Cuốn hoàng hậu - món ăn “tuyển con dâu” của người Hải Phòng mỗi dịp Tết

(lamchame.vn) - Nguyên liệu dễ kiếm nhưng lắt nhắt và không phải ai cũng làm được những chiếc cuốn hành tôm đều tăm tắp, đạt tiêu chuẩn.

Từ lâu Hải Phòng đã nổi tiếng là vùng đất "ăn sóng, nói gió", người dân sành chơi, sành ăn cho nên những món ăn tuyệt hảo nhất đều quy tụ ở nơi đây. Song song với sở thích thưởng thức ẩm thực thì người ta cũng sáng tạo ra không ít món ăn ngon, đẹp mắt từ chính những nguyên liệu dân dã nhất. Đặc biệt, có món còn trở thành đặc sản nổi danh khắp vùng.

Sự thật về nguồn gốc và cái tên mỹ miều

Trong hầu hết các bài viết đã có, người ta thường nói rằng, món cuốn tôm hành xuất phát từ làng Trịnh Xá (Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Thế nhưng, khi hỏi chính những người dân ở đây, họ cũng không thể khẳng định chắc chắn.

"Chính xác là làng Trịnh Xá có nghề làm bún truyền thống. Còn món cuốn tôm hành lâu đời lắm rồi, nhà tôi nghe kể lại là đời thứ 5, thứ 6 nên cũng không rõ xuất xứ nữa".

"Món này ở Kiền Bái chỗ tôi có tuổi đời hàng trăm năm rồi, không phải Trịnh Xá đâu".

Cuốn hoàng hậu - món ăn

Không chỉ nguồn gốc mà đến tên gọi của món ăn này cũng không khỏi khiến người dân địa phương hoang mang. "Hoàng hậu hay hoa hậu chỉ là cách ví von vì món này khi xếp lên mâm màu sắc sặc sỡ, thu hút, là bá chủ của mâm cỗ. Chứ chỗ chúng tôi thông thường gọi là cuốn hành, cuốn tôm hành, hay nhiều chỗ gọi là cuốn Thủy Nguyên. Đơn giản vậy thôi", một người bán lâu năm ở chợ An Lư cho hay.

Quá trình chế biến như thi "tuyển con dâu"

Công cuộc tranh cãi về nguồn gốc và tên gọi vẫn chưa có hồi kết từ năm này qua năm khác. Thế nhưng, cách chế biến món cuốn tôm hành, nếu hỏi 10 người Hải Phòng thì phải có đến 5 - 6 người, không kể nam nữ, chẳng những biết mà còn cực kỳ thành thạo.

Mỗi công đoạn đều có một tiêu chuẩn riêng, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và thật sự đặt cái tâm vào đó. Từ khâu chuẩn bị, người đi chợ cần sắm đủ 10 nguyên liệu, bao gồm rau răm, rau mùi, rau diếp, hành lá tươi, trứng, tôm đồng, thịt ba chỉ, giò lụa, đậu phụ và bún.

Hành cần những củ to vừa, nhưng phải tươi và không quá già, sẽ trần nhanh qua nước sôi để giữ được độ ngọt nước mà vẫn giòn. Rau răm, rau mùi, rau diếp rửa sạch, để ráo nước. Tôm đồng chọn cỡ nhỏ, đều nhau, đem đi rang mặn vừa phải. Trứng tráng mỏng, thái miếng, không hẳn là thái sợi. Đậu rán, thịt luộc xong thái miếng. Bún phải là bún răng bừa, sợi dài, nhỏ, như của làng làm bún Trịnh Xá mới "đạt chuẩn".

Sang đến khâu cuốn, nếu đã quen tay, có người chỉ tốn chưa đầy 10 giây là hoàn thành 1 cái. Yêu cầu cuốn phải gọn gàng, lá rau diếp màu xanh, phải ôm những thứ khác, nhưng vẫn để hở một mặt, tôm nằm ngang trên lá rau, dùng hành lá cột chặt lại.

"Nhìn như vậy mà không dễ đâu. Cuốn làm sao phải gọn gàng, không thể để các loại nhân từa lưa mỗi cái một hướng được".

"Năm năm về làm dâu vẫn hồi hộp khi cuốn món này. Nhớ hôm mồng 2 Tết năm trước, em cuốn 1 lá rau diếp thì nó rách, nên thêm 1 lá nữa, thành cái cuốn to đùng luôn. Mẹ chồng em bảo mấy cái đấy để em ăn chứ ai nhét vừa miệng. May sao chồng em lại khéo, nên cân hết cả mâm", chị Thanh Hằng kể về kỷ niệm với món cuốn đặc biệt.

Cuốn hoàng hậu - món ăn

Cầu kỳ với mỗi chiếc cuốn nhưng chấm cái gì và chấm thế nào, người dân Đất Cảng không câu lệ. Vẫn có một số gia đình chấm bỗng, ai không thích thì chấm mắm mặn. Còn thông thường sẽ là hương vị nước mắm tỏi chua ngọt như khi ăn chả nem, bún chả và thái thêm su hào, cà rốt.

Cuốn hoàng hậu - món ăn

Món ăn xuất hiện trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình Hải Phòng

Ngày bình thường, muốn không phải chuẩn bị lách cách, người Hải Phòng hay lui tới một số khu chợ ăn vặt để thưởng thức món cuốn tôm hành vào mỗi buổi chiều. Đến dịp lễ Tết, các hàng quán ấy vẫn bán đều đặn, song, vắng khách hơn hẳn.

Chia sẻ của cô bán hàng chợ Cố Đạo: "Tết đến gia đình đông thành viên, quây quần bên nhau, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng làm cho nên hôm đó hàng tôi chủ yếu làm cho các mối đặt trước".

Cuốn hoàng hậu - món ăn

Ngày thường, cuốn tôm hành được bán cùng các món ăn vặt khác ở một số khu chợ của người Hải Phòng

"Mình hay gọi món này là món "bà tám" vì hội chị em túm tụm vào vừa gói vừa buôn chuyện, một loáng là xong một đĩa", Phương Dung nói.

Những chiếc cuốn vừa miệng với màu đỏ của tôm, màu vàng của trứng và màu xanh mơn mởn của các loại rau, khiến cho ai nấy không thể rời mắt. Cách thưởng thức ngon nhất là hãy gắp một miếng, chấm dìm vào bát nước mắm rồi đưa lên miệng. Vị thanh mát của rau diếp, bún và bùi bùi của đậu, thơm thơm của thịt, trứng, hăng hăng của hành được hòa quyện cùng vị chua ngọt của nước chấm sẵn sàng chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Một số người thuộc "team không hành" cũng vì sự cuốn hút của nó, còn tốn thêm thời gian gỡ đi cọng hành rồi ăn phần bên trong.

Cuốn hoàng hậu - món ăn

Có lẽ bởi đưa miệng mà lại đẹp mắt nên không biết từ bao giờ, món ăn này đã xuất hiện trong mâm cỗ của nhiều gia đình. Nếu như người Hải Phòng chuộng làm vào dịp Tết thì ở một số tỉnh thành ven biển khác như Ninh Bình, Nam Định, cuốn tôm hành còn được đưa vào thực đơn đám cưới.

"Nhà mình sáng mồng 1 Tết nhất định phải làm món này trong mâm cỗ cúng gia tiên. Ông mình bảo rằng, những màu sắc tươi sáng nhất đã tụ họp về đây, mang ý nghĩa sum vầy, hy vọng năm mới rực rỡ. Hơn thế nữa, ăn nhiều giò, thịt, bánh chưng thì phải có món rau giải ngấy", chị Hoa nói.

Cuốn hoàng hậu - món ăn “tuyển con dâu” của người Hải Phòng mỗi dịp Tết - Ảnh 7.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang