Hơn 70 tuổi, cụ bà Nguyễn Thị Cấm (sinh năm 1937, sống ở P. Thạnh Lộc, Quận 12, TP.HCM) mới bắt đầu làm quen lại với con chữ để “cho bằng con cháu trong nhà”.
“Hồi còn trẻ, bà đã được học chữ nhưng lúc đó chiến tranh phải lo miếng cơm manh áo cho gia đình, không có thời gian ôn luyện nên bà mình đã quên hết. Hiện tại, con cháu đã thành đạt, gia đình êm ấm rồi nên bà mới có thời gian để học đọc chữ lại. Bà cũng muốn học chữ để cho bằng con cháu trong nhà, để chồng con không xem thường mình”, bạn Lê Quỳnh Như - cháu nội của bà Cấm chia sẻ với Infonet.
Bà Cấm cùng cháu đọc sách
Tháng 9 năm ngoái, trong nhà có cậu cháu trai tên Quang Nhật vào lớp 1. Vì dịch bệnh phức tạp nên Nhật học trực tuyến tại nhà. Thế là bà Cấm được dịp học ké, nào học viết chữ, nào học làm văn.
“Hai 'học trò' một 8 tuổi, một 80 tuổi lõm bõm đặt câu với nhau, rồi em mình còn viết hẳn một quyển vở rèn chữ ghi tên học trò là bà ngoại, kêu bà là học trò, xưng thầy”, bạn Quỳnh Như chia sẻ.
Cụ bà cặm cụi tập viết |
Theo bạn Quỳnh Như chia sẻ, từ khi quyết tâm học chữ, cái gì trong nhà bà cũng mang ra đọc. Hết đọc báo giấy cho đến truyện ngắn, truyện dài như Hạt giống tâm hồn đến Tích xưa truyện cũ, Đất rừng Phương Nam, Hồng lâu mộng… có khi đọc cả Harry Potter nữa, mà đọc không hiểu thì gọi mấy đứa cháu ra chỉ cách đọc với giải thích từ ngữ. Bà đọc thành tiếng, mà đọc rất chậm, đọc gần hết tủ sách của các con. |
Dù đã biết đọc nhưng cụ bà viết vẫn còn chậm và hay sai chính tả. Thấy cháu trai ở nhà có quyển vở tập viết, bà Cấm cũng học theo, cả hai bà cháu cùng tập đặt câu, làm văn. Có những hôm hai bà cháu quấn quýt bên nhau, thỉnh thoảng “thầy” lại khen “học trò”: “Đẹp rồi đó, ngoại cố lên”. Thậm chí, nhiều khi cháu trai đã đi ngủ, bà vẫn cặm cụi tập viết một mình.
Cuốn vở đặc biệt là biểu tượng của tinh thần hiếu học |
Bà Cấm chăm chỉ đọc sách sau khi biết đọc, viết
“Cả ông bà mình đều là người chịu thương chịu khó, chỉ làm nông, nuôi đàn con 10 đứa ăn học. Nghèo khó, nhưng con muốn mua máy tính để học hành, bà cũng ráng lo, không bao giờ than thở. Bà chính tấm gương cho con cháu không ngừng cố gắng học hành, làm việc. Không chỉ giữ tinh thần hiếu học đến tận tuổi xế chiều, bà Cấm còn khiến nhiều con cháu ngưỡng mộ bởi đức tính chịu thương chịu khó và hết lòng vì gia đình, con cháu.
Thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ lười, các cô bác lại nói 'các con nhìn ngoại coi, tóc đã bạc trắng ngoại còn muốn học, muốn biết thêm, sao các con lại không chịu học' là tụi nó nghe lời”, bạn Quỳnh Như chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.