Nhiều bậc phụ huynh phải thừa nhận rằng trong một gia đình có đông con thì việc cãi cọ, tranh giành nhau là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng điều quan trọng nhất là cách người lớn giải quyết vấn đề đó ra sao và như thế nào để vừa đảm bảo công bằng cho các con vừa khiến các bé cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Không ít các ông bố bà mẹ mỗi lần lâm vào tình huống trên đều vô cùng mệt mỏi, hoặc là mắng mỏ, quát tháo, đe dọa các con không được phép cãi nhau nữa, hoặc là để mặc mọi chuyện tự các bé giải quyết. Khi các bé xảy ra cãi vã, thay vì mắng mỏ, cha mẹ thông minh nên áp dụng những cách sau.
1. Đừng bắt ép các con phải xin lỗi ngay lập tức
Không phải lúc nào các mâu thuẫn cũng có thể giải quyết êm đẹp và hiệu quả. khi các con đều đang trong trạng thái quá tải về mặt cảm xúc thì mọi phương pháp giảng hòa, định hướng hay khuyên nhủ giảng dạy của bố mẹ không hẳn có tác dụng.
2. Không nên giải quyết khi đang tức giận
Giải quyết một chuyện trong trạng thái tức giận là điều không nên chút nào. Khi mẹ và các con đều cảm thấy khó chịu, bực tức thì cơn nóng giận đó sẽ bị áp đặt và làm tất cả mọi người không thoải mái, lâu dần sẽ khiến mối quan hệ giữa các bé không còn được tốt nữa.
3. Trở thành cầu nối giữa những đứa trẻ
Khi cơn giận lên đến đỉnh điểm, bố mẹ nên là người hòa giải cho các con bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, từ tốn. Không nên đổ hết lỗi cho đứa trẻ nào, càng không nên nói những câu như "vì con là anh/ chị nên phải nhường em"... chỉ khiến cho mối quan hệ giữa các con thêm xấu đi.
Con sẽ tổn thương như thế nào nếu cha mẹ thiên vị?
Trẻ em luôn cần nhận được sự thương yêu, quan tâm, tôn trọng và cần được đối xử như các anh chị em của mình. Dù con có thế nào thì bố mẹ cũng cần công bằng trong việc dạy dỗ và chăm sóc chúng chu đáo. Các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ không được yêu thương sẽ dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm.
Chính sự ghen tị với tình yêu thương của bố mẹ sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của các anh chị em trong nhà. Và đôi lúc sự ganh ghét này sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành, nhất là trong các tình huống mâu thuẫn giữa các con mà không được cha mẹ giải quyết công bằng.
Sự không công bằng của cha mẹ cũng ảnh hưởng lớn đến hành trình phát triển của những đứa trẻ. Theo đó, khi đứa con cảm thấy không nhận được nhiều sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương của cha mẹ bằng những đứa trẻ còn lại sẽ có nhiều xu hướng tìm đến thuốc lá, bia rượu, cách chất kích thích, nhất là trong độ tuổi vị thành niên. Điều này gây nên nhiều tổn thương tâm lý đối với trẻ nhỏ.
Cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó quên được. Trẻ sẽ nhớ mãi về những lời nói hay hành động thể hiện sự phân biệt của cha mẹ với mình, thậm chí điều này còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại.
Không chỉ vậy, nếu bị bố mẹ đối xử không công bằng, sau này khi trưởng thành, con cũng sẽ có xu hướng đối xử với anh chị em và con cái như vậy. Bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chúng sẽ học theo hành động từ bố mẹ, chính vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng và tinh tế trong việc đối xử với các con của mình.
Không để trẻ thành người bị ''ra rìa''
Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân chính khiến trẻ ghét em là bởi bố mẹ đã vô tình khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi. Từ việc đang được mọi người yêu chiều nhất bỗng trở thành người bị cho ''ra rìa'' khiến trẻ tủi thân, dẫn đến tâm lý muốn được làm em bé để được ôm, được bế và được chiều nhiều hơn.
Vì vậy, bố mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình để tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho ''anh cả'' hoặc ''chị cả'' bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình. Đừng để con phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì bố mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/ chị/ em của bé hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.