Trẻ con nghịch ngợm, ương bướng và làm hỏng đồ đạc trong nhà là chuyện rất thường gặp và hầu như gia đình có con nhỏ nào cũng từng trải qua với các mức độ khác nhau. Nhiều phụ huynh cảm thấy khủng hoảng khi phải xử lý những lần con "nổi loạn", làm sao uốn nắn con cái đúng đắn mà không làm tổn thương đến tâm lý non nớt của những đứa trẻ. Khi không thể kiểm soát được con, nhiều người đành nhờ đến "nhân vật thứ ba" có uy hơn, có thể khiến trẻ sợ hãi mà dè chừng hơn.
Mới đây, một câu chuyện về cách dạy con tại Trung Quốc thu hút đông đảo sự chú ý của các bậc phụ huynh.
Một bà mẹ có một cậu con trai ở độ tuổi tiểu học, thường xuyên quậy phá, không chịu nghe lời bố mẹ, đã vậy còn đập đồ đạc để tỏ thái độ chống đối.
Bất lực vì nói con không nghe, người mẹ đã gọi điện cho cô giáo trước mặt cậu bé và nói: "Cô giáo ơi, bé ở nhà không nghe lời mẹ, còn dám ném đồ đạc vào người mẹ, rồi đòi bỏ nhà ra đi. Cô xem có cách giải quyết nào không? Tôi có thể đổi đứa con này được không cô giáo?".
Ngay sau khi nghe thấy lời mẹ, cậu bé lập tức sợ tái mặt, khóc lóc, vội khoanh tay xin lỗi mẹ, xin mẹ đừng đổi mình với đứa trẻ khác. Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã nhận được đông đảo bình luận của cư dân mạng.
Rất nhiều bình luận bày tỏ sự cảm thông bởi chỉ khi làm bố mẹ mới hiểu có những lúc căng thẳng, mệt mỏi vì con quậy phá đến thế nào. Tuy nhiên, một số khác lại chỉ ra cách làm của người mẹ thực chất là tai hại. Họ cho rằng việc làm này sẽ khiến trẻ có tâm lý sợ hãi, thiếu an toàn và không đem lại hiệu quả lâu dài.
Nhiều bậc cha mẹ khi con hư thường dọa "đuổi" con ra khỏi nhà để trừng phạt trẻ. Bố mẹ đóng cửa và nhốt con ở ngoài, dọa dẫm rằng "nếu không ngoan ngoãn sẽ đuổi đi, không nuôi nữa". Đứa trẻ ở bên ngoài không ngừng mếu máo, gào khóc: "Đừng đuổi con đi".
Đối với những trẻ con non nớt, chúng chưa thể hiểu thế nào là "dọa" và thế nào là "thật". Cách cư xử của cha mẹ mặc nhiên chỉ được trẻ hiểu rằng "Cha mẹ không cần mình, không thương mình". Từ đó, nỗi lo sợ đè nặng sẽ khiến trẻ có vấn đề về tâm lý. Nhẹ thì mất niềm tin,khủng hoảng tâm lí, nặng thì trầm cảm...
Làm gì khi con bướng bỉnh, quậy phá?
Nghịch ngợm, khám phá là nhu cầu tất yếu của trẻ để học hỏi các kỹ năng và tìm hiểu thế giới xung quanh. Rõ ràng trong quá trình đó, trẻ có thể khiến người lớn vất vả, thậm chí khó chịu vì phải luôn trông chừng hay dọn hậu quả.
Các nhà tâm lý cho rằng, trong tình huống này, việc đầu tiên cần thực hiện là hỏi lý do "vì sao con làm thế?". Dưới cái nhìn của bố mẹ, hành động của trẻ có thể là phá hoại, nghịch dại nhưng dưới con mắt trẻ thơ, lý do có thể rất đơn giản.
Từ việc hỏi lý do, bố mẹ có thể hiểu xem con đang có nhu cầu muốn khám phá điều gì, từ đó giải thích với trẻ những "khu vực an toàn" để trẻ thoải mái chơi, thử nghiệm và những "khu vực không được phá", cần tuân theo các phép tắc.
Ngoài ra, mỗi ngày cha mẹ có thể cho trẻ khoảng thời gian 30 phút đến 1 giờ chơi game, giải trí sau những giờ học căng thẳng, khuyến khích trẻ chơi thể thao; thể hiện sự quan tâm nhưng không kiểm soát trẻ quá mức.
Cha mẹ cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con, thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con bày tỏ quan điểm riêng rồi mới nói lên những suy nghĩ của mình.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.