Gần đây, đã có ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19 lại tiếp tục nhập viện sau khi phát hiện dương tính trở lại. Số liệu từ Hàn Quốc cho biết tới ngày 12/4, đã có 111 trường hợp "tái dương tính" ở nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang tìm hiểu về các trường hợp tái dương tính, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả cụ thể. "Chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia y tế và tìm thêm thông tin về từng trường hợp cụ thể," cơ quan này cho biết.
Ảnh: Getty Images/EyeEm
Với các dòng virus corona khác, các chuyên gia cho biết kháng thể được sản sinh trong cơ thể sau khi bị nhiễm sẽ giúp họ kháng lại được một số virus nhất định trong nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm, nhưng các chuyên gia cho biết họ vẫn đang tìm hiểu cơ chế hoạt động của COVID-19.
Lời lí giải về cách thức virus corona sinh tồn sẽ có tác dụng lớn đối với công tác phòng chống dịch.
01. Có thể bị tái nhiễm sau khi khỏi COVID-19 hay không?
Có nhiều điều vẫn chưa hoàn toàn được lí giải trong trường hợp này. Tuy nhiên, một số chuyên gia mà tạp chí TIME phỏng vấn cho biết có khả năng những bệnh nhân được cho là đã hồi phục sau đó bị dương tính trở lại không phải là tái nhiễm, mà đó là do virus vẫn tồn tại trên cơ thể nhưng không được phát hiện qua xét nghiệm.
Các chuyên gia cho biết phản ứng đề kháng của cơ thể - được kích hoạt bởi sự xuất hiện của virus - đồng nghĩa với việc rất khó có khả năng một người khỏi COVID-19 lại tái nhiễm sau một thời gian ngắn.
Theo Vineet Menachery, một nhà virus học tại Đại học Y Texas, các kháng thể thông thường được tạo trong vòng 7-10 ngày sau khi bị nhiễm virus.
Bên cạnh đó, xét nghiệm dương tính sau khi hồi phục có thể không loại trừ trường hợp các kết quả trước đó cho ra âm tính giả và trên thực tế bệnh nhân vẫn bị nhiễm bệnh. David Hui, một chuyên gia về bệnh đường hô hấp tại Đại học Hong Kong, nói: "Có thể chất dịch lấy từ bệnh nhân không chứa đủ nhiều virus hoặc các bộ xét nghiệm không đủ chính xác".
Một trường hợp nữa là có thể xét nghiệm dương tính đã phát hiện được những phần sót lại của RNA virus trong cơ thể, nhưng không đủ để bệnh tái phát trở lại. Nhà virus học Menachery cho biết: "RNA virus có thể tồn tại một thời gian dài kể cả sau khi virus thực sự đã ngừng hoạt động".
02. Virus có thể "tái kích hoạt" sau khi hồi phục hay không?
Trong buổi công bố về các bệnh nhân hồi phục được xét nghiệm dương tính trở lại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đặt ra một giả thuyết mới: virus corona có thể "tái kích hoạt".
Oh Myoung-don, một giáo sư về dược tại Đại học Quốc gia Seoul và là thành viên của Nhóm Tư vấn Kỹ thuật và Chiến lược đối với Bệnh Truyền nhiễm, cho biết lời giải thích hợp lí nhất là bộ xét nghiệm đã phát hiện những phần sót lại của virus chứ không phải là tìm ra virus tái nhiễm.
"Kể cả sau khi virus chết, các mảnh RNA của chúng vẫn tồn tại trong tế bào," giáo sư Oh nói và khẳng định rất khó có khả năng virus tái kích hoạt.
Tại Hàn Quốc, bệnh nhân phải có kết quả âm tính trong 2 lần xét nghiệm trong vòng 24 giờ trước khi được rời khỏi khu cách ly.
03. Các nhà khoa học đã có nghiên cứu gì về vấn đề này?
Một nghiên cứu đối với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục ở thành phố Thâm Quyến cho thấy 38 trong số 262, hay 15% số bệnh nhân, đã dương tính lại sau khi được xuất viện. Những người này được xác định dương tính thông qua bài xét nghiệm PCR - hiện tại được cho là "tiêu chuẩn vàng" trong số các xét nghiệm virus corona.
38 bệnh nhân hầu hết đều trẻ tuổi (dưới 14 tuổi) và có một số triệu chứng nhẹ trong suốt quá trình nhiễm bệnh. Các bệnh nhân nhìn chung không có triệu chứng vào thời điểm xét nghiệm dương tính lần thứ 2.
Tại Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà khoa học đang nghiên cứu trường hợp 4 nhân viên y tế được xác định dương tính 3 lần liên tiếp sau khi hồi phục. Cũng như nghiên cứu tại Thâm Quyến, các bệnh nhân này đều không có triệu chứng và người nhà không bị nhiễm bệnh.
04. Khỏi bệnh COVID-19 có giúp cơ thể miễn dịch hay không?
Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu để xác định liệu bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19 có miễn dịch với bệnh hay không - và nếu có, thì trong bao lâu. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã cho thấy một số bằng chứng cho vấn đề này. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia Trung Quốc cho thấy kháng thể trên cơ thể khỉ cho thấy loài linh trưởng sau khi khỏi bệnh COVID-19 sẽ không bị tái nhiễm với virus corona.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà khoa học Đài Loan cho thấy những người khỏi bệnh SARS trong năm 2003 có kháng thể và miễn dịch với bệnh tới 3 năm. Trong khi đó, bệnh nhân khỏi bệnh MERS chỉ có miễn dịch trong khoảng 1 năm.
Nhà khoa học Menachery ước tính kháng thể đối với COVID-19 sẽ tồn tại trong hệ miễn dịch của bệnh nhân từ "2 tới 3 năm", nhưng vẫn còn quá sớm để biết chắc chắn về việc này.
Mức độ miễn dịch đối với bệnh cũng khác biệt đối với từng người khác nhau, chủ yếu dựa vào mức độ phản ứng của kháng thể trong cơ thể người. Những người trẻ, khỏe mạnh thường sản sinh ra phản ứng kháng thể mạnh hơn, giúp bảo vệ họ lâu dài hơn trong tương lai.
"Nếu một người có kháng thể để vô hiệu hóa virus, người đó sẽ có miễn dịch. Câu hỏi ở đây là trong bao lâu," nhà nghiên cứu Menachery kết luận.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.