Một ngày, bạn nhìn thấy con mình đi học về bị một vết răng cắn, một dấu bầm tím không bình thường. Chắc hẳn sau cảm giác xót xa lo lắng, bạn sẽ muốn tìm hiểu cho rõ nguyên nhân. Đó cũng là tâm trạng chung của những người làm cha làm mẹ.
Mặc dù mong muốn con trẻ được an toàn ở trường học là điều vô cùng chính đáng nhưng cũng có những phụ huynh vốn dĩ quá căng thẳng dẫn tới chuyện bé xé ra to, không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ mà còn với mối quan hệ giữa phụ huynh và cô giáo.
Một bà mẹ ở TP.HCM mới đây cũng khiến hội phụ huynh được một phen rôm rả khi đem chuyện con bị trầy xước khi đi học mầm non lên nhóm tâm sự. Người này cho biết, con chỉ mới đi học buổi thứ hai nhưng khi đón về thì thấy trầy hai bên mắt cá, hỏi cô thì cô bảo không biết, sáng giờ cô bế bé suốt.
"Trầy do đi dép thì không phải, vì bé nhà mình có hai đôi từ lâu lắm rồi không sao cả. Em không chấp nhận kiểu trả lời vô trách nhiệm của cô giáo, nói không biết là coi như xong chuyện vậy. Các mẹ cho em biết giờ em nên làm gì? Lớp không có camera, có 3 cô trông 1 lớp khoảng 20 bé", bà mẹ này viết.
Trong bức ảnh đi kèm, ngay mắt cá chân của bé có một vết trầy da, đỏ lên so với vùng da xung quanh. Tuy nhiên điều đáng nói là ngay khi câu chuyện được chia sẻ, đa số các phụ huynh khác đều chỉ trích và không đồng tình với hành động này của người mẹ.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, biết là mẹ xót con nhưng nhìn vết thương nhỏ chỉ giống như bị cọ vào dép, phụ huynh cần suy xét kỹ trước khi nổi đóa lên và quy chụp cho cô giáo.
"Giờ cô không biết thì cô bảo là không biết, bạn muốn cô bịa ra một lí do bất kì để báo cáo với bạn hay sao? Đôi khi những vết trầy như vậy do bé mải chơi không để ý, bé không cảm thấy đau nên không nói với cô giáo. Nếu chuyện không có gì to tát, bé vẫn thích đi học, vẫn thương cô thì không có vấn đề gì đáng ngại".
Nhiều người cho rằng, con đi học đôi khi bị bạn cắn, cào xước mặt nhưng chỉ gặp để nhờ cô giáo để ý hơn chứ không thể trách cô vô trách nhiệm.
Giáo viên mầm non cũng cần được bao dung và thấu hiểu
Trên thực tế, một số bố mẹ trách móc và gây áp lực cho giáo viên để chăm sóc trẻ cẩn thận. Tuy nhiên với những đứa trẻ hiếu động, chỉ cần cô giáo không để mắt ít giây thì một vết cắn hay đánh, đấm, cào cấu đã xảy ra.
Ở nhà bố mẹ trông con còn không tránh được những lúc con ngã, trầy xước, u đầu mẻ trán. Phụ huynh hãy thông cảm và thấu hiểu cho cô giáo trước khi đưa con đi gửi. Khi nhìn nhận như thế, cha mẹ có thể bình tĩnh và bao dung hơn khi con mình trở về nhà với một vết thương. Từ đó bạn có thể bình tĩnh tìm hiểu và can thiệp, thay vì quy chụp hay lao tới "xử lý" cô giáo của con mình.
Giáo viên mầm non cũng như bao nghề khác nhưng trên hết đó là nghề nuôi dưỡng nhân cách của một đứa trẻ thuở ban sơ. Vì vậy, xin hãy tôn trọng để cho họ được hãnh diện với công việc là dạy dỗ các con khi bố mẹ còn bận rộn mưu sinh.
Bên cạnh đó, vấp ngã hay va chạm cùng với các vết bầm tím xuất hiện trên cơ thể là điều thường xảy ra trong giai đoạn thơ ấu của trẻ. Điều đó có nghĩa là trẻ đang vận động, vui chơi và dần học cách để điều khiển các giác quan, các bộ phận trên cơ thể mình.
Xu hướng "sốt sắng" bảo vệ con có ảnh hưởng đáng kể đến tính cách của trẻ. Do đó, bạn cần dạy trẻ giữ được sự bình tĩnh và lý trí, mặc dù có thể chính bản thân bạn đang cảm thấy rất lo lắng. Dạy trẻ tiếp nhận vết thương hay vết bầm tím của chính mình một cách có hiểu biết, sẽ giúp trẻ tích lũy những kinh nghiệm quý báu để đối phó với những khó khăn sau này.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.