Đánh bay rôm sảy ở trẻ với những nguyên liệu quanh vườn nhà

(lamchame.vn) - Rôm sảy là một trong những chứng bệnh ngoài da quen thuộc ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Hầu như bé nào cũng đã từng bị rôm sảy, nhưng không phải mẹ bỉm nào cũng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc và điều trị chứng bệnh này. Vậy trẻ bị rôm sảy mẹ phải làm sao?

Rôm sảy hay phát ban nhiệt là chứng bệnh ngoài da thường gặp khi thời tiết nóng, độ ẩm cao làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập tạo rôm sảy. Bệnh không gây đau đớn nhưng có thể tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, nổi mụn lớn có thể gây đau nhức, nhất là khi quần áo của trẻ cọ vào vết rôm sảy hay chạm tay vào vết mụn.

Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy

Nguyên nhân gây rôm sảy chủ yếu là do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này là do các ống tuyến mồ hôi của trẻ chưa được hoàn chỉnh nên không có đường thoát ra ngoài. Hiện tượng này thường gặp trong thời tiết nắng nóng nhưng đôi khi cũng là do chế độ chăm sóc của cha mẹ không đúng cách. Cụ thể như vệ sinh không sạch sẽ hoặc mùa hè nhưng các bậc phụ huynh lại cho bé mặc quần áo bí, quấn tã lót nhiều. Một số bé còn được cho nằm phòng phòng kín khiến bé bị nổi rôm sảy đầy người.

Ngoài ra trẻ bị rôm sảy còn xảy ra trong trường hợp trẻ bị sốt cao gây tắc nghẽn các ống tuyến mồ hôi, do cơ thể trẻ vận động với cường độ cao, do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta, hoặc do những tác nhân như vi khuẩn trú ngụ ngoài da gây tắc tuyến mồ hôi.

Biểu hiện của trẻ bị rôm sảy

Triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị rôm sảy là da nổi mụn nhỏ, mẩn đỏ, gây ngứa ngáy ở các vùng da là trán, đầu, cổ, lưng, ngực, vai, vị trí có nếp gấp trên da. Trẻ nhỏ bị rôm sảy ngứa ngáy nhiều sẽ quấy khóc, khó chịu, không ngủ yên.
 

 

Tùy theo mức độ bị tắc của ống bài tiết mồ hôi mà bệnh rôm sảy được chia làm các loại:

+ Rôm sảy nhẹ là phần bị tắc của ống dẫn mồ hôi chỉ ở lớp da trên cùng, vết mẩn dạng tinh thể, rất nhỏ, biểu hiện thường là mụn nước, bóng nước dễ làm vỡ.

+ Rôm sảy gai/đỏ, ống dẫn mồ hôi bị tắc vào sâu hơn lớp da trên cùng, biểu hiện là mụn đỏ, cảm giác ngứa nhẹ như kiến cắn.

+ Rôm sảy mủ, mức độ tắc của ống dẫn mô hôi sâu đã tạo thành chứng viêm nang mồ hôi cho da.

+ Rôm sảy sâu, ống dẫn mồ hôi đã tắc đến hạ dì, lớp sâu của da, biểu hiện trên da là có vết màu đỏ như da gà.

Điều trị rôm sảy cho trẻ bằng phương pháp dân gian

Khi bé bị rôm sảy mùa hè, các mẹ không cần phải quá lo lắng. Bệnh cạnh đó cha mẹ có thể tham khảo các phương pháp dân gian trị rôm sảy cho trẻ, một số loại lá có chứa chất kháng sinh, giúp sát trùng, kháng khuẩn có thể dùng đun nước cho trẻ tắm sẽ trị được rôm sảy:

- Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá sài đất

[​IMG]

Lá sài đất theo Đông y có vị ngọt, hơi chua, tính mát, được sử dụng để thanh nhiệt, tiêu độc. Theo tây y, một số thành phần có tác dụng dược tính trong sài đất là phytosterol, caroten, chlorophylle, tanin, saponin, pectin, mucin, lignin, cellulose… giúp trị rôm sảy hiệu quả.

Đem lá sài đất rửa sạch, loại bỏ lá vàng, hỏng rồi cho vào ngâm với nước muối loãng. Sau đó cho lá sài đất vào cối, thêm một chút xíu muối giã nát rồi chắt lấy nước. Sử dụng nước vừa chắt pha với nước ấm rồi tắm cho bé.

- Tắm lá chè xanh

 

 

Cha mẹ có thể thực hiện như sau: Rửa sạch lá chè xanh tươi rồi cho vào nồi nước đun. Dùng nước lá chè xanh tắm cho bé giúp làn da của trẻ dịu đi, đồng thời với chức năng kháng khuẩn tốt.

- Tắm mướp đắng

Cha mẹ có thể thực hiện như sau: giã hoặc xay nhỏ trái mướp đắng. Cho thêm ít nước lọc vào và lọc lấy nước mướp đắng nguyên chất rồi hòa vào nước tắm cho trẻ. Tùy vào lượng nước tắm cho trẻ để lấy tỷ lệ quả mướp đắng. Thông thường cha mẹ dùng 2 quả/lần.

- Tắm nước lá khế

[​IMG]
Lá khế có có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, ngứa do dị ứng, mề đay… rất hữu hiệu.

Các mẹ chỉ cần lấy một nắm lá khế, tách phần gân lá, rửa sạch rồi cho vào nồi đun sôi cùng một ít muối. Để nồi nước sôi khoảng 5 phút rồi chắt lấy nước pha cùng nước lạnh đến nhiệt độ nước tắm cho bé thích hợp. Thực hiện khoảng 3 – 4 ngày mẹ sẽ thấy làn da của bé sẽ được cải thiện rõ rệt.

Lá kinh giới trị rôm sẩy cho trẻ

[​IMG]

Kinh giới vừa là một loại rau thơm vừa là một loại thảo dược có chứa thành phần kháng sinh tự nhiên, được sử dụng để điều trị một số bệnh da liễu như rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa hiệu quả.

Cách đun nước tắm cho bé bằng lá kinh giới:

  • Bước 1: Kinh giới nhặt bỏ lá vàng, hỏng rồi đem rửa sạch, để ráo nước.

    • Bước 2: Đun sôi khoảng 1000ml nước, sau đó cho lá kinh giới và một chút muối hạt vào đun thêm 2-3 phút nữa thì tắt bếp.

    • Bước 3: Chắt lấy phần nước, bỏ phần lá rồi hòa với nước sôi để nguội và tắm cho bé.

Chỉ sau vài ba lần tắm bằng nước lá kinh giới là rôm sảy trên người bé sẽ giảm đi đáng kể.

- Lá dâu tằm

[​IMG]

Lá dâu tằm các mẹ mang về rửa sạch, ngâm với nước muối để loại bỏ hết bụi bẩn. Sau đó cho vào một túi vải lớn và bỏ vào nồi nước đun sôi. Tắt bếp và chờ cho nước nguội bớt, chuyển sang ấm rồi tắm cho bé.

Thực hiện liên tục 3 – 5 ngày để ngăn chặn rôm sảy mọc thêm, giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Lưu ý khi dùng lá tắm trị rôm sảy cho trẻ

Khi dùng lá tắm để trị rôm sảy cho trẻ cũng có một số lưu ý mẹ cần biết.

- Chỉ áp dụng nước lá để tắm cho con trong trường hợp rôm sảy nhẹ, thường là giai đoạn khi con mới bị.

- Tuyệt đối không tắm nước lá cho con trong trường hợp rôm sảy có mưng mủ, nhiễm khuẩn, sưng đỏ, viêm nặng.

- Trước khi tắm nên thử thoa nước lá lên vùng nhỏ trên da con để kiểm tra sự phản ứng trên da con, giúp nhận biết da bé có bị dị ứng với với loại lá đó hay không.

- Không nên nấu nước lá quá đặc bởi nước lá đặc thường chứa nhiều bột lá sẽ khiến bé bị ngứa hoặc làm nốt rôm lan rộng.

- Đảm bảo rửa và ngâm lá thật sạch để loại bỏ hết các chất bụi bẩn, sâu… có thể gây hại cho da.

- Chú ý nhiệt độ nước khi tắm, không nên tắm nước quá nóng bởi sẽ làm cho da con bị khô và thêm khó chịu.

- Mẹ không nên tắm cho trẻ quá lâu vì có thể khiến con bị cảm lạnh.

- Một số loại lá khi tắm xong cần tráng lại người bằng nước sạch để tránh bột lá gây khó chịu cho con.

- Không kì cọ mạnh trong lúc tắm vì làm vùng da bị rôm sảy trầy xước và lan rộng.

- Luôn để da bé được thông thoáng, để da được “thở”.

- Đưa trẻ đi khám bác sĩ trong trường hợp rôm sảy mưng mủ, gây đau.

Cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày, tắm nước mát, sử dụng xà phòng không gây khô, xà phòng kháng khuẩn để giảm vi khuẩn trên da.

- Thường xuyên chọn các trang phục rộng rãi, vải có độ thấm hút mồ hôi tốt, không tích ẩm, nhất là vào thời tiết nóng, ẩm.

- Chọn chỗ ngủ mát mẻ, thoáng khí cho trẻ, không ủ trẻ quá kín.

- Không cho trẻ mặc tã quá thường xuyên, chọn tã đúng kích cỡ của trẻ.

- Hạn chế cho trẻ ra nắng, tiếp xúc với ánh sáng gắt, không cho trẻ ra ngoài nắng từ khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

- Khi bị ngứa, có dấu hiệu bị rôm sảy nên dùng các miếng gạc lạnh để làm mát da, giảm ngứa da, không cho trẻ nhỏ gãi ngứa để tránh bị trầy xước da.

- Không đưa trẻ đến những nơi quá đông người, chật chội, trẻ dễ bị nóng, xuất mồ hôi.

- Hạn chế dùng kem, thuốc mỡ có thành phần dầu, dầu khoáng vì chúng dễ làm bít ống bài tiết mồ hôi.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang