Mới đây, dòng tâm sự của người mẹ khi có con bị đuổi học năm lớp 8 đã nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Đó là chị Nguyễn Thanh Phương (58 tuổi, cán bộ về hưu ở Hà Nội). Nhớ lại cách đây khoảng gần 20 năm, chị có cậu con trai tên N. bị đuổi học năm lớp 8.
Những năm tháng cấp hai của con là quãng thời gian gia đình chật vật đi tìm kiếm trường. N. học lớp 6 và 7 ở một trường cấp 2. Nhưng vì học hành sa sút nên đã được mẹ chuyển đến một trường trung học khác.
Sang trường mới, N. lại bị đuổi học ngay trong tháng đầu tiên. Nhưng với cậu con trai được coi là "bất hảo" như vậy, chị Thanh Phương chưa bao giờ nghĩ đến hai chữ "Từ Bỏ".
Hành trình giúp con thức tỉnh của bà mẹ này đã khiến không ít người phải khâm phục.
Ảnh minh họa
Chúng tôi xin được trích dẫn câu chuyện của bà mẹ này chia sẻ:
"Ngay tháng đầu tiên của năm học lớp 8, con về báo tin: "Con bị đuổi học rồi". Mình hỏi con lý do bị đuổi học. Nghe con kể xong mình nghĩ con bị oan (bạn này tuy ương bướng nhưng rất thật thà). Mình nói con có 1 ngày suy nghĩ xem con định như nào nếu không đi học.
2 phương án khi biết tin con bị đuổi học
Về phần mình, sau khi gọi 2 đứa em gái và 1 em rể đến bàn bạc đi đến thống nhất - cho nó nghỉ luôn, vì nó có hiện tượng chán học từ năm lớp 7, đang từ học sinh Giỏi, tụt hạng xuống Tiên tiến vớt. Với đà này cứ tiếp tục đến trường sẽ xuống Trung bình hoặc dưới Trung bình. Cho nó nghỉ 1 năm ở nhà căn chỉnh lại tinh thần học tập và học bù kiến thức bị rơi vãi năm lớp 7.
- Phương án 1: Mình xác định sẽ thuê gia sư dạy nó ngày 3 buổi (Sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng, tối 1,5 tiếng, thứ 7, chủ nhật nghỉ) - Tóm lại kín lịch để không có thời gian chơi bời - Phương án này xác định tốn rất nhiều công sức tiền của.
- Phương án 2: Cho nó xa luôn sách vở, về quê làm nông dân tự trồng rau, chăn nuôi, học hành tính sau. Tất nhiên mình sẽ xin chuyển công tác về quê để theo sát con. Mình có mảnh đất tầm 3.000m2 cách Hà Nội 40km, cạnh 1 hồ nước lớn rất đẹp và thuận lợi cho việc nuôi trồng.
Ảnh minh họa
Thống nhất xong được phương án ứng phó với ông con mình xác định, chẳng đến gặp nhà trường hỏi han, cũng không trách cứ hay cãi nhau với bố nó làm gì cho mệt. Mình cần minh mẫn sáng suốt để đưa ra những quyết sách tối ưu nhất với ông con.
Sau 1 ngày, mình ngồi nói chuyện nghiêm túc với con. Con nói muốn xin đi học lại, vì không phải lỗi của con. Mình bảo: "Mẹ không ngạc nhiên khi con bị đuổi học, với kiểu học như con hồi lớp 7 đến trường nào rồi cũng sẽ bị đuổi thôi". Mình nói trước phương án 2 và hôm đó mình hẹn luôn 2 vợ chồng đứa em út đi cùng 2 mẹ con lên mảnh đất ở Sơn Tây để trực tiếp triển khai nếu con đồng ý. - Nó đồng ý mình triển khai thật chứ không nói đùa.
Lên đến nơi nó thấy mảnh đất heo hút, nhà hàng xóm gần nhất cũng cách 500m. Ông ý bảo chỗ này rộng quá, đi quanh khu đất mỏi hết cả chân, ở đây đi chợ thế nào hả mẹ? Mình và cô em cười bảo đã làm nông dân rồi tự trồng rau củ, tự nuôi heo gà mà ăn chứ chợ búa gì, sống ở đây đỡ tốn tiền.
Về nhà mình mới nói phương án 1 đó là ở nhà 1 năm học gia sư, hết năm mẹ xem ý thức và trình độ như nào rồi tính tiếp, mọi sự mong chờ vào ý thức và sự cố gắng của con, nếu tiến bộ con sẽ lại đến trường học bình thường. Tất nhiên bạn ý chọn phương án 1.
Những dòng tin nhắn của người mẹ gửi đến giáo viên gia sư ngày ấy (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
1 năm tự học ở nhà, 2 mẹ con cùng đối diện với ánh nhìn xa lánh từ cả bạn bè và người thân
Mình lập tức tuyển gia sư, lên kế hoạch các môn học. Môn nào con yếu học nhiều, môn nào khá rồi chỉ rà soát lại kiến thức, tăng cường tự học Tiếng Anh. Mình tuyển gia sư tinh nhuệ, trả lương cao, chỉ cần có biểu hiện thỏa hiệp với con, làm hộ bài con, khả năng truyền đạt kém làm cho nó chán học là mình tìm người khác thay thế ngay. Tuyệt nhiên không nói đến quá khứ của con, chỉ cùng con bàn chuyện tương lai con sẽ như thế nào. Con dần lấy lại được kiến thức bị hổng, ý thức học và tự học tốt dần lên.
Xong chuyện trong nhà, 2 mẹ con mình phải đối mặt với bạn bè, hàng xóm, họ hàng 2 bên nội ngoại. Với CV mẹ vừa ly hôn, con bị đuổi học - các mẹ tưởng tượng tình cảnh mẹ con mình thê thảm thế nào? Cả cái Hà Nội lúc ấy, chắc có mỗi 1 mình con bị đuổi học mà mẹ chấp nhận cho ở nhà, năm sau học lại lớp 8 - có nghĩa là đúp lớp.
Cả họ hàng nội ngoại không ai tin con mình có thể đi học lại, ai cũng nghĩ thôi thằng này hỏng thật rồi, học hành gì nữa, 1 năm ở nhà lêu lổng không hư cũng phí… kiểu kiểu như vậy.
Mình nói với con: Không ai cấm được suy nghĩ và phát ngôn của người khác, họ nói xong họ còn về lo việc nhà họ - không ai sống hộ mẹ con mình được đâu. Con đừng để tâm đến những ánh mắt khinh thường và lời nói của mọi người nhé. Nếu chỉ vì người ta nói xấu, nghĩ xấu về mình mà mình trở nên xấu thật mới chết. Nếu mình cố gắng sống tốt, những lời nói ánh mắt đó còn là động lực để mình cố gắng hơn nữa nhé. Mẹ con mình phải tự tin lên!
Ảnh minh họa
Cho con đi học lại và đứng trước nguy cơ bị đuổi học tiếp
Sau 1 hồi nghiên cứu các trường cấp 2 quanh nhà để thuận tiện cho việc con tự đạp xe đi học, mình chấm được 1 trường, không ở trong top nào của Hà Nội. Mình xác định chỉ quan tâm thầy Hiệu trưởng, còn các thầy cô dạy trực tiếp mẹ cháu bỏ qua và không cho con đi học thêm các thầy cô dạy ở trường. Vì mẹ cháu muốn cháu tự bơi để tự cứu mình. Nếu mẹ cháu quan tâm đến thầy cô trực tiếp dạy, khả năng cao cháu nhận được những giá trị gia tăng ảo kiểu được bỏ qua những sai phạm ở trường… Mình nói với con, đây là cơ hội đi học cuối cùng của con, nếu ở đây con bị đuổi nữa mẹ hết cách rồi, con về làm chủ nhà vườn ở Sơn Tây cùng mẹ.
Ngày đầu vào lớp, con đến trường, tự cầm phiếu vào lớp đưa cô chủ nhiệm. Ngay hôm sau cô alo cho mình. Đối diện với suy nghĩ e ngại của cô, mình nói rằng: "Vâng con tôi học lại chắc chắn con có vấn đề, nhưng không có nghĩa là nó không có quyền đi học tiếp, còn nó học thế nào chỉ nó mới trả lời được thôi ạ". Cô chán quá bỏ luôn máy.
Tháng sau cô lại alo, mời chị sáng mai đến gặp tôi, con chị gây chuyện ở lớp, mình vâng. Về nhà hỏi con có chuyện gì? Con bảo con đùa với bạn ngồi cạnh giờ ra chơi, con chỉ đập tay vào người bạn, nói chung là đập tay vào người nhau, cô đi qua bảo con là quấy rối tình dục. Cô bảo con viết bản kiểm điểm và mời mẹ đến. Mình hỏi bạn nữ có phản ứng gì không? Kiểu có bực tức hay cãi nhau với con không. Mình bảo con, viết bản tường trình (không phải bản kiểm điểm) kể toàn bộ sự việc, không được nói sai sự thật, để mẹ ký và mai đến nộp cho cô.
Ảnh minh họa
Sau đó, mình về bảo con tự tay viết cho thầy Hiệu trưởng 1 bức thư cảm ơn thầy đã bao dung cho con có cơ hội được học tiếp. Con hứa với thầy như nào đấy là tùy con, mình nói nội dung đại loại là như thế và con tự viết.
Sáng hôm sau đến gặp thầy đưa bức thư của con gửi thầy và tặng thầy món quà làm kỷ niệm. Mình không gặp cô chủ nhiệm của con đâu vì con bị oan, con viết bản tường trình gửi cô rồi. Với lỗi này, nếu gia đình bạn gái kia có đơn kiện con trai mình, mình sẵn sàng hầu tòa.
Sau đó suốt 2 năm lớp 8 và lớp 9 không thấy cô alo phàn nàn về con mình nữa. Sau khi nhận thư cảm ơn, thầy Hiệu trưởng hỏi mình: "Sao lại viết thư hộ con, biết là mẹ nó viết hộ nhưng thầy vẫn cảm động". Mình bảo nhà cháu không có văn hóa làm hộ con, nó viết gì mẹ cháu còn không biết.
Ảnh minh họa
Cuộc đời thay đổi nhờ phương pháp giáo dục tâm lý của mẹ
Rồi con cũng thi đỗ vào trường cấp 3 N.C (quận Thanh Xuân). Mình xét thấy trường đó đông học sinh, rồi lại có lớp chuyên lớp chọn, học hành quá áp lực. Mình sợ nhất là phải đối diện với thầy cô trên lớp khi con mình không đi học thêm ở trường.
Mình đưa con đến trường T.N. Đến trường con mê ngay, cơ sở vật chất tốt, có sân bóng đá, bóng rổ, vườn hoa cây cảnh đẹp như công viên, đã thế trường này lấy điểm thấp, chẳng có lớp chuyên lớp chọn, với điểm của con mình, cứ đi sớm nộp hồ sơ là xong.
3 năm học cấp 3 con rất vui vẻ hạnh phúc, mình không bao giờ phải đến gặp thầy cô nữa. Kỷ niệm 20-11, con về kể, hôm nay cả lớp đóng tiền mời thầy chủ nhiệm đi ăn bún chả, lúc thanh toán thiếu tiền thầy lại phải bù vào, mối quan hệ thầy trò vô cùng ấm áp thân thiện.
Chắc các mẹ tò mò muốn biết hiện con thế nào, con có đỗ đại học không?
Mình không áp lực con phải học ngày đêm khổ sở, nên con chỉ đỗ vào hệ Cao đẳng trường Đại học Bách Khoa - khoa Điện tử Viễn thông. Sau đó con thi liên thông lên đại học. Đang học năm thứ 3 thì con rẽ sang 1 ngã rẽ đó là sang Đức học nghề đầu bếp vào năm 2012.
Hiện con đang rất hạnh phúc với cuộc sống và công việc của mình, mẹ cháu cũng rất tự hào vì cháu là đầu bếp của 1 nhà hàng rất nổi tiếng ở Erfurt nơi có nhiều chính trị gia và các nghệ sĩ thường đến ăn.
Nó không có gì nổi trội, gây nhiều phiền phức cho mẹ nhưng thỉnh thoảng có người nhắn tin khen nó làm mẹ cháu ấm lòng lắm ạ. Nó thôi học Toán từ năm 2012, sau 8 năm nó vẫn làm Toán Cao cấp của năm nhất đại học vô tư, làm mẹ cháu phục lăn ra ý".
Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Thanh Phương cho biết mục đích khi viết bài này: "Mình có tham gia một group có con ở tuổi dậy thì. Nhiều nhà chia sẻ con quậy phá chán học khiến bố mẹ bất lực. Mình nghĩ nên chia sẻ câu chuyện gia đình mình để bố mẹ có cách ứng xử bao dung, thấu hiểu hơn với những đứa trẻ ở tuổi nổi loạn. Cứ yêu thương và động viên các con rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Chị cũng cho biết: Khi biết con bị đuổi học năm ấy, điều quan trọng nhất với bà mẹ này là không được bỏ cuộc: "Bỏ cuộc tức là bỏ con, không được cách này thì mình sẽ làm cách khác. Nói chung con không hư hỏng là an tâm rồi".
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/con-trai-bat-tri-hoc-3-truong-cap-2-bi-duoi-hoc-ngay-thang-dau-tien-cach-doi-dien-day-ban-linh-cua-ba-me-ha-noi-va-cuoc-song-hien-tai-bat-ngo-cua-cau-con-trai-162210810181755434.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.