất là ngôi thứ ba, hầu như sang thời hiện đại, thế kỷ XX vẫn chưa định hình được một từ dùng để gọi ngôi thứ hai và ngôi thứ ba sao cho đầy đủ tính trung lập; do vậy thường mượn tạm các từ chỉ các vai trò, các tư cách trong quan hệ gia đình, như ông, bà, cô, chú, bác.v.v.. để thay thế”.

Có nên gọi học trò là các con? - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phản đối cách gọi học trò là con, bởi đây là một bước lùi về phát triển ngôn ngữ tiếng Việt (Ảnh minh họa).

Ông làm phép so sánh, khi nhìn lại cách xưng hô ở nhà trường miền Bắc giai đoạn 1954-1975: “Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đứng trước cộng đồng học trò thường gọi họ là “các em”, “các cháu”/nếu là học trò mẫu giáo, lớp 1/, “các bạn”, “các trò”/Nếu là học trò lớn cấp 3/, nhà giáo đại học thì phổ biến gọi sinh viên là “các bạn””.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đánh giá, những cách lựa chọn xưng hô như thế, vẫn mượn từ chỉ các vai của quan hệ gia đình Việt nhưng “còn tạm lọt tai, vì các từ tuy mượn từ quan hệ gia đình, nhưng đã chọn những vai mà quan hệ gia đình tương đối xa: “em”, “cháu” không nhất thiết nghĩa là em ruột, cháu ruột, “bạn” thì đã ngoài liên hệ ruột thịt rồi”.

Nhà phê bình “phê” tiếp, cách gọi trò là con là bước lùi về tác động phát triển nhân cách xã hội: “Nếu trẻ em Việt lớn lên ở môi trường Anh ngữ, Pháp ngữ v.v… họ sẽ sớm phải tự xưng là tôi chứ không có từ con, em, cháu cho môi trường ngôn ngữ ấy”. Theo Lại Nguyên Ân, “cách gọi “con”, “các con” như thế chỉ gia cố quan hệ gia đình cho các không gian xã hội chứ không kích thích phát triển các quan hệ xã hội rộng hơn gia đình”.

GS-TS Trần Đình Sử cũng bày tỏ ý kiến tương tự: “Mình đào tạo học trò phải đưa họ vào quĩ đạo của văn hóa dân tộc, quĩ đạo của người công dân. Cho nên, mình phải xưng hô với họ theo quan hệ, để sau này họ trưởng thành, thành người có nhân cách, cá tính, tính độc lập, thành con người xã hội chứ không phải con người gia đình”. Trao đổi với phóng viên, GS Trần Đình Sử đồng ý, với các em ở bậc tiểu học, có thể gọi bằng con.

Còn các trò lớn hơn thì không nên gọi bằng con: “Ở trung học cơ sở, gọi các trò bằng em, cũng được. Nhưng đến trung học phổ thông nên gọi anh/chị, để các trò ý thức được họ là người lớn, biết biểu đạt như một người lớn. Vì tốt nghiệp phổ thông, các em đã thành người lớn, không thể cứ “cháu cháu”, “con con” rụt rè. Về phía các trò, có thể xưng “em” với thầy cô cũng được, xưng “tôi” cũng được, giáo viên phải tôn trọng. Về phía giáo viên, cũng phải tôn trọng trò, nên gọi là anh/chị”. GS. Trần Đình Sử thấy cần thiết phải thay đổi cách xưng hô trong nhà trường, cho dù đụng đến nhiều vấn đề, như tập quán chẳng hạn.

Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chỉ ra những cặp xưng hô đang tồn tại trong nhà trường hiện nay: Thầy/Cô- Cháu; Thầy/Cô- Em; Thầy/Cô-Con; Thầy/Cô- Anh/Chị. Ông chỉ ra: Trong số những cặp xưng hô này, thì cặp xưng hô Thầy/Cô- Con chưa tạo sự thoải mái trong giao tiếp: “Trong tiếng Việt, ta chỉ xưng “con”  với người nào đó sinh ra mình, thường là bố mẹ, ông bà thân tình lắm mới gọi cháu là con. Cho nên, thầy cô gọi trò là con, đôi khi  tạo ra những tình huống lúng túng: Có những cô giáo mới tốt nghiệp đại học, chỉ hơn trò mấy tuổi, gọi trò bằng “con”, không hợp về mặt tuổi tác đã đành, cũng không hợp lắm về mặt tâm lí. Dẫn đến thầy/ cô cũng gượng, trò xưng “con” cũng không thỏa mái. Có tình trạng, học sinh ở lớp xưng “con” nhưng ra ngoài lại lập tức xưng “em”, xưng “cháu”, thoải mái hơn hẳn”. PGS-TS Phạm Văn Tình cảnh báo: “Khi xưng hô không thoải mái thường không đạt hiệu quả trong giao tiếp. Cho nên, cần cân nhắc vấn đề này”.

Theo Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Vấn đề xưng hô trong nhà trường cần có một cuộc khảo sát chung trong xã hội, từ học sinh, giáo viên, phụ huynh… nếu không, những cuộc cày xới luận bàn trên mạng sẽ lại chìm nghỉm, giống như câu chuyện này từng được các nhà ngôn ngữ học lưu ý nhưng rơi vào quên lãng suốt 20 năm nay.

Đụng đến văn hóa, tập quán

Hỏi một giáo viên dạy văn lớp 12 quanh câu chuyện đang “nóng”,  cô cười: “Các nhà nghiên cứu có vẻ quan trọng hóa việc xưng hô. Tôi đồng ý hiện tượng xưng hô này trong trường học là phổ biến, do thói quen dần trở thành mặc định. Tôi vẫn gọi các trò của mình là các con. Bởi, ở các cấp dưới các trò đã quen được gọi như vậy. Các cô giáo cũng thế. Khi học sinh lớp 10 mới vào trường, nhiều bỡ ngỡ, nên chúng tôi gọi “con” để tạo gần gũi. Lâu dần thành quen”.

Khi được hỏi: “Tại sao giáo viên không thử thay đổi cách xưng hô?”. Cô giáo, xin được giấu tên, lấy ví dụ: “Khi giảng bài nếu tôi hỏi học trò, anh A, chị B cho tôi biết… Nghe có khách khí hay quan cách không? Kiểu gọi trò là anh, chị, cô, cậu… bị cho là xếch mé, khi tương tác với học sinh, hoặc là giáo viên đang biểu hiện một thái độ tiêu cực như bực dọc, không đồng tình với học sinh”. Một nhà thơ lên tiếng: “Từ thời các ông đồ đã xưng Thày-Con rồi. Đụng đến câu chuyện này là đụng đến văn hóa và tập quán của dân tộc đấy”.

 

Theo Tiền Phong

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang