Con trai hằn học bảo mẹ "Đừng có sống nữa": Đài truyền hình đến tận nhà hỏi chuyện, hé lộ bi kịch bắt nguồn từ nhiều năm trước

Khi thấy trẻ bướng bỉnh, không chịu nghe lời, đừng vội đánh giá trẻ hỗn láo mà cha mẹ cần xem lại phương pháp giáo dục đã đúng đắn chưa?

Series "Chuyện những đứa trẻ chịu tổn thương tâm lý" là một chương trình truyền hình thực tế tại Hàn Quốc, nhận được đông đảo sự quan của khán giả, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Chương trình đưa ra tình huống cụ thể, giúp cha mẹ có cái nhìn đúng đắn hơn về suy nghĩ của con theo từng giai đoạn. Từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.

Trong series, câu chuyện của cậu bé 8 tuổi tại Hàn Quốc với tiêu đề "Con muốn mẹ chết đi" đã khiến nhiều người lặng đi, có người xúc động không cầm nổi nước mắt.

Vào một buổi sáng, người mẹ vào phòng gọi cậu con trai dậy chuẩn bị đi học. Nhưng đáp lại lời nói dịu dàng của mẹ, cậu bé tỏ ra tức giận với hàng loạt các biểu hiện tiêu cực: La hét, vùng vằng, lườm nguýt mẹ. Thậm chí, cậu bé còn có lời nói hỗn hào: "Im lặng và đi ra ngoài đi. Đừng có nói nữa!" .

Cậu bé 8 tuổi bảo mẹ mình

Mới sáng dậy nhưng 2 mẹ con đã có cuộc tranh cãi, giằng co với nhau.

Cuộc chiến giữa 2 mẹ con bùng nổ. Người mẹ chạy lại ghì chặt lấy tay con, còn cậu bé không ngừng khóc lóc yêu cầu mẹ bỏ tay ra. Thậm chí, để phản kháng, cậu nhóc đã... tè ngay lên người mẹ.

Khi xem tình huống trong chương trình, đa số khán giả đều cảm thấy vô cùng tức giận trước hành động của cậu bé. Nhiều người gay gắt cho rằng cậu bé quá hỗn hào, xấc xược với mẹ. "Nếu không được chỉnh đốn lại thì cậu bé sẽ trở thành đứa trẻ bị bỏ đi, bị xã hội xa lánh", một khán giả để lại ý kiến.

Về phía người mẹ, cô ấy chỉ ghì chặt lấy tay con, đôi mắt thất thần, thể hiện sự bất lực. Người mẹ bình tĩnh hỏi một câu: "Ngay cả việc nói chuyện với con mình cũng không được thì mẹ phải sống như thế nào?".

"Vậy thì đừng có sống!", cậu bé hằn học trả lời. Đối với người làm mẹ, chắc chẳng có gì đau lòng hơn khi nghe đứa con dứt ruột đẻ ra nói vậy. 

Người mẹ trong câu chuyện cho biết, bản thân bị trầm cảm sau sinh. Vì vậy, cô ấy không có nhiều thời gian dành cho con và thường xuyên để con chơi iPad. Từ đó, 2 mẹ con dần xa cách, mẹ ít quan sát những hành động nhỏ của con. Khi thấy con càng lớn càng bướng bỉnh, cô ấy vô cùng hối hận, cảm thấy mình là một bà mẹ tồi.

Vậy trước những bé trai dưới 10 tuổi cứng đầu, lì lợm không chịu nghe lời, chúng ta cần giải quyết thế nào? Về vấn đề này, các chuyên gia Hàn Quốc đã đưa ra lời khuyên:

5 bước dạy con trai "cứng đầu" mà mẹ phải nắm rõ

- Theo dõi và phân tích hành vi, tính cách của trẻ ngay từ nhỏ

Trong câu chuyện trên, sau khi sinh nở, người mẹ bị trầm cảm, luôn trong trạng thái bất an, lo lắng. Chính vì vậy, mẹ không chăm sóc tốt được cho con, thường xuyên để cậu bé làm bạn với chiếc iPad. Mẹ không hiểu con muốn gì, thích gì, phát triển tâm lý ra sao?

Bài học rút ra là: Ngay từ khi con còn nhỏ, mẹ phải chú ý quan sát, hiểu rõ vấn đề của trẻ. Đặc biệt, hãy chú ý vào những hành vi phản kháng cũng như mức độ bướng bỉnh của trẻ. Hãy tiến hành phân tích nguyên nhân rồi xây dựng cách giáo dục phù hợp.

- Hãy bình tĩnh khi con đang "nổi loạn"

Chúng ta khó mà giữ bình tĩnh trước một đứa trẻ thích nổi loạn. Tuy nhiên, để giúp con thay đổi, mẹ cần rèn luyện điều này và xử lý khéo léo. Những phản ứng tức giận, quát tháo, trách phạt sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, mẹ có thể tạm "phớt lờ" con.

Nếu con đang có thái độ chống đối như: Đập phá đồ đạc, la hét ầm ĩ… hãy đưa con sang một không gian khác để thực hiện các hành vi trên. Trong trường hợp này, phòng ngủ là lựa chọn phù hợp.

Cậu bé 8 tuổi bảo mẹ mình

Thấy con đang tức tối, la hét, mẹ cần bình tĩnh, học cách tạm "phớt lờ" trẻ.

- Khéo léo dạy trẻ từ những lỗi sai

Các bé trai thường có tính cách độc lập hơn các bé gái nên khó dạy theo cách thông thường là mẹ nói, con nghe rồi làm theo. Với bé trai, mẹ cần để con tự nhìn nhận lỗi lầm, nhận thức được vấn đề rồi mới giải thích cặn kẽ để con hiểu.

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý những đứa trẻ bướng bỉnh có cá tính rất mạnh. Một số trẻ sẽ không chấp nhận lời dạy trong cơn kích động. Mẹ cần tìm thời điểm thích hợp để dạy như lúc trẻ đang vui vẻ, thoải mái, cởi mở…

- Phớt lờ những đòi hỏi không thoả đáng của con

Trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo có thể do kết quả của việc con đòi thứ gì, mẹ cũng nhanh chóng đáp ứng. Khi việc này diễn ra thường xuyên sẽ vô tình khiến trẻ nhận ra rằng ba mẹ rất dễ dàng, luôn thuận theo đòi hỏi của trẻ. 

Đến khi không nhận được sự chiều chuộng ấy nữa, trẻ sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu, hờn dỗi. Chính vì vậy, mẹ cần học cách phớt lờ những đòi hỏi không thoả đáng để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu.

- Không để trẻ có cơ hội nuôi dưỡng tính bướng bỉnh

Có những thói quen xấu của bản thân và gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của con. Nhiều đứa trẻ tỏ ra bướng bỉnh để lôi kéo sự chú ý quan tâm từ bố mẹ, người thân xung quanh. Do đó, mẹ cần thoả thuận với gia đình tập "làm ngơ" khi trẻ kích động. Khi trẻ cảm thấy việc nổi loạn không còn tác dụng nữa sẽ ngừng ngay lại. Nhờ đó, trẻ không thể nuôi dưỡng tính cách cứng đầu, lì lợm.

Tóm lại, khi mẹ đứng trước cậu con trai lì lợm, khó bảo, đừng quá buồn hay trách móc bé. Theo nghiên cứu chỉ ra, đó là những đứa trẻ có tính cách độc lập, mạnh mẽ, có tư duy thông minh và khả năng thành đạt cao hơn đứa trẻ khác. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, hãy kiên nhẫn kiểm soát tình hình và tìm cách giải quyết hợp lý nhất.

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/con-trai-han-hoc-bao-me-dung-co-song-nua-dai-truyen-hinh-den-tan-nha-hoi-chuyen-he-lo-bi-kich-bat-nguon-tu-nhieu-nam-truoc-162221501210004173.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang