Những năm trở lại đây, trào lưu cho con học trường quốc tế, tư thục, dân lập được nhiều phụ huynh hưởng ứng nhiệt liệt. Không còn thái độ dò xét, cái nhìn dè dặt nữa, đối với họ, giờ con học nhóm trường này mới là hợp thời, hợp mốt. Công bằng mà nói, có nhiều trường quốc tế, dân lập điểm tuyển sinh đầu vào rất cao, chất lượng giáo dục không hề thua kém trường công lập. Thậm chí, một số trường còn có thứ hạng cao trong danh sách các trường top đầu.
Ngoài việc truyền tải kiến thức các môn học, các em còn được trang bị nhiều kỹ năng quan trọng khác như: Giao tiếp, thuyết trình, quản lý đội nhóm, phát triển năng khiếu,… Tuy nhiên, học phí của nhóm trường này không hề thấp, khiến nhiều phụ huynh sợ xanh mặt mỗi khi con báo đóng học. Cũng không ít trường hợp phải chuyển trường cho con vì không "gánh" nổi học phí.
XOAY TIỀN "BẠC MẶT" MỖI LẦN CON BÁO ĐÓNG HỌC
Chị Đào Kim Anh, 43 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch COVID-19. Chị có 2 người con: Con gái lớn học lớp 10, con trai út học lớp 7. Tuy nhiên, do lúc đầu thi tuyển gặp một số vấn đề nên con gái lớn nhà chị phải theo học tại một trường THPT dân lập gần nhà.
Thời điểm ấy, chị khá lo lắng bởi tiền học 1 tháng của con dao động từ 4 - 5 triệu đồng, chưa tính tiền di chuyển, sinh hoạt. Chị Kim Anh cho biết, mức học phí trên gấp 3 lần so với tiền học tại một trường THCS công lập của cậu con trai út. Tiền học chính của con gái mỗi tháng là gần 2 triệu với hơn 2 triệu chi phí học Tiếng Anh. Như vậy, riêng tiền học cũng ngót nghét gần 4 triệu đồng. Ngoài ra, tháng nào chị cũng phải đóng đủ khoản phát sinh khác.
Tuy học phí cao nhưng chị Kim Anh hài lòng với chất lượng giáo dục của nhà trường. Chị cho biết con có môi trường học Ngoại ngữ tương đối tốt, cơ sở vật chất khang trang và hiện đại. Nhiều người lầm tưởng trường dân lập thường kém chất lượng hơn nhưng thời đại ngày nay điều đó là hoàn toàn không đúng. Ngôi trường mà con gái chị Kim Anh đang học có đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm ôn thi đại học. Thầy cô cũng luôn quan tâm, sát sao đến việc học của các em.
Chị Kim Anh chia sẻ: "Tiền học thế là còn thấp đấy. Ở trường con gái chị có 2 chương trình Ngoại ngữ: Chương trình thứ nhất được thầy cô nước ngoài dạy hoàn toàn nên có học phí rất cao; còn con chị chỉ học thầy cô nước ngoài 1 buổi/tuần nên có giá "mềm" hơn. Riêng tiền học Tiếng Anh phải đóng luôn một cọc vào đầu học kỳ, đó là một số tiền tương đối lớn. Trong tháng thì phải tiền học chính, học bồi dưỡng, tiền xây dựng,… đủ khoản đổ vào đầu mà chị không nhớ hết nổi".
"Dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm nay, con học online ở nhà nên cũng đỡ đi một khoản tiền học phụ đạo, học trung tâm nhưng cũng chẳng thấm vào đâu! Mỗi lần giáo viên chủ nhiệm thông báo đóng học là chị phải đi xoay tiền khắp nơi mới đủ", bà mẹ Hà Nội cho biết.
Chị Kim Anh chia sẻ công việc hiện tại của 2 vợ chồng rất bấp bênh, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vì thế, mọi khoản sinh hoạt trong gia đình đều bị cắt giảm, thậm chí là phải để con nghỉ học tại trung tâm vì không kham nổi. Dù thương con nhưng hiện tại chị Kim Anh không biết làm thế nào. Riêng tiền học, tiền ăn uống của con gái cũng chiếm một khoản lớn trong tổng thu nhập của 2 vợ chồng.
KINH DOANH THUA LỖ, NỢ NGÂN HÀNG KHOẢN LỚN, PHẢI LÀM ĐỦ NGHỀ NUÔI CON ĂN HỌC
Trước đây, 2 vợ chồng chị Kim Anh cùng với một số người khác trong đại gia đình kinh doanh dịch vụ vận tải. Thời kỳ cao điểm, công ty chị có khoảng 30 xe chạy. Nhưng gần chục năm trở lại đây, thị trường cạnh tranh nên việc kinh doanh không thuận lợi như trước. Đặc biệt là 2 năm dịch COVID-19, ngành nghề của chị rơi vào tình trạng "chết" hoàn toàn.
Chị Kim Anh cho biết, hiện 2 vợ chồng phải bán tống bán tháo xe đi, không thể trụ nổi nữa. Giờ trong bãi còn chưa đến 10 xe "nằm đắp chiếu". Dịch bệnh khiến hội hè, du lịch bị cấm vận, không hoạt động được, dĩ nhiên chẳng có ai thuê xe. Số lượng xe ít ỏi còn lại đành chạy túc tắc đón đưa học sinh một số trường trên địa bàn Hà Nội.
Bà mẹ U50 thở dài ngao ngán: "Gia đình chị đang nợ vài tỷ ngân hàng, không biết xoay sở thế nào để trả hết món nợ ấy. Xe thì nằm bãi ngốn hàng bao nhiêu chi phí phát sinh: Nào tiền bến bãi, tiền đăng kiểm, tiền mua bảo hiểm. Đấy là chưa kể xe phải bảo dưỡng, bảo trì rồi hỏng hóc, va chạm tai nạn,… Trăm khoản đổ lên đầu, người ngoài nhìn vào tưởng sang giàu lắm, nhưng người trong "kẹt" mới thấu!".
Như bao người kinh doanh dịch vụ vận tải, trong những đợt dịch đầu, chị Kim Anh nghĩ rằng dịch bệnh chỉ kéo dài một vài tháng. Nhưng ròng rã hơn 2 năm qua, du lịch "chết" hoàn toàn, ngành vận tải đành chịu chung số phận hẩm hiu. Xe cứ chạy được vài ba hôm thì lại có thông báo dừng hoạt động, khiến lòng chị như lửa đốt.
Giờ 2 vợ chồng chị Kim Anh đã xác định "sống chung với lũ", xoay ra làm nghề khác kiếm sống. Nhiều gia đình góp vốn kinh doanh cùng chị cũng vội vàng rút tiền về, mang đi đầu tư chỗ khác. "Phải xoay sở chứ, cứ trông mỗi vào nghề này thì chết đói", chị tâm sự.
Để có tiền nuôi các con ăn học, chị Kim Anh phải bán hàng online để góp nhặt từng đồng. Mặt hàng kinh doanh chính của chị là yến, ngoài ra còn bán thêm nhiều sản phẩm khác. Khách hàng chủ yếu là người thân, bạn bè, hàng xóm quanh nhà. Ai có nhu cầu gì thì chị bán nấy, bán gì cũng được, miễn là có thêm đồng ra đồng vào.
Tuy vất vả nhưng chị Kim Anh vẫn luôn lạc quan, vui vẻ. Chị tâm sự rằng các con cũng đã lớn và hiểu chuyện, biết thương bố mẹ đang trong giai đoạn khó khăn. Vì thế, các con tự giác bảo ban nhau học tập, không để mẹ nhắc nhở nhiều. Đó cũng là động lực giúp chị Kim Anh nỗ lực kiếm tiền. Chị chỉ mong con cái học hành giỏi giang, ngoài giờ học thì biết phụ giúp mẹ làm việc nhà.
"Việc của chị là kiếm tiền, việc của con là học hành. Chị dặn con rằng chúng ta phải nỗ lực cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn", chị Kim Anh chia sẻ.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/ba-me-ha-noi-kinh-doanh-thua-lo-no-ngan-hang-vi-dich-nhung-van-gang-cho-con-hoc-truong-dat-do-con-cai-chinh-la-dong-luc-162222103093032255.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.