Con người chưa thể trở lại bình thường sau đại dịch
Khi cuộc sống ở Mỹ dần trở lại trạng thái như trước khi xảy ra đại dịch, các nhà tâm lý học đang phải đối mặt với một thực tế khó khăn, nhiều người sẽ không thể sớm trở lại bình thường.
Điều này đồng nghĩa với việc những thách thức đối với nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ mới bắt đầu. Các nhà tâm lý học đang nỗ lực tìm hiểu cách đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của người Mỹ, về sự bất bình đẳng và những ảnh hưởng lâu dài.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở Dearborn, Michigan (Mỹ) (Ảnh: Reuters)
“Tôi rất lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài. Trên toàn cầu, mức độ trầm cảm và lo lắng đã tăng cao kể từ tháng 3/2020. Điều đó cho thấy sự gia tăng của các vấn đề về sức khỏe tâm thần trên thế giới”, Luana Marques, Phó Giáo sư tâm lý học tại Trường Y khoa Harvard cho biết.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các cuộc thảo luận xung quanh sức khỏe cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe thể chất của mọi người. Khi một loại virus chết người lây lan trên toàn cầu, các chiến lược đã được phát triển để ngăn chặn sự lây lan của nó.
Với việc đại dịch được kiểm soát ở Mỹ chủ yếu nhờ vào chiến dịch tiêm chủng, các nhà tâm lý học cho rằng đã đến lúc bắt đầu tập trung vào sức khỏe tâm thần.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng sau khi mắc Covid-19”, Catherine Ettman, chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Đại học Boston cho biết.
Ettman và nhóm của bà đã nghiên cứu những ảnh hưởng của đại dịch đến sức khỏe tâm thần kể từ tháng 3/2020. Bà Ettman cho biết, các nỗ lực nghiên cứu đang gia tăng đáng kể trong cộng đồng học thuật.
Tuy nhiên, những nghiên cứu sơ bộ đã đưa ra những tín hiệu không mấy khả quan. Một nghiên cứu do Ettman và nhóm của bà đăng trên tạp chí y khoa JAMA Network Open vào tháng 9/2020 cho thấy, tỷ lệ những người trầm cảm trong đại dịch Covid-19 đã tăng gấp 3 lần. Khoảng 8,5% dân số Mỹ nói chung đã báo cáo các triệu chứng của bệnh trầm cảm lâm sàng trước đại dịch, và con số này đã tăng lên 27,8% trong đại dịch.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ từ tháng 12/2020 cho thấy, 42% người Mỹ đang trải qua các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm trong đại dịch Covid-19. Chỉ 11% người Mỹ cho biết đã trải qua những triệu chứng này trước khi đại dịch bùng phát.
Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần
Theo bà Ettman, những người ít giàu có thường có nhiều biểu hiện của các triệu chứng trầm cảm hơn những người giàu có.
Luana Marques cho biết, bà cũng nhận thấy sự giàu có là một “yếu tố bảo vệ” con người khỏi các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Những người có điều kiện hơn có thể tự cách ly, ở nhà, không phải đi làm. Điều đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 và tránh được những hậu quả về sức khỏe tinh thần”, bà Marques nói.
Marques cho biết, có nhiều lý do khiến một người có thể bị suy giảm sức khỏe tâm thần trong thời kỳ đại dịch. Những yếu tố đó có thể bao gồm nỗi sợ hãi dai dẳng về việc bị nhiễm virus, mất việc làm và thời gian cách ly kéo dài. Bà Marques bày tỏ lo ngại nếu không dành đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của mọi người, thì vấn đề của họ có thể sẽ kéo dài.
Theo NBC News, có nhiều bằng chứng về việc những khủng hoảng của quốc gia có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài như thế nào đến sức khỏe tâm thần của người dân. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health vào năm 2019 đã xem xét hơn 36.000 người dân New York và nhân viên cứu hộ vào thời điểm 15 năm sau vụ tấn công 11/9 và phát hiện ra rằng, 14% trong số họ vẫn có các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau vụ việc.
Michael Zvolensky, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Houston cho biết, chắc chắn sẽ có những tác động lâu dài đối với bộ phận dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Ông Zvolensky cho biết, trải nghiệm này là một “tác nhân gây căng thẳng mãn tính lớn trong cuộc sống” đối với gần như tất cả mọi người và là một “sự kiện đau buồn” đối với một số người.
Giải quyết những vấn đề này không chỉ đảm bảo mọi người được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, mặc dù điều đó sẽ rất quan trọng, mà còn đảm bảo họ có tâm lý ổn định trong cuộc sống. Bà Ettman cho biết, nếu mọi người cảm thấy ổn định về tài chính, họ sẽ ít bị suy giảm sức khỏe tâm thần hơn.
Chuyên gia Marques cũng đồng tình với quan điểm của bà Ettman, “Bạn không thể giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần nếu các nhu cầu cơ bản của bạn không được đáp ứng”, bà Marques nói.
Marques lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không tương xứng đến các cộng đồng người da màu. Bởi vậy, cần tập trung vào việc cung cấp cho cộng đồng da màu những nguồn lực mà họ cần. Nếu những vấn đề sức khỏe tâm thần kéo dài và không được giải quyết thỏa đáng, thì chúng có khả năng sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai.
Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dai-dich-covid-19-co-the-de-lai-nhung-vet-thuong-tam-ly-kho-lanh-859064.vov
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.