Cậu con trai ở nhà biếng ăn vô cùng, từ khi đi nhà trẻ lại có thể ăn hai bát mỗi bữa
Để đối phó với sự kén ăn của con trai, bà mẹ tên Xiao Chun đã phải thay đổi liên tục cách nấu ăn cho con, với đủ các công thức nấu nướng khác nhau. Vất vả mãi con cũng lên ba tuổi, cuối cùng có thể gửi con đi nhà trẻ, Xiao Chun nhàn nhã hơn chút ít khi không cần phải nấu bữa trưa cho con nữa. Nhưng cô sớm phát hiện ra rằng, con trai sau khi đi nhà trẻ lại tăng cân và cao lên kha khá, ăn uống ngon miệng.
Quả nhiên không lâu sau cô liền bị con trai công khai kháng nghị. Cậu bé khen đồ ăn ở nhà trẻ ngon, mỗi bữa có thể ăn được tận 2 bát. Chê mẹ làm đồ ăn khó ăn, khuyên nên đến nhà trẻ học đầu bếp nhà trẻ về khoản nấu nướng.
Xiao Chun vẫn luôn tự nhận khả năng nấu ăn của mình không tệ. Nhưng nghe con trai nói vậy, sự hiếu thắng trong cô lập tức ập đến. Giữa trưa ngày hôm sau, cô liền xin cô giáo phụ trách lớp con trai mình một tấm ảnh chụp bữa cơm ở nhà trẻ. Cô muốn nhìn xem ở lớp con được ăn những món ăn gì mà con trai nói như vậy.
Nhưng vừa nhìn thấy ảnh chụp bữa ăn ở lớp của con, cô khá "sốc". Bà mẹ không ngờ rằng đó chỉ là món cà chua xào trứng vô cùng đơn giản. Hàng ngày cô tốn bao công sức, vắt óc suy nghĩ cách đổi món, làm đủ loại đồ ăn, thế nhưng lại thất bại thảm hại trước món ăn bình thường kia. Điều đó làm Xiao Chun thật khó lòng tin nổi.
Trên thực tế, việc trẻ tăng cân sau khi đi học mẫu giáo là điều khá phổ biến. Điều này chính là minh chứng nói lên một điều, bữa ăn ở trường mẫu giáo có lợi thế hơn bữa ăn ở nhà do các bà mẹ chuẩn bị ở một số khía cạnh.
Tại sao trẻ thích ăn ở trường mẫu giáo hơn ở nhà?
Mặc dù về phần nhìn, đồ ăn trong trường mẫu giáo có thể không đẹp như của các bà mẹ kì công chuẩn bị, nhưng nó vẫn được trẻ em yêu thích. Nhờ những lý do chính như sau:
Hương vị nhẹ nhàng, phù hợp hơn với sở thích của trẻ: Đầu tiên, các bữa ăn trong trường mẫu giáo đã được chọn lựa và phối hợp kĩ lưỡng, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.
Mặt khác, đồ ăn ở nhà trẻ căn cứ vào thói quen ăn uống của trẻ em mà chế biến, vì thế mùi vị tương đối nhẹ nhàng, thanh đạm. Các bữa ăn được chế biến tại nhà, do ảnh hưởng từ khẩu vị của cả gia đình, thường có nhiều dầu và muối, khiến trẻ no lâu, khó tiêu, từ đó ăn ít hơn.
Hiệu ứng “đàn lợn”: Một bàn có mười mấy đứa trẻ cùng nhau ăn cơm, tự nhiên sẽ xuất hiện hiệu ứng “đàn lợn”. Bọn trẻ cạnh tranh lẫn nhau, thi đua xem ai ăn nhanh và nhiều hơn, để nhận được sự khen ngợi của giáo viên. Dưới sự kích thích đó, tiềm năng ăn uống của trẻ cũng được thúc đẩy.
Ăn uống tuân thủ giờ giấc: Khi ở nhà, thời gian ăn uống của con không hoàn toàn cố định. Ngay khi trẻ đói, cha mẹ sẽ lấy đồ ăn nhẹ cho con lót dạ. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ có cảm giác no khi vào bữa ăn chính và ăn ít đi.
Trái lại, thời gian ăn ở trường mẫu giáo là cố định. Con hoạt động nhiều dẫn đến thể lực tiêu hao và con sẽ cảm thấy đói hơn nên ăn sẽ ngon miệng hơn.
Làm sao để trẻ hứng thú với việc ăn uống tại nhà?
Tạo bầu không khí vui vẻ: Trong một bầu không khí vui vẻ, tâm trạng của trẻ trở nên dễ chịu, sự thèm ăn cũng theo đó tăng lên. Cha mẹ có thể biến bữa cơm thành một trò chơi hoặc cuộc đua để kích thích sự hứng thú và đua tranh của con.
Đừng đuổi theo ép con ăn: Càng chạy theo con bón từng thìa, dỗ dành, bắt ép con ăn, con càng cảm thấy bữa ăn là sự ép buộc. Vô hình chung từ đó gây phản tác dụng. Chỉ cần cha mẹ quy định giờ giấc ăn cơm, giảm đồ ăn vặt, con sẽ tự nhiên có cảm giác đói và muốn ăn.
Đưa trẻ ra ngoài chơi: Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy cho con ra ngoài chơi sẽ có nhiều phiền toái, nên ngày nghỉ đều cho con ở trong nhà. Song thiếu vận động, thể lực tiêu hao không nhiều, đến bữa ăn con sẽ không ăn đủ lượng mong muốn.
Vì vậy, cha mẹ nên cho con ra ngoài chơi mỗi khi rảnh rỗi. Hoặc rủ bạn bè tới nhà tụ họp ăn uống, cũng là cách để tạo bầu không khí và giúp con có bạn bè cùng lứa tuổi để thi đua trong bữa ăn.
Nguồn: Sohu
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.