Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều người dành nhiều thời gian ở nhà hơn, do đó, có thể uống nhiều cà phê hơn bao giờ hết. Bạn có thể sẽ uống cà phê suốt cả ngày thay vì chỉ uống vào buổi sáng. Nhưng liệu bạn có thể uống cà phê quá nhiều không?
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Statista trên 800 người uống cà phê ở Mỹ, 29% người tham gia uống trung bình hai cốc cà phê mỗi ngày ở nhà. Mặc dù đó có vẻ là một lượng cà phê hợp lý, nhưng không phải ai cũng chỉ dừng lại ở 2 cốc. Trên thực tế, 36% người được hỏi trong nghiên cứu uống hơn 3 cốc cà phê mỗi ngày, 9% uống từ 6 cốc trở lên.
Trong mỗi cốc cà phê 240 ml có khoảng 95 miligram caffeine. Như vậy, nếu uống 6 cốc cà phê, bạn sẽ tiêu thụ 570 miligram caffeine mỗi ngày. Nếu cốc cà phê của bạn tương đương khẩu phần 350 ml cà phê tiêu chuẩn tại các cửa hàng cà phê Mỹ, thì bạn sẽ tiêu thụ hơn 850 miligram caffeine mỗi ngày nếu uống 6 cốc.
Mặc dù có những lợi ích của việc uống cà phê vừa phải, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng uống từ 500 đến 600 miligram caffeine (4-7 cốc cà phê) mỗi ngày và nhiều hơn nữa có thể tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe — và được coi là lạm dụng.
Lạm dụng cà phê liên tục có thể dẫn đến tình trạng được gọi là chứng "caffeinism", có thể gây ra bồn chồn, lo lắng, khó chịu, run cơ, mất ngủ, đau đầu, các triệu chứng tim mạch (ví dụ: nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim) và khó chịu về đường tiêu hóa (ví dụ: buồn nôn).
"Lượng cà phê an toàn cho hầu hết người lớn là trung bình 400 miligram caffeine, hoặc khoảng 4 cốc cà phê nói chung. Mặc dù uống một lượng cà phê vừa phải suốt cả ngày thường không có hại cho sức khỏe của bạn, nhưng có một số khía cạnh cần lưu ý nếu bạn đang tăng lượng cà phê", chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Patricia Bannan nói với Eat This.
Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy bạn đang uống cà phê quá nhiều? Dưới đây là những bằng chứng bạn cần biết.
1. Bạn bắt đầu có những triệu chứng không mong muốn
Tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn như đau đầu, tim đập nhanh hoặc cáu kỉnh.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy hàng loạt cảm giác khó chịu khi uống cà phê nhiều, đừng vội nghĩ rằng bạn đột nhiên bị ốm. Rất có thể nguyên nhân là lượng caffeine bạn uống suốt cả ngày.
Chuyên gia dinh dưỡng Bannan cho biết: "Tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn như đau đầu, tim đập nhanh hoặc cáu kỉnh. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, bạn nên cắt giảm lượng cà phê đang uống".
2. Bạn ngủ không ngon
Uống cà phê quá sát giờ đi ngủ hoặc uống cà phê để chống lại những cảm giác do thiếu ngủ gây ra có thể ảnh hưởng đến mô hình giấc ngủ tổng thể.
Nếu bạn bắt đầu uống cà phê vào buổi chiều hoặc buổi tối và sau đó trằn trọc khó ngủ, bạn có thể muốn xem xét lại thói quen uống cà phê của mình.
"Uống cà phê quá sát giờ đi ngủ hoặc uống cà phê để chống lại những cảm giác do thiếu ngủ gây ra có thể ảnh hưởng đến chu trình ngủ tổng thể, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn", Bannan nói.
"Caffeine có thể tồn tại trong cơ thể bạn từ 3 đến 5 giờ, vì vậy, uống một cốc cà phê buổi chiều vẫn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn vào buổi tối. Một nghiên cứu cho thấy rằng uống lượng cà phê tương đương một tách double espresso (một pha kiểu cà phê có nguồn gốc từ Ý) có thể làm chậm nhịp sinh học của bạn 40 phút".
Theo Bannan, ngủ đủ giấc mỗi đêm là rất quan trọng vì "ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và huyết áp cao".
"Nếu bạn vẫn muốn thưởng thức một tách cà phê vào buổi chiều, hãy cân nhắc chuyển sang cà phê decaf (cà phê không chứa caffeine) hoặc trà thảo mộc. Hoặc uống thử trà trắng hoặc trà xanh, cả hai đều có lượng caffeine thấp hơn cà phê", cô nói.
3. Bạn không có nhiều năng lượng
Tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ làm rối loạn lịch trình ngủ của bạn, vì vậy, bạn sẽ thức dậy với cảm giác mệt mỏi hơn.
Bạn có thể đang uống cà phê suốt cả ngày với hy vọng nó sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhưng điều này thực sự có thể khiến bạn bị cạn kiệt năng lượng. Lý do là tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ làm rối loạn lịch trình ngủ của bạn, vì vậy, bạn sẽ thức dậy với cảm giác mệt mỏi hơn. Nếu tiếp tục lặp đi lặp lại chu kỳ này, cuối cùng bạn sẽ cảm thấy ít năng lượng hơn trong suốt cả ngày.
4. Bạn bị ợ nóng
Cà phê là một trong những thức uống có tính axit, vì vậy nó có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bạn.
Cà phê là một trong những thức uống có tính axit, vì vậy nó có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bạn và gây ra chứng ợ nóng nếu uống cà phê quá nhiều.
Nếu bạn từng gặp phải chứng trào ngược axit và bạn đang uống nhiều cà phê hơn trong ngày, thì đó có thể là ‘thủ phạm’ gây ra chứng ợ nóng.
5. Bạn bị khó chịu đường tiêu hóa
Uống cà phê quá nhiều khi bụng đói có thể gây khó chịu hệ tiêu hóa
Cùng với chứng ợ nóng, bất kỳ cơn đau bụng hoặc buồn nôn nào bạn đang gặp phải có thể là do cà phê bạn đang uống, đặc biệt là nếu bạn uống khi bụng đói.
6. Bạn căng thẳng hơn
Do lượng caffeine cao, nồng độ cortisol (hay còn gọi là hormone căng thẳng chính của cơ thể) có thể tăng lên.
Có thể bạn đang căng thẳng hơn trong đại dịch COVID-19, nhưng việc uống cà phê quá nhiều suốt cả ngày có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn. Do lượng caffeine cao, nồng độ cortisol (hay còn gọi là hormone căng thẳng chính của cơ thể) có thể tăng lên.
7. Bạn bị mất nước
Nếu bạn đang uống nhiều cà phê đến mức bị mất nước, hãy đổi một số cốc cà phê trong ngày của bạn thành nước lọc, và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.
Nếu bạn thấy mình càng uống cà phê càng khát thì có một mối liên hệ ở đó. Theo một nghiên cứu của Pháp, caffeine có tác dụng lợi tiểu, có thể tác động đến quá trình mất nước của cơ thể.
Tuy nhiên, bạn sẽ phải uống một lượng lớn cà phê để đạt được tới điểm này. Một nghiên cứu khác cho thấy việc tiêu thụ caffeine vừa phải (mức cơ bản là 4 cốc) không ảnh hưởng đến nguy cơ mất nước. Tuy nhiên, nếu bạn đang uống nhiều cà phê đến mức bị mất nước, hãy đổi một số cốc cà phê trong ngày của bạn thành nước lọc, và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.
(Nguồn: Eat this not that)
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.