Những ngày cả nước đau đáu với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 cũng là những ngày cuộc sống vội vã như bị tua chậm lại. Có những điều người ta biết đó, hiểu đó nhưng guồng quay cơm áo gạo tiền quấn lấy chẳng thể nào còn tâm tư để nhìn những điều đang diễn ra xung quanh mình.
Ngay từ thời điểm đầu tiên khi toàn quốc chung tay thực hiện việc cách ly xã hội, mọi người gần như ngay lập tức nghĩ đến những phận người kém may mắn trong xã hội. Họ sẽ ra sao đây? Họ có đủ bữa ăn để qua từng ngày trong mùa dịch khi mà cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng bị bó hẹp hơn nữa?
Chính vì vậy, rất nhiều lòng hảo tâm, rất nhiều mạnh thường quân đã xắn tay áo lên để ủng hộ những món quà dù là nhỏ bé nhất. Dù không biết những sự hỗ trợ đó sẽ dìu dắt được bao nhiêu người và dìu dắt họ trong bao lâu, nhưng chí ít, đủ để những mắt xích kém may mắn này bước qua từng ngày một trong đợt cách ly xã hội.
Ở giữa lòng Thủ đô phồn hoa, người ta cũng đã nhắc nhiều về những khu ổ chuột, những phận người lo ăn từng bữa. Họ sợ đói hơn là sợ bệnh bởi lẽ bệnh thì còn phòng tránh được chứ đói thì chẳng biết phải làm sao.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của từng cá thể trong xã hội và họ, những cá thể yếu ớt nhất đương nhiên càng trở nên chật vật hơn nữa. Người ta nói mãi về những khó khăn nhưng khi đến tận nơi, chứng kiến tận mắt vẫn không khỏi chạnh lòng...
Tuổi già neo đơn, không người thân, không gia đình chỉ có "cậu vàng" bầu bạn
Đặt chân đến khu ổ chuột vào 1 buổi chiều muộn trong cái ngày thời tiết Hà Nội cứ khiến con người ta cảm thấy bức bách khó tả. Nhưng chỉ mới nhìn con đường dẫn đến khu của những người có hoàn cảnh khó khăn này thì cái bức bách đó dường như tiêu tan hoàn toàn, còn lại chỉ là sự ngỡ ngàng. Họ đã vật lộn như thế nào để trải qua từng ngày trong cuộc sống khó khăn đến như vậy?
Ngay dưới chân cầu Long Biên, khuất sau khu chợ đầu mối, nơi mà cả ngày lẫn đêm luôn sầm uất tấp nập các hoạt động buôn bán là những kiếp người khó khăn, cùng cực ngày ngày phải bươn chải để kiếm từng bữa ăn.
Ở đây tập trung rất nhiều người già, những người đã bước đến cái tuổi xưa nay hiếm, cái tuổi mà đáng lẽ họ nên được nghỉ ngơi trong sự quây quần của con đàn cháu đống. Nhưng mỗi sáng tỉnh giấc họ vẫn phải đau đáu lo lắng từng bữa ăn.
Chúng tôi gặp cụ Trần Thị Thắm, năm nay cũng đã đến 90 tuổi. Từ năm 1972 cụ đã từ Hải Dương ra Hà Nội mưu sinh. Đến nay, khi con cái đã chẳng còn mà cũng chẳng thể nhờ vả được các cháu, cụ 1 thân 1 mình đi khắp Hà Nội nhặt đồng nát để kiếm sống từng ngày.
"Đi lang thang khắp chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ đi nhặt đồng nát, hôm thì được 30.000 đồng hôm 25.000 đồng. Đợt dịch này không đi làm nhiều, đến những ngày cách ly xã hội thì không đi làm nữa nên chả biết trông cậy vào đâu, cũng may có các nhà hảo tâm cho gạo rồi cho đồ ăn. Tiền phòng tháng này phải khất chủ nhà 300 nghìn", cụ Thắm chia sẻ.
Điều khiến chúng tôi chẳng thể rời mắt là chú chó của cụ. Cụ thương nó lắm, nó thì cứ quấn quýt lấy cụ không rời. Những lúc cụ phân loại chai lọ đã nhặt nhạnh được, trông thật cô độc, quạnh quẽ thế nhưng chỉ thoáng thấy bóng dáng của chú chó kia là cụ vui tươi lên hẳn.
Tuổi già không gia đình, không người thân thích, cụ yêu thương gọi chú chó đó là "con", vỗ về như con cháu của mình. Cụ còn vuốt ve trêu chọc nó để tạo dáng chụp ảnh bằng những lời lẽ như nói với đứa con nít lên 5 lên 3 "Yêu con mà!", "Để bế con nhé!".
Chẳng biết cụ bà 90 tuổi này có bế nổi "cậu vàng" hay không vì xem ra cậu được cụ cưng chiều lắm, chú chó có lẽ chẳng mấy khi phải đói bởi cậu ta có 1 thân hình khoẻ mạnh.
Niềm vui tuổi già có đôi khi đơn giản lắm, điều đó dường như phần nào thể hiện trong ánh mắt trìu mến của cụ Thắm dành cho "cậu vàng", mặc cho xung quanh là những khó khăn vất vả cứ bủa vây.
Cuộc đời chưa 1 ngày nhàn hạ của người mẹ dứt ruột đem cho con gái và 1 mình nuôi đứa con trai khờ dại
Trong 1 góc nhỏ của khu là căn lều dột nát của bà Trần Thị Ba (73 tuổi, quê gốc ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định), người mẹ cả đời chưa có nổi 1 ngày nhàn hạ nhưng có đầy những biến cố đau thương.
"Vợ chồng tôi được hai đứa con, 1 trai, 1 gái, nó (anh Bình) là con cả, còn đứa em thằng Bình thì lên 5 tuổi tôi phải mang đi cho người khác nuôi. Ngày đó chồng tôi bị u não rồi mất lúc hai đứa còn nhỏ, ông ấy mất tôi cũng bệnh tật suốt, mang con cho người ta nuôi vì nghĩ ngày đấy bệnh tật không qua khỏi".
Bà tâm sự, việc phải đem cho đứa con gái nhỏ đến bây giờ vẫn khiến bà day dứt. Bao năm qua không biết con ở đâu, cuộc sống hiện tại như thế nào. Bên cạnh bà từ đó đến giờ có người con trai cả là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1985). Ở cái tuổi này lẽ ra anh đã lập gia đình và chăm lo được cho mẹ nhưng mẹ phải chăm lo ngược lại cho anh.
Di chứng từ người bố bị u não khiến anh Bình phần nào cũng bị ảnh hưởng, anh không được khôn ngoan như những người khác. Càng lớn anh càng trở nên ngờ nghệch. Thậm chí khi đến tuổi đi học, Bình thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi, có thời gian bà Ba phải khổ sở đi khắp nơi tìm kiếm.
Cuộc sống nhọc nhằn đó hơn 10 năm nay cứ đeo bám người mẹ khốn khổ. Mỗi ngày, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, dù sức khoẻ tuổi già có rung chuông báo động đến mấy thì bà vẫn phải gánh trên vai chuyện cơm ăn áo mặc của cả đứa con trai khờ dại.
600.000 đồng/tháng là nguồn thu nhập duy nhất từ việc bà nhặt phế liệu từng ngày để 2 mẹ con vật lộn sống qua ngày qua tháng. Dịch bệnh khiến việc đi làm trở nên hạn chế, bà cùng con trai nhiều khi chỉ có thể trông chờ vào lòng hảo tâm của các mạnh thường quân.
"Đợt này cách ly xã hội nên tôi không đi làm được, ăn uống thì thi thoảng có các nhà hảo tâm cho gạo, thực phẩm còn tiền phòng thì có đâu đóng đấy. Còn lại thì khất ông chủ nhà chứ đi làm giờ cũng chẳng nhập được hàng nên không có thu nhập", bà Ba chia sẻ.
Những người trẻ trong khu ổ chuột này cũng chẳng khá khẩm hơn là bao nhiêu, bữa cơm với nồi thịt kho vài ba miếng trộn lẫn với rau, có khi phải tằn tiện mà ăn để phần cho những bữa sau nữa. Ấy thế nhưng họ vẫn cho rằng bản thân còn trẻ, còn sức khoẻ để mà cố gắng kiếm thêm được đồng 1 đồng 2, nên những nhà hảo tâm đến cho gạo thì họ đều nhường hết cho các cụ già trong xóm.
Họ là những chiếc lá rách rưới đang cố đùm bọc lẫn nhau. Khi mà miếng ăn cái mặc càng trở nên khó khăn chật vật hơn nữa trong mùa dịch thì chẳng thể làm gì khác ngoài gồng mình lên chống chọi. Cũng may, những phận người hẩm hiu này luôn là nỗi canh cánh trong lòng những nhà hảo tâm trong xã hội.
Bầu trời ngả tối là lúc chúng tôi rời khỏi khu ổ chuột. Cụ Thắm cùng chú chó của mình không còn ngồi trên chiếc xe đẩy cũ mèm. Bà Ba cũng đã trở về căn lều dột nát bé xíu để chăm cho đứa con trai chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu.
Những lời rì rầm qua lại về yến khoai lang tháng này chẳng lời lãi được bao nhiêu vang lên nho nhỏ trong không gian tịch mịch cứ khiến bầu không khí như đặc quánh lại. Mùa dịch đã ghé qua cuộc đời của những con người mỏng manh đầy tàn nhẫn và khắc khoải như thế đấy.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.