Sống ở thời hiện đại này người ta chỉ nghĩ rằng cố lắm có thể hạn chế con dùng smartphone hoặc cho con dùng có kiểm duyệt là tốt lắm rồi. Nhưng sự thực là con tôi chưa một lần chạm tay vào chiếc smartphone, dù năm nay cháu đã 15 tuổi.
Tôi vẫn nghĩ rằng chuyện này tôi sẽ giữ riêng cho mình tôi thôi, nhưng khi chuyện của bạn Bi béo nhà Xuân Bắc đến lúc tò mò tuổi dậy thì mà đến mức mẹ bạn Bi phải ném vỡ tan chiếc điện thoại, thì tôi xin được kể cách tôi đã nuôi con không công nghệ của mình, biết đâu sẽ có tác dụng với ai đó.
Quyết định nuôi con không smartphone
Tôi là người hiểu sâu sắc công nghệ và MXH ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và mỗi con người như thế nào. Vì vậy tôi quán triệt với chồng tôi không dùng smartphone khi về nhà. Thật tuyệt vời chồng tôi là người chung phe và đồng ý "lợi bất cập hại". Tôi đã duy trì việc này từ khi chưa có con.
Sẽ thật khó khi cấm con dùng smartphone nhưng cha mẹ lại bấm nhoay nhoáy hoặc luôn tay kè kè chiếc smartphone. Có 1 số liên lạc vẫn phải diễn ra và về nhà chúng tôi đổi sang chiếc điện thoại "cục gạch", tất cả những người quan trọng đều có số điện thoại này. Chúng tôi chấp nhận lúc xa nhau tốn tiền để gọi điện thoại chứ không gọi bằng zalo, facebook hay bất cứ thứ gì khác. Trong nhà tôi sẽ không có tivi, smartphone, máy nghe nhạc loa đài, những đồ công nghệ cao.
Ngay từ nhỏ tôi đã nói với con về một vật là smartphone và nói với con rằng cha mẹ sẽ không dùng nó khi về nhà, con cũng sẽ như thế. Đúng là sẽ rất khó nếu cha mẹ cấm con dùng smartphone nhưng những đứa trẻ xung quanh lại đang dùng nó để lên MXH, chơi game... và vô vàn những thứ quá thú vị với lũ trẻ ở trong đó. Nhưng "mắt không thấy tim không ham" và con tôi cũng không có nhu cầu dùng smartphone.
Để đạt được điều đơn giản này lại không phải dễ. Tôi đã phải rất kiên trì và đánh đổi. Nhiều đứa trẻ chưa vào lớp 1 đã đọc sách thành thạo nhờ vào những bài dạy đọc trên youtube. Nhiều đứa trẻ chơi game và search thông tin, học tiếng Anh thành thần trên những app liên quan, nhưng con tôi với cách này tôi phải chấp nhận giảm đi sự kỳ vọng. Tôi chỉ muốn con thành người bình thường, không phải thiên tài.
Tôi phải đánh đổi gì?
Tôi không thể cấm con hàng xóm dùng smartphone nên tôi chấp nhận không có giao lưu với bạn bè sau giờ làm, chấp nhận chính mình và con không có nhiều bạn. Tôi và một người bạn nữa áp dụng theo cách sống không smartphone, nên con chỉ có duy nhất 1 người bạn thân là con của bạn tôi.
Tôi có thể vận động gia đình "chung tay" cùng mình bằng cách lúc nào chúng tôi về thăm nội, ngoại xin hãy dẹp bỏ smartphone. Tôi phải nói con tôi bị 1 bệnh lạ là dị ứng với smartphone để mẹ tôi tin và chấp hành. Mẹ tôi là người nghiện smartphone, bà sẽ suốt ngày lang thang trên mạng like, hóng, comment dạo. Ấy vậy mà lúc biết cháu sang chơi bà ông bà lo cho sức khỏe của cháu cũng cất điện thoại. Tôi không thể ở lại quá lâu nhà ông bà vì việc ông bà không dùng smartphone sẽ không thể kéo dài.
Dịp dịch Covid-19 thời gian học online kéo dài, tôi khá bận rộn vì suốt ngày phải lo in bài vở, chụp ảnh và gửi bài tập cho con. Tôi không bao giờ để con tự xem zalo hay nhóm chat trên facebook nên tôi buộc phải làm thay con. Con chỉ có thời gian hạn chế học trên laptop khi học online và cho những môn cần thiết, tuyệt đối không được "lang thang" mở những trình duyệt khác. Tôi sẽ quản lý bằng cách cài đặt giám sát hoặc ngồi cạnh con lúc cần.
Chúng tôi cũng phải chấp nhận 1 cuộc sống không chạy theo tiền bạc, chấp nhận sống đủ chứ không giàu có.
Tôi nhận được gì?
Gia đình tôi có 1 không khí không công nghệ, đủ đầm ấm áp và biết cần nhau. Tôi dám khẳng định tôi đã mang cho con một gia đình hạnh phúc. Không bao giờ có cảnh tôi phải quát con tắt tivi hay buông điện thoại, càng không phải tức tối vì chồng chơi game.
Đôi lúc tôi cũng thấy lạc lõng trong những câu chuyện của bạn bè như bà Phương Hằng là ai, tôm hùm là vụ gì... nhưng chúng tôi chấp nhận không nhận những tin tức kiểu này.
Con tôi 15 tuổi nhưng trong trắng như tờ giấy trắng, cháu không bao giờ có đam mê với thiết bị công nghệ nên rất tình cảm với ba mẹ và không bao giờ xao nhãng học hành.
Vợ chồng tôi vẫn nói với con về giáo dục giới tính qua một số câu chuyện, bằng những cuốn sách mua cho con tự đọc. Tôi không chọn cách cho con xem những clip nóng hay dẫn con đến nhà thổ như người cha của cậu bé 13 tuổi trong phim Malèna... Vì không dùng smartphone nên tôi không sợ con lạc trong "bẫy" 18+ nhiều lệch lạc và thiếu thực tế.
Tôi cũng dạy con lao động và làm việc nhà nhưng không bao giờ thưởng cho con bằng 30 phút dùng smartphone hay xem TV.
Nhiều đứa trẻ bên ngoài 15 tuổi già đời và "thứ gì cũng biết" nhưng con tôi như chú nai ngây thơ, hồn nhiên và chân chất. Tôi cho rằng giờ tìm 1 đứa trẻ khôn ranh thì không quá khó, nhưng có 1 đứa trẻ ngây thơ như con tôi mới là quý. Càng ngây thơ, con càng có cơ hội được hạnh phúc.
Nhiều người nói rằng việc gì phải "khổ" thế, kiểm duyệt con dùng smartphone là được rồi, nó cũng mang lại nhiều lợi ích khác. Họ có những nỗi lo như sợ con mình thụt lùi, sợ con mình ngơ ngác khi ra bên ngoài hoặc thiếu hiểu biết.
Tôi thì không dám chắc điều gì sẽ đợi con tôi sau những điều thú vị đằng sau chiếc smartphone kia, nên tôi vẫn cấm tiệt.
Hiện tại, gia đình tôi đang đã thực hiện cách này 16 năm, chúng tôi cảm thấy hài lòng với 1 gia đình không smartphone vì thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Tôi không bao giờ phải lo lắng những thứ độc hại từ smartphone có thể làm hại con mình.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là chấp nhận đi sau thời cuộc, chính bản thân cha mẹ phải từ bỏ những điều vô cùng hấp dẫn từ smartphone và MXH. Con lớn lên thiếu sự va vấp nhưng tôi chấp nhận con mình không phải là con người của số đông.
Tôi rất sợ cảnh "mất bò mới lo làm chuồng" nên chọn cách này, cũng có khi tôi cho rằng an toàn, nhưng là hạ sách, cũng có thể là khá hèn với nhiều người...
Liệu có cha mẹ nào dám lựa chọn cách sống như chúng tôi, buông bỏ chiếc smartphone để cho con 1 thế giới lành mạnh, trong sáng và ít cạm bẫy nhất có thể?
https://afamily.vn/con-toi-15-tuoi-chua-mot-lan-cham-tay-vao-smartphone-ai-bao-nuoi-con-di-cung-ke-vi-toi-khong-doi-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-20220314135113058.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.