Cùng là giáo dục, tại sao bố mẹ phạt quỳ con cái được, giáo viên lại không?

Vừa đăng tải được một vài phút, lời tâm sự này ngay lập tức đã có đủ “gạch đá” để xây nhà.

Khi học sinh phạm lỗi, phạt thế nào cho đúng? Câu hỏi này là muôn thủa và luôn gây ra những tranh luận trái chiều. Trước đây, người ta cho rằng, phải phạt nặng thì học sinh mới sợ, mới không dám tái phạm. Bằng chứng là học sinh ngày xưa đi học vẫn thường xuyên bị các thầy cô xử phạt thẳng tay và đa phần vẫn nên người. Thậm chí, khi đã trưởng thành và suy nghĩ lại, nhiều người thậm chí còn cảm ơn những hình phạt đó. Tuy nhiên, quan điểm giáo dục hiện đại lại cho rằng: việc này khiến các em trở nên sợ hãi với trường học, mất hứng thú với việc học và chắc chắn là ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ.

Thời gian qua, nếu chịu khó theo dõi báo chí, bạn sẽ thấy khá nhiều các vụ giáo viên phạt học sinh bằng các hình thức phản cảm như: xé vở, phạt quỳ, mắng nhiếc… gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Và trong câu chuyện lần này, sự phẫn nộ lại một lần nữa được đẩy đến đỉnh điểm khi một cô gái đã đăng đàn bênh vực người bạn giáo viên đang bị kỷ luật vì phạt quỳ học sinh.

Theo đó, cô gái này giải thích: Bạn mình là giáo viên, có phạt quỳ một học sinh hư và đã bị phụ huynh học sinh đó kiện lên Ban giám hiệu (BGH) rồi cả phòng giáo dục. Việc này làm giáo viên mất tâm huyết với nghề vì cho rằng nghề bạc bẽo.Trẻ con bây giờ em nói thật, không phạt, không mắng, không răn đe liệu giáo dục được không? Sau là học sinh (con của anh chị) sẽ có suy nghĩ: “Tao không sợ cô, cô làm gì tao tao méc mẹ…”. Như vậy có giáo dục được trẻ? Tiếp đến giáo viên sẽ có thái độ thờ ơ vì nhiệt tình nhắc nhở, phạt răn đe sẽ bị phụ huynh kiện tụng này nọ vậy nên học được thì học, không học được thì kệ. Phá cũng kệ, cuối năm lên lớp là được. Vậy người chụi thiệt là ai?

Ngoài ra, cô gái này cũng khẳng định: "Ở nhà chỉ có 1 - 2 con, anh chị kèm đã mệt, cũng có đòn roi hay phạt quỳ đứng.... Vậy tại sao giaó viên đụng đến con em anh chị, anh chị lại đối xử như vậy với họ"?

Lời bao biện của cô gái này cho người bạn giáo viên của mình tưởng như khá hợp tình, hợp lý, bởi lẽ, tất cả những hình phạt mà giáo viên đang áp dụng, cốt cũng để học sinh tốt hơn. Thế nhưng, có lẽ, cô gái này cũng như nhiều giáo viên khác quên mất rằng: giáo dục có rất nhiều cách và không bao giờ nên dùng một hình thức giáo dục phản cảm để uốn nắn học sinh. Như thế là cái sai nọ, đè cái sai kia.

Thế nên, chỉ sau khi đăng đàn tâm sự được vài phút, cô gái này đã nhận đủ “gạch đá” để xây nhà.

Bạn Thiên Hương phân tích: “Vậy bạn về hỏi cô giáo đấy đúng 1 câu nhé: nếu con cô giáo bị phạt quỳ ở lớp trước mặt các bạn thì cô giáo sẽ thấy như thế nào? Mọi hình phạt là để làm cho trẻ hiểu lỗi mình sai và rút kinh nghiệm. Không phải phạt để con ảnh hưởng đến tâm lý”.

Về lý lẽ mà cô gái đưa ra: Tại sao bố mẹ phạt quỳ con được, mà giáo viên lại không, bạn An Nhiên giải thích: “Nếu ngoan ngoãn đã không phải đến trường để học, giáo viên được đào tạo để dạy dỗ, nét chữ nét người cho học sinh, chứ không phải đụng cái là bắt quỳ. Thiếu gì hình thức phạt?”

Là người đã từng nếm trải hình phạt khắc nghiệt của giáo viên ngay trước lớp, bạn My Hà Lê nhấn mạnh: “Mình không đồng ý với cách dậy dỗ bắt trẻ con quỳ như thế trên lớp. Chính bản thân mình hồi lớp 2 vì hôm đó cô kiểm tra vở tập viết mình không chép đủ, thế là vừa bị ăn 1 cái tát trước lớp và phải quỳ ngay tại bục giảng. Năm đó, mình lớp 2 nhưng vẫn nhớ đến tận bây giờ. Xấu hổ lắm, bị ăn đánh về không dám nói với bố mẹ đâu. Nhưng cảm giác vẫn ghét cô giáo đó đến tận giờ. Còn nếu con hư, cô giáo có thể phạt đứng góc lớp 5-10 phút cho bé nhớ, hoặc trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Cô giáo là nghề được tôn trọng nhất nhì trong xã hội thì cũng nên cư xử dạy con trẻ sao cho hợp tình hợp lí. Bản thân giáo viên chưa đúng thì tại sao lại trách phụ huynh kiện như thế?”

Thiết nghĩ, giáo viên là một nghề nhiều áp lực, thế nhưng, không thể lấy lý do đó để “trút” lên trẻ. Và chắc chắn, càng không thể lấy lý do phạt thật nặng cho trẻ sợ, không dám tái phạm lần sau để bào biện cho những phút giây thiếu kiểm soát của giáo viên.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang