Năm nay, Hà Nội mới chỉ thông báo phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên với 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Các trường sẽ phải chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT để có tư vấn cho học sinh lựa chọn NV vào các trường THPT công lập.
Năm ngoái, Hà Nội hướng dẫn mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 NV dự tuyển vào 3 trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc một khu vực tuyển sinh, NV3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Điều lưu ý, học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập, phải đăng ký NV1 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV2 thuộc khu vực bất kỳ. Còn nếu học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào 1 trường công lập, có thể đăng ký vào trường thuộc khu vực bất kỳ.
Về nguyên tắc xét tuyển , học sinh trúng tuyển NV1 sẽ không được xét NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét NV2 nhưng điểm xét tuyển phải cao hơn điểm chuẩn NV1 ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV2 được xét NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất là 2.0 điểm.
Theo phụ huynh, giáo viên, quy định xét tuyển kể trên khiến họ phải "cân não" khi cân nhắc lựa chọn nguyện vọng. Và trên thực tế đã có học sinh giỏi bị “sốc” khi trượt tất cả các nguyện vọng vì chọn sai.
Chị Nguyễn Thu Dung, có con học lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, gia đình đang đau đầu vì chưa quyết định được sẽ đăng ký cho con học ở đâu. Nhà ở quận Hoàng Mai, mỗi ngày con phải đạp xe 8 km tới trường THCS rất vất vả nên muốn đăng ký NV dưới 10 km. Tuy nhiên, các trường THPT mong muốn con không đủ sức, trường vừa sức lại phải đi xa.
“Vừa rồi, mẹ đã chen chân mua hồ sơ ở trường THPT ngoài công lập gần nhà để làm phương án dự phòng. Lớp con có một nửa phụ huynh cũng đã tính phương án hai để nhỡ con trượt hết các NV còn có cửa học tiếp”, chị Dung nói.
Nguy cơ trượt tất cả nguyện vọng
Là người có kinh nghiệm nhiều năm dạy Toán lớp 9, cô giáo Bùi Thị Thu Hiền, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng chia sẻ, việc lựa chọn NV nào là thuộc quyền của học sinh, phụ huynh.
Tuy nhiên, căn cứ năng lực học tập của từng học sinh trên lớp , giáo viên cũng có tư vấn để đảm bảo việc chọn trường phù hợp. Qua các năm theo sát học sinh lớp 9, cô Hiền thấy một số phụ huynh cũng đặt mục tiêu quá cao nhưng cũng có trường hợp chính học sinh quyết tâm thi chuyên, chọn trường top đầu buộc phải nỗ lực.
“Thực tế có cháu học rất xuất sắc nhưng khi đặt NV sai, cộng với tâm lý khi làm bài thi đã trượt tất cả các nguyện vọng. Mẹ cháu tâm sự, hai tháng liền sau đó cháu và gia đình sốc vì không thể tin được”, cô Hiền nói.
Cũng theo giáo viên này, trước khi đặt bút đăng ký các NV, các em và gia đình buộc phải cân não tính toán. Có gia đình coi như “canh bạc”, đặt NV khá cao nhằm “được ăn cả ngã về không” vì có phương án 2 học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, cũng có cháu vì quá “run”, dù học tốt vẫn không dám đặt NV1 là trường top đầu, cuối cùng khi có điểm thừa 4-5 điểm rất đáng tiếc.
Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) Đỗ Thị Xuân Oanh cho biết, thời điểm này nhà trường vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của Hà Nội. Tuy nhiên, học sinh, gia đình phải tính toán rất kỹ để đặt các nguyện vọng phù hợp với năng lực, tránh trượt oan.
“Thông thường, giáo viên sẽ theo sát năng lực học tập trên lớp, kết quả các bài kiểm tra, thi thử để tư vấn cho học sinh. Và quan sát kết quả tuyển sinh hằng năm cho thấy, học sinh có điểm trúng tuyển rất sát với điểm chuẩn tuy nhiên vẫn có trường hợp chọn sai, trượt oan”, bà Oanh nói.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy bộ môn Hóa học tại Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh chịu áp lực từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trong đó có cơ chế xét tuyển quá cũ kỹ. Học sinh được đăng ký các NV nhưng NV sau phải có điểm xét tuyển cao hơn NV trước dễ khiến học sinh trượt tất cả các cơ hội. Do đó, phụ huynh, học sinh phải cân lên đặt xuống để chọn trường, gây áp lực rất lớn.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án thi, đơn vị sẽ có hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh lớp 10 để phụ huynh, học sinh được biết. Năm nay, có khoảng hơn 100 nghìn học sinh dự thi, các trường THPT công lập tuyển khoảng 60% em trong số đó.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.