Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây 'choáng váng' của Đại học Oxford viết gì?

Từ giữa làn sóng Covid-19 đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã lo lắng một đợt bùng phát mới và nặng hơn sẽ diễn ra ở các nước xứ lạnh vào mùa đông năm 2020.

Có nhiều lý do ủng hộ giả thuyết một loại virus hô hấp có sự lây lan thay đổi theo các mùa. Như chúng ta thường thấy, dường như khi trời trở lạnh, ta dễ bị cảm cúm, nhiễm trùng hô hấp hơn hẳn so với mùa nóng.

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu COVID-19 có quay trở lại vào những tháng mùa đông sắp tới?

Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây choáng váng của Đại học Oxford viết gì? - Ảnh 1.

Thời tiết thay đổi cũng ảnh hưởng đến cả những chú mèo. Nguồn: Nerdist

Có sự lây lan theo mùa

Đường hô hấp của con người được lót bởi lớp niêm mạc nhầy giúp bám dính các hạt bụi, các vi khuẩn, virus mà ta vô tình hít phải. Song song đó, cũng có rất nhiều lông mao siêu nhỏ vận động không ngừng nghỉ để "quét" sạch các chất bẩn này ra khỏi đường hô hấp.

Khi không khí trở nên lạnh và khô, lớp niêm mạc nhầy này mất nước và bị giảm chức năng bám dính. Các lông mao cũng bị tê liệt một phần và giảm khả năng quét sạch virus. Hệ miễn dịch hoạt động kém hơn, và kết quả là ta dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây choáng váng của Đại học Oxford viết gì? - Ảnh 2.

Biểu mô niêm mạc đường thở với vô số các sợi lông cực nhỏ. Nguồn: Fineart America

Thực tế các virus đường hô hấp nói chung có sự lây lan theo mùa. Các nghiên cứu dựa trên chủng SARS-CoV đầu tiên đã gây ra đại dịch SARS vào những năm 2002-2003 cho thấy thời tiết có thể có ảnh hưởng quan trọng đối với sự lây lan của coronavirus. Ở Hồng Kông, khi thời tiết trở nên lạnh hơn, cụ thể là dưới 24,6 độ C, số ca mới bị nhiễm tăng hơn 18 lần.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nhiễu (*) có thể ảnh hưởng đến kết quả này. Chẳng hạn vào cuối mùa dịch, khi trời trở lạnh cũng là lúc những biện pháp kiểm soát sức khỏe cộng đồng được siết chặt và tuân thủ. Cho nên số ca nhiễm giảm hẳn là nhờ các biện pháp như cách ly, khai báo y tế, giữ gìn vệ sinh tay miệng,... dần hiệu quả theo thời gian, chứ không phải do thời tiết lạnh hay nóng.

Thời tiết khô hơn, virus khỏe hơn

Đã có nhiều nghiên cứu dựa trên các ca nhiễm COVID-19 chỉ ra tác động của độ ẩm đối với virus SARS-CoV-2.

Trong một thử nghiệm thực hiện tại phòng thí nghiệm, người ta chủ động tạo ra những giọt lây nhiễm (aerosols) có chứa virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học thấy ở độ ẩm tương đối là 53% và nhiệt độ phòng 23 độ C, virus tương đối ổn định đến hơn 16 giờ và còn mạnh hơn cả hai chủng MERS hay SARS-CoV trước đó. Điều này giúp giải thích sự lây lan mạnh hơn trong thực tế của SARS-CoV-2.

Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây choáng váng của Đại học Oxford viết gì? - Ảnh 3.

Đến cả chú sóc cũng ghét sự ẩm ướt. Nguồn: Boredpanda

Nhưng đánh giá vấn đề tại phòng thí nghiệm là chưa đủ và cần thêm các nghiên cứu trong cộng đồng.

Đã có nhiều nghiên cứu tại nhiều nơi khác trên thế giới như ở Úc hay Tây Ban Nha ủng hộ quan điểm cho rằng dịch bệnh lây lan hơn đáng kể khi độ ẩm giảm.

Một kết quả được đăng tải trên Annual Reviews chỉ ra độ ẩm lý tưởng cho đường hô hấp khỏe mạnh là từ 40%-60%. Để so sánh, độ ẩm không khí trung bình tại Việt Nam thường xuyên vượt ngưỡng 80% (theo số liệu của Tổng cục thống kê )

Một nghiên cứu tại 17 thành phố ở Trung Quốc với hơn 50 ca dương tính COVID-19 cũng có cùng kết luận như trên. Phát hiện này càng giá trị vì nghiên cứu được tiến hành sau khi đã kiểm soát chặt chẽ quá trình di cư của người dân (giúp làm giảm yếu tố nhiễu (*) của việc những người đã nhiễm bệnh vẫn đi lại giữa các thành phố).

Một nghiên cứu khác vẫn tại Trung Quốc chỉ ra đối với điều kiện dưới 3 độ C, cứ tăng thêm 1 độ C sẽ làm số ca dương tính tăng lên thêm gần 5% . Dù vậy, lại có một nghiên cứu khác cũng tại Trung Quốc bác bỏ mối tương quan của nhiệt độ với COVID-19.

Nhiều báo cáo khác cũng không phát hiện mối liên quan giữa nhiệt độ với sự lây lan hoặc tử vong do COVID-19 ở nhiều nơi như Úc , Tây Ban Nha hay Iran .

Do vậy, đến hiện tại chưa thể đưa ra bất kỳ khẳng định nào về mối liên quan giữa nhiệt độ với sự lây lan COVID-19.

Nắng và tia UV

Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha theo dõi trong quá trình cách ly xã hội chỉ ra: thời gian chiếu sáng trong ngày càng dài thì càng có nhiều ca nhiễm COVID-19. Phát hiện này về virus SARS-CoV-2 đối lập với những hiểu biết với virus cúm thông thường. Với virus cúm, thời gian chiếu sáng kéo dài lại làm giảm nguy cơ lây lan .

Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây choáng váng của Đại học Oxford viết gì? - Ảnh 5.

Nhiều người muốn ra ngoài chơi hơn trong thời tiết nắng đẹp. Việc không thể giữ giãn cách xã hội trong điều kiện này cũng là một nguyên nhân tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên mối liên hệ nói trên cũng chưa rõ ràng và có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố nhiễu (*). Một trong số đó là giả thuyết rằng vào những ngày nắng đẹp (thời gian chiếu sáng tăng), người ta có xu hướng đi ra ngoài nhiều hơn là tự cách ly trong nhà. Việc tuân thủ các biện pháp kiểm soát cộng đồng bị lơi lỏng, từ đó tăng nguy cơ lây lan COVID-19.

Ngược lại, dường như không có ảnh hưởng của tia cực tím từ Mặt Trời lên dịch COVID-19.

Vị trí địa lý

Liệu những khu vực trên thế giới nằm trong cùng một khoảng vĩ độ, chia sẻ chung một kiểu thời tiết có giống nhau về sự lây lan dịch bệnh hay không?

Một đánh giá từng được đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) khảo sát 50 thành phố trải dài trên nhiều vĩ độ khác nhau đã có một phát hiện lý thú. Hầu như tất cả những thành phố xuất hiện đại dịch đều nằm trong khoảng từ 30-50 độ vĩ Bắc (với khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình chỉ từ 5-11 độ C, độ ẩm tuyệt đối ở mức thấp từ 4-7g/m3).

Covid-19: Vĩ độ của Hà Nội và Mát-xcơ-va tạo khác biệt gì với Vũ Hán? Kết luận gây choáng váng của Đại học Oxford viết gì? - Ảnh 6.

Một nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đi giữa trận mưa tuyết ở Vũ Hán hôm 15/2/2020. Nguồn: Tân Hoa Xã

Để so sánh, nếu đi từ xích đạo về phía cực Bắc, Hà Nội là điểm có vĩ độ thấp nhất (21 độ Bắc), chỉ có 31 ca nhiễm và 0 ca tử vong. Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nằm ở 30,8 độ Bắc, thuộc khu vực 30-50 độ vĩ Bắc vừa đề cập, có đến hơn 80.000 ca nhiễm và 3.000 ca tử vong. Mát-xcơ-va (Nga) tại 56 độ Bắc, không nằm trong khoảng vĩ độ này, chỉ có 10 ca nhiễm được phát hiện và không có ca tử vong nào. Các tác giả kết luận rằng sự phân hoá dịch bệnh theo thời tiết như vậy rất điển hình đối với các virus hô hấp hoạt động theo mùa.

Mối liên hệ giữa dịch bệnh và khí hậu ở khu vực ôn đới dường như được thể hiện khá rõ rệt. Còn với những nước thuộc khu vực nhiệt đới trong đó có Việt Nam, mô hình lây lan dịch bệnh có vẻ như phức tạp hơn đôi chút.

Nghiên cứu trên PLOS chỉ ra ở những nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao liên tục quanh năm, đỉnh dịch thường rơi vào những tháng ẩm ướt, nhiều mưa nhất. Ngược lại, những nơi có ít nhất một tháng nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp dưới ngưỡng nhất định, thì đỉnh dịch lại xảy ra vào những tháng cực điểm lạnh và khô.

Một kết quả khác được công bố vào tháng Tám vừa qua dựa trên dữ liệu từ tất cả những nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng giúp nhấn mạnh mối quan hệ này. Họ còn chỉ ra một con số cụ thể: tại khu vực nhiệt đới, mỗi 25,4 mm tăng thêm trong lượng mưa hằng ngày sẽ đi kèm với gia tăng hơn 56 ca bệnh trong cùng ngày. Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa lượng mưa và tỉ lệ tử vong do COVID-19 được báo cáo.

Những tranh luận không ngừng nghỉ

"Virus SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn chưa thể hiện mô hình lây lan theo mùa rõ rệt. Tuy nhiên, nó đã cho thấy rằng nếu chúng ta lơi lỏng và mất kiểm soát, virus sẽ lại bùng lên. Thực tế là vậy"- Tiến sĩ Michael Ryan nói trong báo cáo tóm tắt của WHO ngày 10/08/2020.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) đã thực hiện tổng phân tích về mức độ tin cậy của những dữ liệu hiện có và đưa ra một kết luận choáng váng. Họ cho rằng, những con số được đưa ra qua các nghiên cứu có quá nhiều giới hạn và thật sự không đáng tin cậy để đưa ra bất kỳ kết luận nào!

Một minh hoạ dễ hiểu, càng xét nghiệm kiểm tra cho nhiều người thì số ca nhiễm được phát hiện càng có khả năng tăng lên. Hay nói cách khác, một đất nước nghèo, khả năng kiểm tra hạn chế thì có nguy cơ bỏ sót rất nhiều ca dương tính.

Cần lưu ý rằng, đến nay vẫn còn rất nhiều nước thiếu khả năng thực hiện xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng. Vì vậy, số ca dương tính được báo cáo có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.

Mặt khác, khi thời tiết thay đổi, dường như tình trạng sức khỏe một người bị bệnh hô hấp hay bệnh tim mạch đều có nguy cơ xấu đi. Số người nhập viện tăng, số ca có triệu chứng gợi ý COVID-19 cũng tăng, kéo theo số người được xét nghiệm kiểm tra có khả năng tăng theo. Do đó, có thể thời tiết không làm tăng nguy cơ lây lan COVID-19, mà chỉ làm tăng cơ hội phát hiện các ca dương tính vốn đã mắc phải trong cộng đồng từ trước đó.

Tác giả: Nguyễn Khởi Quân, TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, Nhóm Y học cộng đồng

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ phủ nhận lây lan COVID-19 theo mùa

Trong một trận đại dịch, một loại vi-rút mới lạ sẽ lây lan nhanh chóng trong một quần thể mà chưa ai từng tiếp xúc với nó trước đó. Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ đã nhìn lại mười đại dịch cúm xảy ra trong vòng hơn 250 năm qua: có ba đại dịch bắt đầu vào mùa xuân, hai vào mùa hè, ba vào mùa thu và hai vào mùa đông.

Hầu như không có sự khác biệt theo mùa, và tất cả đều có đợt cao điểm dịch lần thứ hai khoảng 6 tháng từ sau khi virus xuất hiện, bất kể thời điểm xuất hiện lần đầu tiên là vào mùa nào.

Hay nói cách khác, họ đã gián tiếp phủ nhận sự lây lan theo mùa của COVID-19.

(*) Yếu tố nhiễu là gì?

Trong nghiên cứu, đôi khi các kết quả bị ảnh hưởng và thậm chí là sai lệch đi nhiều bởi những "yếu tố nhiễu".

Lấy một ví dụ để dễ hiểu, trước đây đã có những nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc uống cà phê và tăng nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên sau đó, họ phát hiện ra những người uống cà phê thường cũng có thói quen hút thuốc lá.

photo-5

Kết quả của nghiên cứu trên có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thói quen hút thuốc lá. Thậm chí, biết đâu chính hút thuốc lá mới trực tiếp làm tăng nguy cơ ung thư phổi, chứ không phải do việc uống cà phê? Người ta gọi hút thuốc lá ở ví dụ này là một yếu tố nhiễu ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa thói quen uống cà phê và nguy cơ ung thư phổi.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2870397/

2. https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/26/9/20-1806_article#r7

3. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/tbed.13631

4. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/gean.12241

5. https://www.annualreviews.org/doi/10.1146/annurev-virology-012420-022445

6. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0048969720317149?via%3Dihub

7. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0048969720324335?via%3Dihub

8. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32335407/

9. https://jamanetwork.com/journals/jamanetworkopen/fullarticle/2767010?utm_campaign=articlePDF&utm_medium=articlePDFlink&utm_source=articlePDF&utm_content=jamanetworkopen.2020.11834

10. https://journals.plos.org/plospathogens/article?id=10.1371/journal.ppat.1003194

11. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0048969720325146?via%3Dihub

12. https://journals.plos.org/plosmedicine/article?id=10.1371/journal.pmed.1001552

13. https://www.oxfordmartin.ox.ac.uk/downloads/academic/The-Challenge-of-Using-Epidemiological-Case-Count-Data-The-Example-of-Confirmed-COVID-19-Cases-and-the-Weather.pdf

14. https://www.nap.edu/catalog/25771/rapid-expert-consultation-on-sars-cov-2-survival-in-relation-to-temperature-and-humidity-and-potential-for-seasonality-for-the-covid-19-pandemic-april-7-2020

15. https://science.sciencemag.org/content/369/6501/315/tab-pdf

16. https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-does-weather-affect-covid-19?fbclid=IwAR0Wb_nPRcg6VCNzz71tCndvYXh5j8_YKqMQi_IesvfKScBa3WhRMyjFwPk

17. https://www.gso.gov.vn/SLTK/Menu.aspx?rxid=8f161760-9ba0-4c6d-8898-fdef1a92c072&px_db=01.+%c4%90%c6%a1n+v%e1%bb%8b+h%c3%a0nh+ch%c3%adnh%2c+%c4%91%e1%ba%a5t+%c4%91ai+v%c3%a0+kh%c3%ad+h%e1%ba%adu&px_type=PX

Tác giả: Nguyễn Khởi Quân, TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược Huế, Tổ chức Y học Cộng đồng)

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/covid-19-vi-do-cua-ha-noi-va-mat-xco-va-tao-khac-biet-gi-voi-vu-han-ket-luan-gay-choang-vang-cua-dai-hoc-oxford-viet-gi-16220210907563205.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang