Tôi 40 tuổi, chồng hơn tôi 4 tuổi. Chúng tôi kết hôn đã được 14 năm, có 2 bé gái, cuộc sống gia đình bình lặng. Cả hai vợ chồng đều cố gắng làm ăn để xây dựng gia đình, không có chuyện tơ tình hay thả thính với ai, chỉ có điều tôi cảm thấy thật sự tẻ nhạt. Ngày trước, tôi thấy anh là người hiền lành, ít nói, tự lập nên đồng ý kết hôn. Cứ nghĩ rằng lấy nhau về sẽ cố gắng sống hòa thuận là yên ổn, nhưng thật sự cuộc sống hiện tại là quá yên ổn. Việc ai người đó làm, việc trong ngoài, đối nội, đối ngoại, kinh tế là tôi lo liệu hết, có hỏi ý chồng, anh cũng bảo tùy. Hàng tháng anh có bao nhiêu lương thì đưa hết cho tôi, chỉ giữ lại một ít xăng xe. Anh thường giúp tôi làm việc nhà. Tôi có nhiều thời gian cho riêng mình nhưng khi có tâm sự ở cơ quan, đồng nghiệp, về chia sẻ với chồng, anh nghe cho có (vì trong khi nghe anh vẫn chơi game trong điện thoại). Tôi chán, lâu rồi chẳng muốn nói nữa, cũng không muốn bàn bạc gì.
Tôi đi chơi với đồng nghiệp có rủ chồng theo nhưng khi thì anh từ chối, nếu đi cũng rất ít nói, thậm chí còn không biết nói gì. Lâu dần tôi cũng chẳng muốn đi cùng chồng nữa. Hội bạn rủ các cặp vợ chồng đi chơi nhưng riêng tôi không thể vì thiếu tự tin về khả năng giao tiếp của chồng. Tôi luôn ngọt nhạt bảo anh nên đọc báo, tìm hiểu thêm thông tin nhiều hơn, mở lòng mình... nhưng nói thẳng ra điều này rất khó, tôi sợ anh tự ái. Tôi có hỏi chuyện của chồng, anh chỉ nói: "có gì đâu mà kể". Chuyện của tôi kể ra thì anh lại bảo "có gì đâu mà nghe", nghe rồi cũng quên mất. Cuộc sống cứ tẻ nhạt như vậy trôi qua từng ngày. Tôi mong được có bạn, được cùng gia đình trải nghiệm những chuyến đi thú vị. Nếu chồng tôi không cải thiện được thì tôi phải làm sao để sống yêu đời, lạc quan hơn? Tôi mong chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên để cải thiện tình hình này.
- Hằng -
GS.TS. Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Hằng,
Sự khác biệt giữa hai vợ chồng bạn dẫn đến việc ai người đó làm, nhưng bạn đã sai lầm ngay từ đầu khi cố gắng sống hòa thuận. Cố gắng tức là không hòa thuận thật. Mọi cái giả sớm muộn gì cũng bộc lộ hoặc bị bộc lộ, vì thế bạn mới cảm thấy cuộc sống quá yên ổn.
Bạn có hai trạng thái tâm lý. Trạng thái thứ nhất là “cố yên ổn”. Để đạt được trạng thái này bạn phải cố gắng rất nhiều trong 14 năm qua. Quãng thời gian đó bạn đã tích tụ sự cố gắng thành khối ung nhọt, nếu không động đến thì vẫn bình an, còn nếu đụng dao kéo thì phải cẩn thận vì có thể nó là ác tính. Việc phức tạp của bạn hiện nay là các con đã lớn, bạn không còn bận rộn như xưa, tiền bạc ổn định không cần lo nghĩ nhiều, vì thế bạn có nhiều thời gian cho riêng mình, nhưng về vấn đề tâm lý sẽ dẫn đến nhàn cư vi bất thiện. Nếu bận rộn, lo tiền bạc, người ta chẳng còn thời gian cho riêng mình. Khi rảnh rỗi, mới có nhu cầu tâm sự chuyện cơ quan, đồng nghiệp... nhưng đã muộn vì bao nhiêu năm nay luôn yên ổn. Vì thế chồng bạn cũng chỉ nghe cho có chuyện.
Hai là, lâu nay chồng bạn thấy bình an và anh ấy chấp nhận cuộc sống đơn giản, thấy vậy là hạnh phúc, vì việc trong ngoài, đối nội, đối ngoại, kinh tế bạn lo hết. Khi anh ấy chẳng phải lo gì mà lại là người hiền lành, ít giao tiếp thì "có hỏi ý chồng, anh cũng bảo tùy ...” vì anh ấy đâu có chính kiến và cũng chẳng biết gì, làm thế nào. Trạng thái tâm lý của chồng bạn là cả quá trình 14 năm không phải lo nghĩ gì, trong khi bạn thì ngược lại, 14 năm bôn ba, lo toan nên bạn có tâm lý năng động. Nay chồng bạn tích lũy tâm lý vô lo vô nghĩ, còn bạn thì tích lũy sự quá lo nghĩ. Hai người chung cuộc sống nhưng sự phát triển tâm lý thì cứ xa nhau mà không thể trở lại được. Từ đó bạn chán chẳng muốn nói nữa, cũng không muốn bàn bạc gì luôn, đó là trạng thái tâm lý tiêu cực. Trạng thái tâm lý này rất dễ trở thành trầm cảm nếu không tìm cách vượt qua.
Hiện nay với bạn, "tôi đi chơi với đồng nghiệp có rủ chồng theo nhưng khi thì anh từ chối, nếu đi anh rất ít nói, thậm chí còn không biết nói gì" là hiện tượng áp đảo, gia trưởng của bạn. Tại sao bạn cho rằng “rủ chồng theo”? Bạn cần biết đàn ông có hiền lành nhưng không muốn kém vợ trước thiên hạ. Chồng bạn đi với bạn chẳng khác chàng ngốc bên lâu đài nên anh ấy rất mặc cảm, còn bạn lại xem thường chồng nên lâu dần cũng chẳng muốn đi cùng anh ấy. Đây là bước tiêu cực thứ ba của bạn để dẫn đến “hội bạn rủ các cặp vợ chồng đi chơi nhưng riêng tôi không thể vì thiếu tự tin về khả năng giao tiếp của chồng”, thực sự đây là một suy nghĩ nguy hiểm. Lẽ ra bạn phải tự hào với bạn bè: đố đứa nào có chồng hiền như chồng tao; anh ấy rất tuyệt vời, chỉ ít nói và không tham gia nhiều các cuộc chơi hay nói chuyện với các cậu nhưng anh ấy rất quý chúng ta... Nếu bạn làm được, như vậy mới đúng luật bù trừ trong cách ứng xử của cha ông chúng ta.
Bạn lại sai lầm “Tôi luôn ngọt nhạt bảo anh nên đọc báo ...” tại sao lại cứ phải là báo trong khi anh ấy đã quen chơi các trò chơi trong điện thoại. Bạn hãy quan sát xem anh ấy chơi trò chơi gì và bạn cũng chọn trò đó để chơi. Khi bạn chơi quen và hiểu, lúc đó nhờ chồng chỉ thêm cho “các chiêu” để chơi tiếp, cứ thế, bao giờ bạn cũng chơi kém anh ấy vài bậc, vài nước để có cớ nhờ sư phụ giúp đỡ, chỉ dạy. Chỉ khi nào bạn tìm được cớ để nhờ anh ấy chỉ dạy, lúc đó anh ấy mới thoát ra được cái bóng của vợ; còn nếu bạn giữ mãi: tôi lo liệu hết, tức là tôi hơn anh và anh phải theo tôi... thì bạn mãi mãi như hiện nay hoặc phá vỡ sự quá yên ổn để bước vào cuộc đời sóng gió.
Chồng bạn nói "có gì đâu mà nghe" khi bạn kể chuyện là phản ứng khá mạnh. Còn anh ấy nói "có gì đâu mà kể" khi bạn hỏi cho thấy anh ấy không muốn kể chuyện của mình vì toàn chuyện kém bạn; chuyện của bạn toàn thể hiện mình tài giỏi chẳng hạn. Bạn hãy kể những chuyện mình kém chồng và nhờ anh ấy chỉ bảo để phấn đấu, thay đổi. Tóm lại, bạn nên trở thành người ngưỡng mộ chồng thì mọi sự sẽ như bạn mong muốn, trái lại bạn muốn chồng phải nể phục mình thì cứ như hiện nay và có thể còn tồi tệ hơn.
Chúc bạn khéo léo.
Theo vnexpress.net
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.