Vài năm gần đây, gia đình chị Hoài (ngoại thành Hà Nội, Hà Nội) đều không ăn Tết ở nhà. Làm kinh doanh tự do nên hai vợ chồng bận rộn quanh năm, bởi vậy, Tết âm lịch là dịp duy nhất trong năm cả nhà có thể đi chơi cùng nhau. Mọi lần, anh chị đều nhờ bố mẹ vợ đang ở chung cư xuống trông giúp căn biệt thự. Ngôi nhà có lắp hệ thống giám sát an ninh thông minh nên ông bà ngồi trong phòng cũng có thể theo dõi hình ảnh các khu vực khác trên máy tính bảng.
Năm nay, ông bà đã gần 70 tuổi, tỏ ý buồn vì tuổi cao mà không được đoàn tụ với con cháu trong dịp Tết như nhà khác. Bởi vậy, chị Hoài mời bố mẹ đi nghỉ cùng ở Phú Quốc. Cả nhà đều vui vẻ, háo hức chờ lên đường vào chiều mùng một Tết.
Tuy nhiên, chị Hoài phải đối mặt với một nỗi lo lớn là tìm người trông ngôi nhà 4 tầng rộng mênh mông, diện tích mặt bằng lên tới 250 m2. Từ khi xây nhà, gia đình đã lắp đặt nhiều công nghệ hiện đại như đóng mở cửa bằng điện thoại; đèn cảm ứng... Hệ thống an ninh có cảm biến phát hiện khói, người đi vào. Vào buổi tối, khi có người lạ xâm nhập, trên máy tính bảng sẽ có cảnh báo nhấp nháy. Chủ nhà bấm hiển thị hình ảnh camera khu vực đó, bật đèn và còi báo động.
Nhưng giải pháp này chỉ hiệu quả khi trong nhà có người. Trong 7 ngày nghỉ lễ tới, những người làm cũng về quê ăn Tết nên ngôi nhà hoàn toàn trống trơn giữa một khu vực vắng vẻ, rộng lớn. Hàng xóm xung quanh cũng cách xa hoặc đi chơi, về quê gần hết.
Một người bạn gợi ý chị thuê dịch vụ trông nhà dịp Tết của các công ty bảo vệ. Mất cả buổi sáng tham khảo, chị bối rối vì giá cả của các nơi khá chênh lệch dù quy trình về cơ bản giống nhau. Có nơi đưa ra mức giá 500.000 đồng một ngày, có chỗ lên tới 1,5 triệu đồng. Khi chị yêu cầu gặp trực tiếp người trông nhà thì một số công ty cho biết, họ còn phải chờ sát Tết mới sắp xếp được và có thể điều chỉnh tùy thời điểm.
Tới khi nghe thêm về quy trình làm hợp đồng, chị Hoài lại phát hiện thêm rắc rối. Bên công ty bảo vệ khuyên chị cất đồ quý vào trong các phòng có khóa, niêm phong lại. Họ sẽ cho người ở các phòng tầng dưới, không mở cửa tầng trên để đảm bảo tài sản được bảo quản tốt.
Tuy vậy, ngoài tài sản quý được gia đình cất trong két sắt, thì ở các phòng và cả lối đi bày nhiều đồ gốm sứ quý, nhiều năm tuổi. Nhà chị có nhiều không gian sinh hoạt chung để mở, không có cửa. Nếu cứ để nguyên đồ giá trị ở đó, chị Hoài sợ những người trông giữ có thể nổi lòng tham. Có những món đồ trang trí được gia đình bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua. Nếu có đền bù, việc xác định giá trị cũng khá khó khăn.
Nhà đã lắp đặt thiết bị an ninh nhưng các gia đình giàu có vẫn chưa đủ yên tâm khi vắng mặt lâu ngày. Ảnh minh họa: IDI.
Dù vẫn còn lo lắng nhưng chị Hoài cũng không còn cách nào khác. Chị dự định sẽ bảo ông xã dành một buổi để hướng dẫn cho người bên công ty bảo vệ về các thiết bị an ninh thông minh để việc trông nhà hiệu quả hơn. Chị cũng chọn dịch vụ có mức giá cao, tổng cộng mất chục triệu để an tâm phần nào khi đi chơi.
Cùng chung nỗi lo với gia đình chị Hoài, nhà anh Tùng (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng lạc vào "ma trận" tìm người giữ nhà. Những ngày Tết âm lịch, gia đình anh sẽ ra Hà Nội để mừng năm mới cùng bố mẹ. Ngôi nhà của anh nằm ngay mặt đường, có cửa hàng ở tầng dưới. Mọi năm, anh nhờ một người hàng xóm tới trông nom và biếu ít tiền. Họ thường ngủ luôn ở tầng một.
Năm nay, người quen không nhận trông giúp nên anh Tùng phải tìm tới các công ty bảo vệ. Dù biết giá thuê ngày Tết có thể đắt gấp rưỡi, gấp đôi, anh vẫn đồng ý. Tuy nhiên, khi tới khảo sát địa điểm, phía công ty bảo vệ lại yêu cầu anh mở hàng chục thùng đồ đang xếp chồng lên nhau để xác định mặt hàng bên trong, tránh tranh cãi mất mát sau này.
Thấy quá phiền toái, anh Tùng chuyển sang công ty khác. Họ đồng ý niêm phong các thùng hàng, không cần kiểm tra bên trong và giá cả cũng rẻ hơn một chút so với công ty đầu tiên. Tuy nhiên, vì các thành viên gia đình đều không muốn có người lạ vào phòng ngủ nên anh chị cũng đành bố trí chỗ ngủ cho họ ở trong phòng giải trí, nơi có nhiều đồ điện tử đắt tiền. Khi ký hợp đồng, anh Tùng cũng phải dặn dò kỹ lưỡng để người bảo vệ không sử dụng đồ.
Chia sẻ về dịch vụ trông nhà ngày Tết, ông Nguyễn Hải Phong, phó giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ ở Hà Nội cho biết, đơn vị của ông đã nhận làm công việc này trong nhiều năm. Khách hàng lựa chọn công ty của ông Phong dựa trên sự tin tưởng là chủ yếu, có 80% khách hàng quen, từng sử dụng dịch vụ này trong các năm trước đó.
Mỗi dịp Tết, công ty thường không nhận quá nhiều khách để đảm bảo việc trông giữ được tốt hơn. Dù nhà to hay nhỏ, mức phí đều như nhau, khoảng 1,5 triệu đồng một ngày. Theo ông Phong, khách hàng nên tới ký hợp đồng ở công ty để thêm yên tâm về khả năng hoạt động, quy mô của đơn vị đó.
Khi thuê dịch vụ, hai bên sẽ kiểm kê đầy đủ tài sản chính trong nhà. Với đồ quý, kích thước nhỏ có thể cho vào một khu vực. Với đồ đắt tiền có kích thước lớn, khó di dời, gia chủ nên chụp ảnh, quay phim để làm bằng chứng. Ngoài ra, công ty của ông Phong còn có thêm cả dịch vụ lắp camera để gia chủ có thể theo dõi tình hình ở nhà từ xa.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.