Khánh Ly và nhạc Trịnh – mối quan hệ của lịch sử, không thể tách rời
Khánh Ly là đại danh ca của Việt Nam, một tiếng hát của lịch sử, văn hóa và dân tộc. Bà được xem là mắt xích quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới tiến trình âm nhạc Việt Nam nói chung và tân nhạc nói riêng suốt hơn nửa thế kỷ qua, ghi dấu ấn sâu sắc với cả khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Cuộc đời và sự nghiệp của Khánh Ly là cả một pho sách đồ sộ gắn cùng lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt một giai đoạn đầy biến động, thăng trầm, với vô vàn chủ đề bao quát như tình yêu đôi lứa, đất nước, chiến tranh, hòa bình, triết lý, triết học, nhân sinh, nhân loại.
Tầm vóc Khánh Ly là tầm vóc của người hát lên nỗi lòng thế hệ, đất nước, dân tộc và thậm chí vươn tới nhân loại trong cả một thời kỳ biến động, đau thương, chứ không đơn giản chỉ là một ca sĩ.
Như đã nói, bản thân Khánh Ly là một tượng đài tồn tại một cách độc lập với vị thế riêng có, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, một phần không nhỏ trong sự nghiệp Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh và chính nhạc Trịnh góp phần lớn thúc đẩy tên tuổi của bà lên tới đỉnh cao nhất.
Bản thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng nói:
"Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa.
Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Qua lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có thể thấy, chính ông đã nhận ra Khánh Ly là một cơ duyên kỳ lạ, một phần không thể tách rời với âm nhạc của mình. Bởi thế, tự tay ông đã viết những ca khúc dành riêng cho giọng hát Khánh Ly, chứ không phải một ca sĩ nào khác.
Thực tế đã chứng minh, trong suốt nửa thế kỷ qua, đã có cả trăm, cả ngàn ca sĩ hát nhạc Trịnh, từ bậc danh ca lớn như Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… tới hàng Diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần…, hay những ca sĩ danh tiếng như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà…
Thậm chí, cả những nghệ sĩ underground như Hà Lê cũng dùng nhạc Trịnh để thể nghiệm. Nhạc Trịnh giống như một thước đo, kho tàng và nguồn cảm hứng bất tận để giới nghệ sĩ khai thác, thể hiện tiếng hát, phong cách của mình. Họ đưa nó đi khắp các thể loại từ Blued, Jazz, Soul tới World Music, Dance…
Thế nhưng, chưa một tiếng hát nào gây tiếng vang rộng lớn, vươn ra nước ngoài và gắn chặt như hình với bóng cùng nhạc Trịnh như Khánh Ly. Chỉ duy nhất Khánh Ly là người thu âm nhạc Trịnh bán tới 2 triệu album tại Nhật, đi khắp thế giới trình diễn và được yêu quý.
Khánh Ly hát nhạc Trịnh không phải duy nhất, hoàn hảo nhất. Đâu đó vẫn có những lời khen, tiếng chê, so sánh với người nọ người kia. Nhưng trên tất cả, Khánh Ly vẫn là người được chính Trịnh Công Sơn lựa chọn từ đầu và đem đến đỉnh cao, danh tiếng cho nhạc Trịnh bằng tiếng hát của mình.
Không những vậy, mối quan hệ giữa Khánh Ly và nhạc Trịnh còn là mối quan hệ của lịch sử, gắn với nhiều biến động, phong trào văn hóa, tư tưởng, ý thức hệ của cả một thế hệ (văn hóa hiện sinh, phản chiến, triết học…), chứ không chỉ đơn giản là giữa ca sĩ và nhạc sĩ.
Vì vậy, cần thiết phải nhìn nhận, bình giá về mối quan hệ giữa Khánh Ly và nhạc Trịnh một cách toàn vẹn.
Từ cuộc gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn
Theo lời Khánh Ly, bà gặp Trịnh Công Sơn lần đầu vào năm 1965, tại một phòng trà ở Đà Lạt. Khi ấy, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều là hai nghệ sĩ lang bạt, chưa có tên tuổi, danh tiếng.
"Ông Trịnh Công Sơn ngày đó đẹp trai lắm, ở ngoài đẹp trai hơn trong hình nhiều. Ông còn nho nhã, dịu dàng, phong cách, nhìn một cái là có cảm tình, tin cậy được. Nhưng đó là sự tin cậy trong sáng, chứ không phải có tà ý hay phải lòng gì" – Khánh Ly nhớ lại ấn tượng đầu tiên với Trịnh Công Sơn.
Về phía mình, Trịnh Công Sơn cho rằng, cuộc gặp gỡ định mệnh ấy là may mắn cho cả hai người. Ông nói: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly.
Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly".
Trịnh Công Sơn ngay từ đầu đã rất mê tiếng hát độc đáo và con người mộc mạc như giàu sức sống của Khánh Ly, ông dặn bà: "Phải giữ nguyên chất hát đó, làm gì thì làm nhưng vẫn phải giữ được nụ cười".
Vị nhạc sĩ tài hoa cũng năm lần bảy lượt ngỏ lời mời Khánh Ly về Sài Gòn, nhưng bà từ chối vì: "Em ở Đà Lạt yên ổn rồi, làm đủ tiền để sống và chỉ muốn như thế thôi, không muốn nhiều tiền hơn và cũng không nghĩ sẽ được ai biết đến".
Bẵng đi hai năm sau, tới một chiều năm 1967, Khánh Ly đang dạo bước trên đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn) thì tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn và được ông mời đi hát tại sân cỏ của trường Văn khoa.
Đó chính là buổi diễn định mệnh, nơi Khánh Ly đi chân đất để hát những khúc tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn, được ông đứng đệm đàn phía sau, tạc nên tượng đài về Nữ hoàng chân đất in sâu trong lòng công chúng. Bà kể:
"Tôi chẳng biết mình hát cho ai, có tiền không, cứ nghe bảo là đồng ý đã. Đêm hát đầu tiên của tôi là năm 1967, trên sân cỏ của trường đại học Văn khoa. Tại đó, cỏ đá lởm chởm, ai đến thì ngồi xuống nghe, mỗi người một chỗ.
Tôi vừa đến nơi thì choáng ngợp vì quá đông người, khiến tôi sợ hãi. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến thế. Cái sợ đó đeo đuổi tôi tới tận bây giờ. Bây giờ, cứ mỗi lần ra sân khấu, tôi vẫn run và sợ như thường.
Lúc đó, vì run quá nên tôi quyết định bỏ giày ra để đứng cho đỡ chông chênh. Tôi nhớ về thời còn đi chân đất chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh. Đó là hành động tình cờ, chứ không phải chủ đích của tôi là bỏ giày. Tôi đâu dám nghĩ chuyện làm dáng, làm màu, chỉ tìm cách để hát được thôi.
Tôi nhớ, lúc đó tôi còn không biết nhạc, không thuộc lời, hát trật lên trật xuống. Tôi sợ quá nên vịn vai ông Trịnh Công Sơn thì ông hất tay tôi ra nói: "Đứng hát cho đàng hoàng".
Kể từ buổi diễn này, cái tên Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã gây chú ý tới khán giả và báo giới. Hình ảnh Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất, cất giọng mộc mạc hát nhạc Trịnh đã thu hút công chúng trong và ngoài nước.
Rõ ràng, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều đã đi biểu diễn nhiều nơi trước đó, nhưng chỉ đến khi kết hợp lại cùng nhau, họ mới tạo nên kỳ tích. Đó là thứ kỳ tích về giai điệu, giọng hát, chất nhạc và quan trọng hơn cả là gắn chặt với thời đại, mang dấu ấn của lịch sử (sẽ nói rõ hơn trong phần sau).
Từ những buổi diễn bình dị, đơn sơ như vậy, Khánh Ly bước vào phòng thu thu âm hàng trăm bài nhạc Trịnh khác nhau, từ tình ca tới các ca khúc về nhân sinh, xã hội, triết lí, đời sống… Trong đó, nổi bật nhất là băng nhạc Sơn ca 7.
Các băng đĩa nhạc Trịnh do Khánh Ly thu thanh được phát hành với số lượng lớn, tiếp cận đến nhiều tầng lớp khán giả khác nhau và ra cả nước ngoài. Nhờ đó, tên tuổi của cả hai dần nổi tiếng. Nhạc Trịnh được nhiều ca sĩ khác tìm đến hát, còn Khánh Ly cũng có cơ hội đi diễn nhiều nơi.
Có lần, Khánh Ly còn được mời sang Nhật để trình diễn ca khúc Diễm xưa. Hình ảnh người con gái Việt Nam da vàng tóc đen dài, mặc áo dài trắng tinh khôi đứng giữa đất Nhật hát nhạc Trịnh đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ.
Sau 1975, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn xa cách, một người ở lại Việt Nam, một người lập nghiệp tại hải ngoại. Cả hai ít có cơ hội gặp nhau, nhưng vẫn luôn sống trong sự nghiệp của nhau.
Ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn sáng tác bài gì mới cũng gửi sang cho Khánh Ly hát. Tại hải ngoại, Khánh Ly tiếp tục thu âm, biểu diễn nhạc Trịnh, lấy nhạc Trịnh gây dựng lại sự nghiệp cho mình.
Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, từ cô nữ sinh tinh trắng, nàng ca sĩ hồn nhiên, gái vũ nữ kiều diễm, tới cả giáo sư người Nhật uyên bác
Trịnh Công Sơn không thể sống mà không yêu. Với ông, dù hạnh phúc hay đau khổ thì con người vẫn luôn muốn yêu. Đúng như lời ông nói: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
Bởi vậy, ông chọn cách yêu thật nhiều để chống lại cái định mệnh đau khổ trong đường tình duyên của mình. Ông yêu để "thoát khỏi giả dối", để sống thật với mình và tìm kiếm sự đền bù.
Nhưng cũng chính vì thế mà khán giả cứ mãi thắc mắc, tại sao Trịnh Công Sơn không yêu Khánh Ly với tình yêu đôi lứa, mà chỉ nhận bà là tri kỉ, dẫu cho bà là định mệnh vĩnh viễn không thể vắng trong cuộc đời ông.
Khánh Ly chưa bao giờ nói yêu Trịnh Công Sơn, nhưng đã từng ngụ ý rằng: "Tôi yêu Huế, bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu". Khánh Ly không ngô nghê tới mức nhắc lại mình yêu Huế hai lần trong một câu nói.
Nếu vế đầu đã nói yêu Huế, thì về sau sẽ là một tình yêu nảy mầm từ trước, khiến bà nhờ đó mới "yêu được Huế".
Tình yêu mà Khánh Ly ẩn ý nhắc đến đó, còn ai khác ngoài người nhạc sĩ xứ Huế đã theo bà suốt một đời cầm ca, chia sẻ cho bà từng bát cơm, tấm áo, tới bẻ đôi nốt nhạc để sống qua gian khó:
"Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một li cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất".
"Anh gầy quá. Tôi bước lại gần anh hơn. Rất nhẹ nhàng tôi cúi xuống nhìn sát mặt anh. Tôi không nghe thấy hơi thở của chính mình.
Tự dưng tôi muốn hôn lên trán anh. Tôi không làm thế. Tôi muốn nắm lấy bàn tay rất gầy có những ngón thon dài đặt lên ngực. Tôi không làm thế". – Khánh Ly nhớ lại lần gặp đầu tiên ở Canada sau nhiều năm xa cách.
Một lần khác, bà lại nói: "Anh gầy hơn xưa, những tưởng chẳng còn có thể gầy hơn nữa. Anh trầm lặng như tượng đá. Ánh mắt xa vắng, nụ cười vu vơ khiến tôi đau lòng. Sao anh không khóc đi… Ôi, làm sao trả lại cho anh, cho tôi, cho chúng tôi những tháng ngày đã mất".
Qua lời kể của Khánh Ly, ta thấy được sự chân thành trong tình yêu của bà dành cho Trịnh Công Sơn. Chỉ có những người yêu nhau thực lòng mới xót xa, đớn đau cho cái gầy gò, xanh xao của nhau, mới yên lặng nhìn sâu vào nhau tới mức nghe thấy cả hơi thở của mình như thế.
Nhưng trong Khánh Ly có lẽ luôn tồn tại một vật cản nào đó, khiến bà trở nên nhút nhát, ngại ngùng, không dám vượt quá giới hạn, kể cả khi chỉ có hai người bên nhau. Bà muốn trao chút hơi ấm tình thương cho người mình yêu, nhưng không thể.
Khánh Ly không muốn bước qua vật cản này. Cái bóng quá lớn của tượng đài nhạc Trịnh, của tiềm thức công chúng trong suốt nhiều thế hệ đã gò bà vào một cái lồng sắt, để cầm tù tình yêu của bà.
Chính bà đã phải cay đắng thốt lên: "Chưa thoát ra được. Không thoát ra được. Không muốn thoát ra. Còn muốn cố gắng bao che, tự lừa dối mình cũng chỉ là một cơn mộng. Đêm sẽ qua, mộng sẽ tàn. Ta sẽ tỉnh".
Với Khánh Ly, tình yêu này chỉ như một giấc mộng đi từ tuổi thanh xuân đến tuổi đá buồn. Nó đẹp và nên thơ, khiến bà say trong men rượu. Nhưng đến phút cuối cùng, bà chợt nhận ra, nó chỉ là mộng trong cơn say mà thôi.
Về phía Trịnh Công Sơn, ông từng chia sẻ: "Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi, cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Với Trịnh, những ca khúc ông sáng tác chính là sinh mệnh, tình yêu, là cách cửa giúp ông giao lưu với thế giới loài người và "diễn đạt tâm tưởng mình". Đó là tình yêu lớn nhất trong tâm hồn ông. Nói như vậy tức là Trịnh đã sớm coi Khánh Ly như một nửa linh hồn của mình.
Khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hỏi Trịnh Công Sơn về tình yêu với Khánh Ly, ông chỉ cười và hát: "Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Trong câu hát này là cả một trời ẩn ý về người bạn "định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau" của ông (chữ dùng của Trịnh Công Sơn khi nói về mối quan hệ với Khánh Ly).
Tình Ca Trịnh Công Sơn - Khánh Ly (Live Quán Văn 1967)
Với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu đương như những bóng hồng lướt qua cuộc đời ông, mà còn là nơi để ông nương tựa về tâm hồn, nghệ thuật, đi cùng nhau suốt những năm tháng thanh xuân trong cõi giang hồ, để rụng về cội vẫn còn mãi bên nhau.
"Tôi không biết uống rượu nhưng mỗi lần thấy Trịnh Công Sơn uống, tôi đều rót từ ly của ông sang ly của tôi Tôi sợ ông uống nhiều, ông bệnh.
Ông thấy tôi rót rượu sang như vậy, chỉ cười rồi lại tự rót tiếp vào li của mình. Rốt cục, cả hai anh em cùng uống.
Những đêm khuya về, chẳng còn ai cả, chỉ còn mình ông, thì ông bắt đầu ngồi vẽ. Nhiều khi tôi muốn có một bức tranh được vẽ bởi Trịnh Công Sơn mà không dám nói. Nếu nói ra ước mơ của mình mà bị ông từ chối thì đau lòng lắm.
Trịnh Công Sơn là người yêu cái đẹp, chỉ có cái đẹp trong cuộc sống là chinh phục ông được thôi. Có lần, ông kể với tôi về một người đi xa đã lâu trở về thăm ông. Ông nói: "Giá mà đừng về".
Nghe xong, tôi hiểu và cố tránh để ông thấy tuổi già của mình. Ai cũng phải già, Trịnh Công Sơn cũng vậy. Nhưng ông yêu cái đẹp nên tôi muốn tránh được chừng nào thì tốt chừng ấy.
Ông Trịnh Công Sơn nói "cần có một tấm lòng", tôi chỉ vâng lời một cách im lặng, giữ trong lòng, nhưng không nghĩ được nhiều về nó. Tôi chỉ biết ông đang dạy mình những điều tốt" – Khánh Ly chia sẻ.
Khánh Ly - Gọi Tên Bốn Mùa - Sơn Ca 7
Trịnh Công Sơn yêu Khánh Ly có lẽ đặc biệt hơn nhiều người con gái khác. Không những dòng thư tay, không câu chữ bay bướm vì họ đã quá gần nhau để hiểu nhau rồi. Chỉ cần lặng nhìn nhau qua ánh mắt, hay đơn giản là bước đi cùng nhau, cũng đủ trao nhau cảm xúc yêu thương và thấu hiểu rồi.
Bởi vậy mới có chuyện, "cả hai không có những thắc mắc về đời sống của nhau, bởi 30 năm trước đã không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi. Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi những điều cần nói, nếu có.
Anh im lặng cũng có thể vì những điều anh nghĩ, anh muốn, không còn cần thiết để phải nói ra"- Khánh Ly nói.
Khi ngôn từ đã quá chật hẹp để truyền đạt thông điệp giữa họ, thì chỉ cần đứng bên nhau là đủ. Khi ấy, tình yêu giữa họ đã vươn tới sự cao thượng.
Bằng sự cao thượng ấy, Khánh Ly chấp nhận đứng bên Trịnh Công Sơn trong vô vàn mối tình vô thường của ông và bà cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, chứ không hề có sự ghen tuông nào: "Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó.
Tôi không có lí do gì đế ghen tị cả. Nhạc của ông, nếu ông không đưa tôi, thì rồi tôi cũng sẽ hát. Trịnh Công Sơn đâu cấm ai hát nhạc của ông đâu, nên tôi không có lí do gì để ganh ghét, hơn thua với bất kì người nào đến gần ông. Ai đến với ông hay nhạc của ông, tôi đều mừng".
Cho đến nay, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều chưa thừa nhận về tình yêu giữa họ, nên mọi suy đoán vẫn chỉ là suy đoán. Khi được hỏi về tình yêu với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly nói:
"Đến giờ, nhiều người vẫn hỏi tôi và Trịnh Công Sơn có yêu nhau không, có tình cảm nam nữ không. Tôi không thể trả lời được. Vì nếu đã tin thì không hỏi mà đã hỏi thì không tin, nên tôi có trả lời cũng đến thế thôi.
Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời, nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này.
Nếu gọi là bạn, thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi".
Rất có thể, ý thức về sứ mệnh lịch sử của mình trong âm nhạc đã khiến Khánh Ly chọn đứng bên Trịnh Công Sơn như một người bạn. Đây là một thứ tình yêu lạ kỳ và cao thượng, yêu nhưng không phải yêu, giống như tri kỷ hơn.
Trong một đời, ai cũng nên có tri kỷ của mình, còn Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là cặp tri kỷ của lịch sử, định mệnh vĩnh viễn thuộc về nhau, thuộc về âm nhạc Việt Nam.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.