Cơn sốt thiếu xăng dầu lan rộng: Cuộc sống đảo lộn

(lamchame.vn) - Cuộc sống của người dân TPHCM và nhiều tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam bộ bị đảo lộn khi xăng trở thành mặt hàng “có tiền cũng không mua được”.

TPHCM: Bán… nhỏ giọt

Sáng sớm 10/10, một số cây xăng thuộc hệ thống của các đầu mối lớn như của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVOil thuộc PVN) luôn trong tình trạng quá tải, người dân phải xếp hàng chờ trung bình 15-30 phút mới mua được xăng. Trong khi đó, nhiều cửa hàng nhỏ khác vẫn tiếp tục thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc bán...nhỏ giọt.

Ông Mạnh (tài xế xe ôm công nghệ) than thở: “Từ sáng sớm, tôi chạy xe đi dọc con đường từ nhà đến đây có gần chục cây xăng nhưng đều thông báo hết hàng hoặc chỉ đổ dầu, không đổ xăng. Lần đầu tiên phải khổ sở tìm cây xăng đến thế, tôi phải đợi 30 phút tại điểm này mới tới lượt và chỉ được mua 50.000 đồng”.

Cơn sốt thiếu xăng dầu lan rộng: Cuộc sống đảo lộn - Ảnh 1.

Người dân nhiều nơi tại TPHCM vật vã trong cơn "khát" xăng. Ảnh: Hoàng Trang

Anh Trần Văn Hùng (quận 12) cho biết, phải dắt bộ xe máy đi qua hai cây xăng cách nhau gần 1km trên đường Nguyễn Văn Quá nhưng không có cửa hàng nào bán. “Xe tôi hết sạch xăng không thể chạy được nên đành nghỉ ca sáng, chờ khi nào cửa hàng xăng bán lại rồi đi làm”, nam công nhân này bức xúc. Hàng chục người dân đứng chờ trước cây xăng trên đường Nguyễn Văn Quá hơn 30 phút chưa đến lượt đổ, thì nhân viên cây xăng ra thông báo hết xăng, hẹn 15 giờ chiều quay lại (?!).

Nhiều người không đổ được xăng phải đẩy bộ, một số bác tài tốt bụng rút xăng từ xe của mình để giúp bạn đồng hành có xăng đi. Tại khoảng sân phía trước cây xăng 79 (số 79, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình), một nam thanh niên được bác tài xe ba gác rút một ít xăng để nổ máy. Bác tài chia sẻ: “Đứng ngay cây xăng mà không đổ được, phải giúp nhau thôi. Sáng giờ tôi rút gần chục lần như thế này, chắc cũng sắp cạn bình rồi. Thôi thì lâu lâu nghỉ một ngày cũng không sao, thấy nhiều người đẩy xe 2-3 km mà xót”. Mỗi xe, bác tài ba gác này cho một ít xăng để nổ máy và hướng dẫn đường đến cây xăng gần nhất đang mở bán.

Tại cây xăng 270 của Petrolimex nhân viên không chấp nhận đổ đầy bình, người mua xăng phải báo con số cụ thể. Nhiều trường hợp chờ đổ xăng gần một giờ đồng hồ mới đến lượt. Còn tại cây xăng dầu số 10 (góc Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân, quận Tân Bình), nhiều người dân mệt mỏi chờ mua xăng, gây ra tình trạng ùn ứ. Cây xăng này huy động tất cả nhân viên văn phòng ra bơm xăng nhưng vẫn làm không xuể vì lượng người đến càng lúc càng đông.

Đồng Nai – Bình Dương: Nhiều cửa hàng hết xăng

Sáng 10/10, trên địa bàn có thêm nhiều cửa hàng xăng dầu treo bảng hết xăng, chờ nhập hàng. Nhiều cửa hàng, còn mở bán đã tập trung lượng người đến mua xăng rất đông.

Cơn sốt thiếu xăng dầu lan rộng: Cuộc sống đảo lộn - Ảnh 2.

Ngày 10 tháng 10, nhiều cây xăng tiếp tục thông báo hết hàng hoặc bán nhỏ giọt. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, nhiều trạm xăng chỉ bán số lượng hạn chế với mức 30.000 đồng/xe máy và 300.000 đồng/ô tô. Có cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa, nhưng khách vào mua lại không có người bán hàng.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trưa 10/10, nhiều cây xăng tại thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Tân Uyên, thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương)… để biển hết xăng, có điểm mở bán nhưng thông báo mỗi phương tiện xe máy chỉ đổ từ 20.000 - 50.000 đồng/lượt. Các cây xăng này lý giải do “hết hàng” hoặc “chưa kịp nhập hàng”. Hiện có ít nhất 20 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ở Bình Dương để biển tạm ngưng, hoặc hết xăng.

Miền Tây: Nhiều nơi tiếp tục khan hiếm xăng, dầu

Cũng trong ngày 10/10, theo ghi nhận của phóng viên trên tuyến Quốc lộ 80 (đoạn từ Rạch Sỏi, huyện Châu Thành đến Trung tâm Hành chính huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), quãng đường hơn 30km nhưng có 8 cửa hàng xăng dầu hàng treo biển “hết xăng” hoặc “còn xăng hết dầu”.

Báo cáo cuối ngày 10/10, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đã có 121 cửa hàng hết xăng dầu; 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động; 9 cửa hàng đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Cùng ngày, đơn vị này cũng đã ra quân kiểm tra, kiểm soát, đo bồn một số cây xăng thông báo hết xăng trên địa bàn thành phố.

Theo Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, qua kiểm tra hầu hết các cửa hàng đóng cửa là do không có nguồn hàng, chưa phát hiện cây xăng nào găm hàng. Số lượng các cây xăng đóng cửa cũng biến động, không ổn định vì khi có hàng thì họ lại mở cửa bán, hết hàng thì đóng cửa. Trong ngày10/10, có thông tin xăng chuẩn bị tăng giá theo chu kỳ điều chỉnh giá nên số lượng người dân đi mua xăng tăng cao khiến nguồn cung cấp xăng trong tỉnh đã thiếu hụt lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Đáng chú ý, một số cửa hàng đóng cửa, khép hờ hay bán kiểu cầm chừng… Cùng đó, hàng loạt điểm bán lẻ xăng dầu “mọc” lên khắp nơi trên tuyến đường này. Không riêng gì hai huyện Tân Hiệp, Châu Thành mà trên địa bàn thành phố Hà Tiên, U Minh Thượng cũng có tình trạng hết xăng dầu.

Một nhân viên bán hàng thuộc Cty TNHH MTV Dầu khí Đông Nam (huyện Châu Thành) nói: “Hôm qua, cửa hàng nhập về 2.000 lít xăng nhưng chỉ bán trong ngày là hết sạch nên sáng nay chúng tôi treo biển “hết xăng”, còn dầu thì đủ cung cấp cho người dân”.

Mang theo can nhựa 30 lít đến mua dầu, người đàn ông ngụ kênh 5, huyện Tân Hiệp cho hay: “Mấy ngày qua, tuyến đường này có nhiều cửa hàng đóng cửa nên tôi chạy hơn 10km để mua dầu về chạy máy bơm nước. Do lúa của tôi đang trong giai đoạn thu hoạch, mấy hôm nay mưa nhiều, triều cường lên cao cần thu hoạch càng sớm càng tốt. Tình hình thiếu dầu như thế này khó khăn cho người dân lắm”.

Tại thị trấn Sông Đốc (huyện trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), qua kiểm tra, địa phương này có 3 cửa hàng hết xăng dầu cục bộ do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp xăng dầu chưa kịp thời, không đủ nguồn. Một số tuyến đường trong nội đô thành phố Cà Mau cũng ghi nhận thêm một số cửa hàng treo biển “hết xăng” như: Cây xăng Kim Sơn và cửa hàng xăng dầu số 4 (phường 9, thành phố Cà Mau); Cty TNHH TM DV XD Lê Anh (phường 1, thành phố Cà Mau);…

Tại Hậu Giang, Sở Công Thương tỉnh cho biết, tình trạng thiếu xăng dầu nguyên nhân một phần là do các DN đầu mối không chủ động được nguồn cung, sợ lỗ nên chỉ nhập hàng đủ số lượng cung cấp cho hệ thống và các thương nhân phân phối có đăng ký sản lượng ổn định. Nhiều thương nhân phân phối nhỏ lẻ không mua được hàng từ DN đầu mối.

Ngoài ra, chiết khấu lợi nhuận xăng, dầu khi đến các cửa hàng bán lẻ bằng 0, nhưng DN phải chi trả chi phí vận chuyển, thuế, công lao động, máy móc thiết bị cũng là nguyên nhân. Hậu Giang hiện có 5 thương nhân phân phối đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang