Người dân khắp thế giới nhìn vào Hàn Quốc với sự phát triển giáo dục thần tốc, điểm số cao ngất ngưởng trong những bài kiểm tra quốc tế PISA test. Nhưng với các bậc phụ huynh và học trò nơi đây, cuộc chiến giành được một suất vào các trường đại học hàng đầu quả thật là nỗi ám ảnh.
Ước mơ của họ gói gọn trong 3 chữ vàng S.K.Y - tên viết tắt của ba trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Nhưng áp lực thi vào đó cũng thật khủng khiếp được khắc họa trong kiến giải nổi tiếng "4 đỗ - 5 trượt". "Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Còn nếu ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm cuối cấp, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cổng trường đại học".
Chuyện về những học trò học 16 tiếng/ngày, giam mình trong phòng biệt giam trắng
Kỳ thi Seung (viết tắt là CSAT) là kỳ thi Đại học ở Hàn Quốc kéo dài 8 giờ đồng hồ bao gồm các môn: Ngôn ngữ, Toán học, Khoa học, Khoa học Xã hội và Tiếng Anh mà bất cứ học sinh Hàn Quốc nào cũng trải qua để theo học những trường danh tiếng.
"Seung" quan trọng đến mức mà vào ngày này, máy bay sẽ ngừng bay, quân đội ngừng tập trận, thành phố huy động toàn nhân lực dẹp thông đường để sĩ tử toàn tâm đến trường làm bài thi.
Các bậc phụ huynh sẽ đến những nơi linh thiêng cầu bái cho việc học của con cái, trong khi học trò khóa dưới tập trung quỳ gối trước cổng trường cổ vũ cho các anh chị lớp 12.
Tất cả đều thành tâm cầu cho thí sinh gặp nhiều may mắn, tránh sai sót trong quá trình làm bài.
Một ngày điển hình của học sinh cuối cấp ở Hàn kéo dài 16 tiếng/ngày khi bắt đầu từ 8h sáng đến 10h khuya. Vào các ngày cuối tuần, nhiều học sinh phải học liên tục 5 - 6 ca. Việc ngủ sớm trước 22h là điều xa xỉ khiến học trò bị đánh giá nhất định sẽ thi trượt đại học.
Để đỗ đạt cao, việc thi đại học của nhiều người đã bắt đầu từ những năm tháng trung học. Năm lớp 9, nữ sinh Yewon đã đặt nguyện vọng đỗ vào trường tư thục ở Seoul - nơi có tỷ lệ đỗ Đại học Y cao bậc nhất.
Để làm điều đó, Yewon đề cao việc học đến mức hạn chế tối đa thời gian đi vệ sinh, ăn uống và ngủ chưa đến 3 tiếng/ngày. Để đảm bảo tỉnh táo, Yewon mua rất nhiều lon cà phê giấu trong ngăn bàn uống dần. Mỗi ngày Yewon đều chép sách giáo khoa không ngừng nghỉ đến mức nhắm mắt cũng có thể viết ra, đến khi bàn tay mỏi nhừ thì lấy chun buộc vào cổ tay để dùng lực kéo viết tiếp.
Học sinh trung học Hàn Quốc thích phân các học sinh thành 3 thành tích học "thượng" - "trung" - "hạ" và những học trò ở tầng lớp "hạ" nếu không cố gắng sẽ phải nhận cái nhìn miệt thị của các bạn cùng lớp. Yewon là học sinh tỉnh lẻ nên luôn ý thức trong cuộc đua không cùng vạch xuất phát này, em phải nỗ lực gấp 10 lần người bình thường. Đó không chỉ là tranh giành điểm số mà còn là giấc mộng đổi đời, thay đổi trật tự lớp học và địa vị xã hội.
Yewon cày ngày cày đêm cho việc học.
Nữ sinh buộc chun vào tay để tạo lực kéo viết bài tiếp trong trường hợp tay mỏi nhừ.
Bàn tay trầy xước da do cầm bút quá lâu.
Không chỉ học sinh mà các phụ huynh cũng quan tâm thi cử đến mức sẵn sàng "lách luật". Năm 2008, giới chức Seoul cấm các cơ sở giáo dục tư nhân không được phép hoạt động sau 22 giờ đêm, kể cả các lò luyện thi đại học. Được sự cho phép của cha mẹ, các học viên đã "lách luật" bằng cách bí mật ký hợp đồng với các quán cà phê gần đó để học hành thâu đêm.
Dù thuộc tầng lớp nào, cha mẹ Hàn Quốc đều không tiếc tay chi hàng triệu won/năm để cho con em theo học trung tâm. Thậm chí với giới nhà giàu, mô hình này còn ở cấp bậc khác, "giam" con trong lò luyện đắt đỏ.
Đó là những phòng học thông minh khép kín ở trung tâm Sparta Center. Nơi đây được đóng - mở theo ca, có camera giám sát 24/24 và đóng cửa cách biệt để tạo sự yên tĩnh tuyệt đối. Lớp học được đóng mở theo ca kéo dài từ 60 - 100 phút, xen kẽ 10 - 15 phút nghỉ giải lao. Đặc biệt các phòng học này chỉ đóng - mở đúng thời gian mỗi ca, tức là dù học viên có mệt mỏi hay muốn đi vệ sinh cũng không thể xin ra ngoài.
Những phòng học đóng kín để tạo sự yên tĩnh tuyệt đối cho việc học bài của sĩ tử.
Học trò ám ảnh đến mức phải thôi miên để trấn tĩnh, nhiều em stress dẫn đến tử tự
Áp lực từ gia đình khiến những đứa trẻ tuổi 17, tuổi 18 cảm thấy trống rỗng, mất phương hứng nghĩ về tương lai. Theo báo cáo của tổ chức ChildFund Korea, cứ 4 học sinh Hàn Quốc lại có một em không đủ thời gian nghỉ ngơi.
Nhiều em gặp các vấn đề sức khỏe và tâm lý đến mức phải dùng thuốc an thần, nhưng việc lạm dụng lại càng khiến bệnh tình trầm trọng hơn, thậm chí để lại di chứng. Một bác sĩ tâm lý đã phải áp dụng biện pháp thôi miên cho trường nội trú Deung Yong Moon (Kwangju) giúp học sinh lấy lại cân bằng và ổn định tinh thần.
Bác sĩ dùng phương pháp thôi miên để giúp học sinh trấn tĩnh khi học hành căng thẳng.
John Lie - Giáo sư Xã hội học tại Đại học California (Mỹ) phân tích việc học cả ngày lẫn đêm như người trẻ tại Hàn Quốc gây hệ quả tồi tệ lên tinh thần, bất chấp việc Chính phủ nước này tìm cách cải thiện mức độ hạnh phúc của thanh thiếu niên.
“Những người trẻ này dành 25 đến 30 năm đầu đời chỉ để học và thi, cuối cùng lại chấp chới khi bước ra thế giới thực. Đó là khi họ nhận ra cuộc sống không phải bài kiểm tra trắc nghiệm có đáp án cho họ khoanh sẵn và cơn khủng hoảng sẽ bùng nổ” - ông cho hay.
Để giảm tải áp lực, một số trường đại học cũng đang tìm cách đổi mới phương pháp tuyển sinh bằng cách kết hợp nhiều tiêu chí khác ngoài kết quả học tập song sự thật, các thay đổi này vẫn ở mức độ hời hợt, chưa có nhiều tác động.
Học sinh đứng viết để tránh tình trạng buồn ngủ.
Tấm bằng đại học chưa bao giờ là đủ
Một thực tế phũ phàng, việc "cày ngày cày đêm" cũng chưa chắc đem lại cho sĩ tử Hàn một tấm vé vào S.K.Y. Chỉ 2% thí sinh lọt vào trường danh giá nhất, trong khi 70% khác vẫn tiếp tục bước chân vào các trường đại học - cao đẳng. Theo ước tính, có 20% học sinh thi lại mỗi năm, thậm chí có em thi đến lần thứ 3.
Hàn Quốc vô cùng ưa chuộng các bài kiểm tra chuẩn hóa, lấy đó làm thước đo năng lực và phẩm chất cá nhân. Vậy nên kể cả khi đỗ đại học và ra trường, bạn vẫn phải tiếp tục làm các bài thi khác như bổ sung chứng chỉ, thăng chức, lên lương...
Không thể phủ nhận xã hội Hàn có học vấn cực cao khi 2/3 người dân trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng cấp Cao đẳng trở lên (tỷ lệ cao nhất trong các nước OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng đắt khi người trẻ chọn cách hoãn các hoạt động xã hội như ăn uống, hẹn hò... thậm chí nhiều người còn từ chối kết hôn khi học vấn chưa đạt.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính áp lực đã tạo nên văn hóa và sức mạnh ngầm của Hàn Quốc. Đó là kết quả cho chuỗi những "ông lớn" Samsung, Huyndai... phát triển mạnh ra thế giới. Những người trẻ ở độ tuổi 30-35 nhưng đã có học vị Thạc sĩ - Tiến sĩ, kiến thức uyên sâu trên nhiều lĩnh vực.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng Nho giáo, nên Hàn Quốc đã dần biến tinh thần áp lực học hành thành đòn bẩy để toàn người dân cùng học hành và phát triển. Tư tưởng học tập căng thẳng đã dần in sâu vào tâm trí và quả thật chỉ cùng lúc thay đổi cả nền giáo dục, và cách suy nghĩ của xã hội thì mới có khả năng vơi bớt đi gánh nặng học tập của thanh thiếu niên Hàn.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.