Cơm cung cấp glucid để sản sinh năng lượng cho cơ thể. Do vậy việc ăn thừa, thiếu cơm đều mang lại những hậu hoạ cho sức khoẻ. Tuy nhiên, ăn cơm ở mức nào để tốt cho sức khoẻ câu hỏi đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Chuyên khoa Dinh dưỡng, BVĐK Medlatec cho biết theo khuyến nghị, năng lượng do glucid cung cấp hàng ngày cần chiếm 56-70% nhu cầu năng lượng cơ thể. Như vậy cơm là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
Khẩu phần bình thường của một người cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản, trong đó vai trò quan trọng nhất của glucid (Cacbohydrate) là cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là cho não bộ. Cơm là nguồn cung cấp glucid chính cho cơ thể hàng ngày.
Người bình thường trưởng thành cần mức năng lượng khoảng 2.000Kcal/ngày, tương đương với khoảng 6 lưng bát cơm.
Theo bác sĩ Kim Anh, ăn thừa hay thiếu glucid (tinh bột) so với kiến nghị đều không tốt cho sức khoẻ. Khẩu phần thiếu glucid (không ăn cơm hoặc ăn rất ít cơm) có thể được ghi nhận ở các đối tượng có mong muốn giảm cân hoặc tập gym.
Ăn cơm với lượng vừa đủ để tốt cho sức khoẻ - ảnh minh hoạ.
"Thói quen sai lầm trên gây nên các hiện tượng mệt mỏi, uể oải, mất tập trung, lâu dần dẫn đến suy nhược, gầy sút cân và rối loạn chuyển hóa cho cơ thể. Khẩu phần thiếu quá nhiều có thể dẫn tới hạ đường huyết hoặc toan hóa máu do tăng thể cetonic trong máu", bác sĩ Kim Anh nói.
Theo bác sĩ Kim Anh, việc ăn thừa cơm cũng gây ra nguy hiểm cho sức khoẻ. Nếu những người có cân nặng không kiểm soát ăn quá nhiều glucid (cơm) thì có nguy cơ thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường.
Với bệnh nhân đái tháo đường, tỷ lệ glucid cần chiếm khoảng 55-65% tương ứng với 1 lưng bát cơm tẻ.
Lưu ý, người bệnh nên lựa chọn gạo xát dối thay cho gạo trắng (gạo càng trắng thì tỷ lệ glucid tinh chế càng cao, protein càng thấp và lượng vitamin giảm đi đáng kể). Số lượng có thể chia thành 3 bữa chính, ăn rau trước khi ăn cơm để không làm tăng glucose máu nhiều sau ăn cũng như không làm hạ glucose máu lúc xa bữa ăn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể chuyển từ gạo tẻ sang gạo lứt, gạo lật nảy mầm vì có hàm lượng chất xơ cao hơn.
Với bệnh nhân có bệnh lý viêm loét dạ dày- tá tràng, nên ăn cơm chia nhiều bữa, không bỏ bữa, có thể sử dụng cơm nát, cháo; ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong nghỉ ngơi không chạy nhảy, đùa nghịch; tránh ăn quá no, tránh để quá đói và tránh ăn muộn vào đêm. Người bệnh cũng cần kết hợp cùng các nguyên tắc dinh dưỡng khác để nương nhẹ chức năng dạ dày, làm giảm tiết dịch vị, giảm kích thích để vết thương chóng lành và giảm đau.
Bác sĩ Kim Anh khuyến cáo với tất cả mọi người: "Không nên ăn quá nhiều gạo xay xát kỹ hoặc bột tinh chế. Ngoài ra, bệnh lý viêm loét dạ dày trẻ em liên quan đến tập quán nhai cơm, ăn cơm sớm (< 2 tuổi), mớm cơm... dẫn đến lây truyền giữa các thành viên trong gia đình".
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/com-rat-quen-thuoc-nhung-an-sai-gay-hai-suc-khoe-chuyen-gia-chi-loi-sai-nhieu-nguoi-mac-161221502131941264.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.