Nằm trên giường bệnh vào tháng trước, Madhvi Aya hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy đến với mình.
Aya vốn là một bác sĩ ở Ấn Độ, sau đó trở thành trợ lý bác sĩ khi di dân đến Mỹ. Bà đã làm việc nhiều năm ở Trung tâm y tế Woodhul - một bệnh viện công ở quận Brooklyn, thành phố New York. Tại đây, Aya chứng kiến dịch virus corona như xé toạc thành phố.
Trong những ngày trực cuối cùng tại khoa cấp cứu, bà Aya nhiễm vius corona. Người phụ nữ 61 tuổi được chuyển đến một bệnh viện khác gần nơi cư trú, vậy nên bà nằm điều trị trong sự cô độc, không còn nhìn thấy những đồng nghiệp quen thuộc. Chồng và con gái 18 tuổi của bà đều ở nhà, chỉ cách hơn 3 km nhưng họ không được cho phép gặp mặt.
Minnoli, con gái của bà Aya
Cả gia đình nhỏ chỉ có thể kết nối qua chuỗi tin nhắn. Một lần, bà Aya mô tả lồng ngực rất đau khi cố gắng ra khỏi giường. "Tình hình của em không cải thiện như mong đợi" - bà nhắn tin với chồng mình, ông Raj, vào ngày 23/3.
Khi bệnh tình trở nặng, bà Aya nhắn tin với tần suất ít hơn và rất ngắn gọn, như báo hiệu về điều không may mắn.
"Con nhớ mẹ" - con gái Minnoli nhắn tin vào hôm 25/3. "Mẹ đừng từ bỏ hi vọng nhé, vì con cũng không bao giờ bỏ cuộc. Con cần mẹ ở bên, cần mẹ trở về nhà".
"Yêu con" - bà Aya nhắn lại vào ngày hôm sau. "Mẹ sẽ về".
Thế nhưng bà đã không giữ được lời hứa của mình.
Hết lòng chăm sóc bệnh nhân đến những ngày cuối cùng
Bà Aya đến Mỹ năm 1994 để cùng xây dựng quãng đời mới với chồng - người đã từ Ấn Độ đến xứ cờ hoa vào khoảng 10 năm trước. Aya bắt đầu làm việc tại bệnh viện Woodhull năm 2008 và trở thành một trợ lý bác sĩ giàu kinh nghiệm. Bà có chuyên môn về gây mê và sở hữu bản năng chăm sóc bệnh nhân vô cùng chu đáo. Aya còn là một cấp trên mẫu mực đối với các nhân viên y tế trẻ tuổi.
"Chúng tôi đều bàng hoàng khi biết Aya qua đời" - bác sĩ Robert Chin, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Woodhull cho biết. Trong email nội bộ, ông đã đề nghị các đồng nghiệp quyên góp cho tang quyến vì bà Aya là trụ cột kinh tế trong gia đình.
Cũng như các bệnh viện khác ở New York, cơ sở y tế Woodhull bị quá tải vì lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 đổ dồn về một lúc. Hơn nữa, bệnh viện còn thiếu hụt máy thở và dụng cụ bảo hộ cho y bác sĩ.
Một nhân viên khác của bệnh viện cũng qua đời vì nhiễm Covid-19. Đó là chuyên viên chụp X-quang Thomas Soto, 59 tuổi. Ông đã làm việc ở bệnh viện gần 3 thập kỷ và chuẩn bị nghỉ hưu. "Điều duy nhất khiến bố tôi cố gắng thêm 1 năm nữa là vì ông muốn nhận đầy đủ phúc lợi, vậy mà tôi đã mất bố vì lý do đó" - người con trai Jonathan chia sẻ trong nước mắt.
Gia đình bà Aya chụp ảnh kỉ niệm trong lễ tốt nghiệp của con gái
Con gái bà Aya - Minnoli - nói rằng cảm xúc của mình từ đau đớn đã chuyển sang không thể chấp nhận. Cô luôn muốn trở thành một bác sĩ, nhưng lại đang rất tức giận trước hệ thống y tế Mỹ. Nó đã "phản bội" những người ở tuyến đầu chống dịch khi không nỗ lực bảo vệ họ khỏi sự lây nhiễm. Đôi khi, Minnoli cũng giận mẹ vì đã không trở về nhà. "Tôi chỉ muốn được ôm lấy mẹ, và nghe mẹ nói rằng mọi thứ đều ổn" - nữ sinh chia sẻ.
Trong những ngày cuối đời, bà Aya đã làm việc vất vả tại bệnh viện công có hơn 320 giường điều trị. Hàng ngày, ông Raj sẽ đưa vợ đi làm đúng vào 6h sáng và đón bà tan làm vào 12 tiếng sau. "Mẹ phải chăm sóc các bệnh nhân trước đã" - bà Aya thường căn dặn gia đình.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở New York, Aya lo sợ sẽ mang virus lây nhiễm cho người chồng 64 tuổi, đã trải qua ca bắc cầu động mạch chủ năm 2017. Ngoài ra còn có người mẹ 86 tuổi, vừa bị đột quỵ một lần vào năm ngoái.
Nỗi sợ bắt đầu trở thành sự thật khi bà Aya ho liên tục sau ca trực cuối cùng ngày 12/3. Vài ngày sau, cả gia đình phải tự cách ly ở nhà tại các phòng khác nhau theo khuyến nghị của bác sĩ. Mọi người đều nhất trí rằng Aya không có bệnh lý nền.
Thế nhưng cơn ho của bà vẫn không dứt và xuất hiện triệu chứng sốt. Đến trưa 18/3, Aya được chồng đưa tới Trung tâm y tế Long Island Jewish gần nhà. Đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau.
Những tin nhắn lưu giữ tình yêu thương của người mẹ
Lúc 4h47 sáng ngày 19/3, bà Aya nhắn tin nói rằng vẫn đang chờ giường bệnh. Ông Raj hỏi có thể đem cà phê đến thăm bệnh hay không, bà dứt khoát từ chối. Bà vừa có kết quả xét nghiệm virus corona. Dương tính.
Sáng ngày 29/3, các bác sĩ đã chuẩn bị đặt máy thở cho bà Aya. Thế nhưng rất khó nói khả năng sống là bao nhiêu phần trăm, bác sĩ gọi điện hỏi ông Raj có muốn đến bệnh viện gặp mặt hay không. Dù rất muốn, nhưng người chồng sợ rằng mình dễ bị nhiễm virus và tử vong do đã mắc bệnh nền. Khi đó Minnoli sẽ mất cả bố lẫn mẹ.
Quyết định từ chối cơ hội gặp mặt lần cuối khiến ông Raj ám ảnh không nguôi. Trưa hôm đó, bệnh viện thông báo bà Aya đã qua đời.
Minnoli vẫn chưa thể chấp nhận sự thật rằng mẹ đã qua đời do Covid-19
Từ khi bà Aya qua đời đến nay đã hơn 2 tuần, nhưng Minnoli vẫn thường xuyên xem lại các tin nhắn trong điện thoại.
"Mẹ ơi. Việc học của con khá áp lực dù là học trực tuyến. Nhưng tin tốt là con đã an toàn ở nhà. Con mong mẹ sẽ sớm trở về, cả nhà cùng nhau ăn tối. Con vẫn luôn cầu nguyện và không bao giờ từ bỏ hi vọng" - Minnoli gửi tin nhắn vào 3 ngày trước khi mẹ ra đi.
"Tập trung nhé" - bà Aya nhắn lại.
"Con vẫn tập trung nhưng muốn mẹ về nhà".
"Mẹ sẽ về".
"Con rất yêu mẹ".
"Yêu con".
Đó là những dòng cuối cùng bà Aya gửi cho con gái. Nhưng ngay cả sau khi bà qua đời, Minnoli vẫn tiếp tục nhắn tin.
"Con nhớ mẹ. Cảm ơn mẹ vì đã trở về trong giấc mơ của con ngày hôm qua".
Ông Raj lo lắng về tinh thần của con gái, dự định sẽ cho con gặp bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, gia đình đã tốn rất nhiều tiền chữa trị trong những ngày bà Aya nằm viện. Đại diện cơ quan của bà Aya cho biết, các khoản phúc lợi sẽ kết thúc trong vòng 30 ngày kể từ khi bà ra đi. "Tôi vô cùng đau xót cho gia đình" - người đại diện viết qua email.
(Theo NY Times)
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.