Phương pháp "cây gậy và củ cà rốt" được áp dụng trong ngoại giao, nhằm mục đích thay đổi hành vi của đối phương. Hiểu đơn giản, cây gậy tượng trưng cho sự đe dọa, trừng phạt, củ cà rốt là phần thưởng, quyền lợi.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng phương pháp này vào giáo dục con cái, khen thưởng khi trẻ giúp làm việc nhà, đạt kết quả tốt; kỷ luật khi trẻ bị điểm kém, không nghe lời... Nhìn chung, theo đánh giá của phụ huynh thì các con trở nên nghe lời hơn, ngoan ngoãn và tích cực hơn.
Tuy nhiên, dưới đánh giá của chuyên gia giáo dục, cha mẹ đã áp dụng một cách cứng nhắc sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ. Chị Nguyễn Thị Thúy Hoa (Long Biên - Hà Nội) - 1 trong 3 nhân vật tham gia vào tập 3 của chương trình "Cha mẹ thay đổi" là trường hợp như vậy.
Nếu như gia đình của chị Liên (Hưng Yên), chị Hà (Bắc Ninh) cùng tham gia ở tập 3 gặp khá nhiều khó khăn khi các con ngang bướng, lì lợm thì chị Hoa lại khác. Mỗi buổi sáng, cả gia đình chúc nhau 1 ngày tốt lành, con gái tự giác thay đồng phục, con trai ngoan ngoãn nghe lời. Quả thật, đó là một hình mẫu trong mơ của không ít ông bố, bà mẹ.
Chia sẻ về bí quyết, chị Hoa cho hay mình sử dụng hình thức cộng, trừ mặt cười để các con tích cực hơn trong cuộc sống. Ví dụ, sáng chỉ cần chúc nhau là được 1 mặt cười, giơ tay được cộng mặt cười, không làm bài tập bị trừ mặt cười...
Khi các bé tích lũy được nhiều mặt cười thì được thưởng ví dụ như mua 1 món đồ, ngủ cùng mẹ, đọc truyện, chơi game, xem TV...
Nhìn qua thì có vẻ hiệu quả, tuy nhiên chỉ cần khi xảy ra xích mích nhỏ, những vấn đề trong trẻ mới được bộc lộ ra một cách rõ rệt.
Con gái lớn của chị Hoa cho biết: "Bây giờ bố không tính mỗi lần giơ tay là được 1 mặt cười nữa, thế nên Lê Minh là ít dần, ít dần giơ tay đi. Cộng mặt cười là động lực cho Lê Minh giơ tay nhiều". Có vẻ như các bé hiểu nhầm mục đích của việc học, việc giơ tay phát biểu là để nhận mặt cười, nhận thưởng từ bố mẹ chứ không phải tốt cho bản thân mình.
Ngoài ra, khi giữa 2 chị em xảy ra 1 xích mích nho nhỏ liên quan tới bảng thưởng - phạt, chị Hoa vẫn nhẹ nhàng khuyên giải nhưng con gái lại bị tổn thương, lủi thủi bỏ vào phòng mà chị không hề hay.
Giáo sư Choi Sung Ae, Chủ tịch - Người sáng lập Hiệp hội Emotion coaching - Hàn Quốc nhận định: "Người mẹ đã tập trung vào hành vi của con hơn là cảm xúc của con. Đó là phương pháp hiệu quả để sửa đổi hành vi của trẻ nhỏ, đặc biệt là người có động lực thấp.
Nhưng động lực đó chỉ là động lực bên ngoài, không sớm thì muộn đứa trẻ cũng cảm thấy hoang mang, lạc lối vì không biết mục tiêu của mình là gì? Đứa trẻ cần học được cách tạo đựng động lực nội tại, nó đến từ việc con thích làm gì, con muốn làm gì chứ không phải đến từ mong muốn của bố mẹ".
Còn giáo sư Pek Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc thì đánh giá chị Hoa đã sử dụng rất nhiều "cây gậy" và "củ cà rốt". Đây đều là phương pháp áp đặt lên trẻ để thực hiện mong muốn của mình: Sửa chữa hành vi của trẻ sao cho hợp ý phụ huynh, biết nghe lời. Trẻ làm theo bạn vì sợ hãi "cây gậy" đánh đòn, hoặc mong muốn được thưởng "cà rốt": Thêm giờ xem TV, được tiền, được đi chơi, mua đồ...
"Cây gậy - củ cà rốt là một phương pháp hữu hiệu để điều chỉnh hành vi của con lừa hay ngựa... nhưng không phải dành cho con người. Nếu chúng ta đối xử tốt với con cái như cách chúng ta đối xử với con ngựa, thì chúng ta chỉ có những vật nuôi tốt. Con cái chúng ta không thể trở thành người trưởng thành thực sự" - giáo sư Pek Cho khẳng định.
Áp đặt hành vi theo mong muốn của cha mẹ mà không quan tâm cảm xúc của con đơn giản vì nó rất nhanh, rất tiện, không tốn công và còn giúp cha mẹ giải tỏa cả nỗi bực tức, căng thẳng trong việc dạy con!
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/con-ngoan-ngoan-nho-hinh-thuc-thuong-phat-ro-rang-nhung-chuyen-gia-lai-khang-dinh-do-la-vat-nuoi-nghe-loi-khien-cha-me-dieng-nguoi-222020412126451.htm
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.