"Có tiền trong balo á, lấy chia ra đi": Câu chuyện từ cô hiệu trưởng ở TP. HCM khiến nhiều phụ huynh xôn xao trong dịp 20/11

Đằng sau chuyện chiếc phong bì ngày 20/11 đôi khi là bao nhiêu tâm tư trĩu nặng của những người thầy, người cô chân chính.

Mỗi khi tới dịp 20/11, những học trò thế hệ 7x, 8x… vẫn thường nhắc lại và tiếc nuối những giá trị ngày xưa cũ. Đó là những ngày cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tình thầy trò thì vô cùng giàu có. Có lẽ chẳng ai quên được hình ảnh từng lớp học trò rủ nhau đến nhà thầy cô, mang theo những đặc sản vườn nhà, tấm thiệp tự làm mà trân quý.

Còn ngày nay, quà tặng thầy cô hầu như đều quy ra... phong bì. Gần tới dịp này, cứ dạo quanh vài hội nhóm phụ huynh, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra chuyện được bàn tán sôi nổi nhất chính là "đi phong bì bao nhiêu là đủ?". Ngày nhà giáo Việt Nam với nhiều người vô tình thành ngày "đổi chác". Bên mất tiền sẽ mong đổi được sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên đối với con mình. Bên nhận sẽ phải có trách nhiệm hơn để làm thỏa mãn lòng mong muốn.

Điều này, chắc hẳn sẽ làm buồn lòng những người giáo viên chân chính.

Có lẽ đó cũng là lý do chia sẻ "ruột gan" về chuyện quà cáp ngày 20/11 từ cô Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhóm trẻ Thiên thần nhỏ, quận 9, TP. HCM gây sốt mạng xã hội. Dù đây chỉ là "tâm tư và suy nghĩ của bản thân" như cô Nga đã nói, nhưng cũng là tâm trạng chung của rất nhiều giáo viên khác trong ngày được coi là Tết nghề của mình.

"Hổm rày thấy mọi người bàn về vấn đề phong bì 20/11 rất nhiều. Cô buồn lắm nên xin trải lòng như sau:

Ngày này là ngày nhớ ơn thầy cô nên chỉ cần ba mẹ yêu thương và tôn trọng các cô là đủ. Ba mẹ không có điều kiện thì chỉ cần 1 nhánh hoa và 1 lời chúc cũng làm cho cô ấm lòng. Ba mẹ có điều kiện thì cho cô một chút gì đó gọi là kỉ niệm. Xin ba mẹ đừng đặt nặng vấn đề quà cáp phong bì quá. Mỗi người mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, làm sao chúng ta làm giống nhau được hết.

Chỉ cần 1 nhánh hoa và 1 lời chúc cũng làm cho cô ấm lòng. (Ảnh minh họa)

Cô xin kể chuyện khi cô làm cô giáo hơn 10 năm trước:

Cô làm cho nhóm nhỏ, các em đa số con nhà nghèo. Học phí hồi đó chỉ 600 ngàn đồng/tháng cả tiền ăn mà ba mẹ rất tôn trọng, yêu thương cô. Có một trường hợp làm cô nhớ mãi. Mẹ cháu mua bán ve chai hàng ngày bằng xe đạp.

Hôm ấy, cũng lễ 20/11, con cũng đi học như bình thường. Sáng vô thì con cũng hào hứng như bình thường (con lớp chồi). Nhưng tầm nửa ngày con rất buồn, cô hỏi thì con nói con nhớ mẹ. Cô dỗ dành an ủi thì con không buồn nữa. Đến chiều mẹ rước bé về. "Anh chàng" giận dỗi mẹ và chạy về trước. Tầm 30, 45 phút sau thì bé và mẹ quay lại. Bé cầm 1 nhánh hoa và 1 tờ 50 ngàn đồng với vẻ mặt hớn hở và nói "con tặng cô". Cô bất ngờ lắm vì cô hiểu rõ hoàn cảnh của mẹ và cô mời mẹ lại nói chuyện.

Mẹ tâm sự: "Bé giận em vì không tặng hoa cho cô, các bạn đều có mà con không có. Mà cô ơi, tặng hoa không thì em thấy kì lắm. Mà có tiền thì em không đủ điều kiện. Về nó giận em không thèm nói chuyện, nên em ráng mua 1 cây bông và 50 ngàn đồng tặng cô. Tặng cô mà có 50 ngàn đồng em cũng thấy kì lắm cô ơi".

Cô đã khóc, ôm chặt đứa bé vào lòng và cảm ơn con. Sau đó cô nhận bông hoa, xin gửi lại cho mẹ 50 ngàn đồng để mẹ về mua sữa cho con và cô nói: Chỉ cần như thế là cô đã hạnh phúc rồi.

Ba năm sau, cô làm hiệu trưởng của một trường mang danh quốc tế ở trung tâm thành phố. Học phí chưa bao gồm ăn đã 8 triệu. Con của ngôi sao ca sĩ, MC... (nói chung người nổi tiếng) cho con học rất nhiều. Cũng ngày lễ đó, bất ngờ cô đi qua 1 lớp của con cô MC đó và nghe người ta nói chuyện với cô giáo của mình: "Có tiền trong balo á, lấy chia ra đi".

Ôi, nghe xong mà tan nát cõi lòng. Sau khi tìm hiểu thì mỗi cô được họ cho 500 ngàn đồng mà giống như ban phát. Không có chút gì gọi là tôn trọng.

Cuối cùng, vì quá nản mà cô đã về nơi hẻo lánh để mở 1 nhóm trẻ nho nhỏ. Thứ nhất là để phụ huynh vẫn tôn trọng mình. Thứ hai, đem tình cảm và chuyên môn của mình để hướng dẫn các con dù mức học phí trung bình".

 

Nói ra để mong ba mẹ hiểu nghề giáo và trân trọng các cô hơn

Cô Nga chia sẻ: "Mấy hôm nay cô buồn, suy nghĩ dữ lắm mới viết ra tâm sự của bản thân mình, mong ba mẹ hiểu thêm nghề giáo và tôn trọng các cô hơn. Thật sự khi ba mẹ tặng quà thì các cô cũng rất vui, không phải vui vì được tiền ít hay nhiều mà chỉ nghĩ ba mẹ yêu quý mới tặng mình. Nhưng bản thân phụ huynh chắc nghĩ rằng các cô có quà, có tiền nên mừng vậy".

Đối với cô, tri ân là nhớ ơn. Ngày trước, mỗi lần đến lễ là cô rất nôn nao vì các con và ba mẹ luôn dành cho cô những tình cảm chân thật nhất, tôn trọng nhất. Có những bạn đã ra trường (lên lớp 1) hàng năm ngày 20/11 vẫn đến tặng cho cô 1 bó hoa nho nhỏ. Còn ngày nay, ba mẹ tặng đa số là để cô giáo chăm chút con hơn, chứ sự tôn trọng đối với nghề giáo không còn cao quý như trước.

"Cũng không trách được phụ huynh, bởi cũng do một số thành phần đã làm xấu đi hình ảnh của nghề giáo. Cô chỉ muốn nói rằng, nghề nào cũng vậy, cũng có người này, người nọ nên đừng quy chụp tất cả. Có nhiều cô giáo cũng có tâm lắm, chỉ là họ không lên tiếng thôi", cô Nga bày tỏ.

Nhóm trẻ của cô Nga rất nhỏ, chỉ tầm 20 bé, nhưng cô Nga tâm sự, hiện tại cô thấy mình an nhiên và hạnh phúc vì ở đó ba mẹ đều yêu thương cô như một người chị. Cô cho rằng, chỉ mong được sự thông cảm và tình cảm chân thành của phụ huynh dành cho giáo viên bởi một chút tôn trọng quan tâm thôi cũng đã khiến thầy cô giáo hạnh phúc mà gắn bó với nghề rồi. 

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang