Dấu hiệu và cách chăm sóc sốt siêu vi ở trẻ

(lamchame.vn) - Một trong những bệnh mà trẻ hay gặp vào mùa hè là sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus. Việc nhận biết trẻ bị sốt siêu vi hay bị nhiễm vi khuẩn không hề đơn giản.

Hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng cao để chống lại tình trạng nhiễm virus cấp tính gọi là sốt siêu vi hay sốt virus. Căn bệnh này thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch kém.

sot-sieu-vi-o-tre.jpg

Những triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ

Thông thường, dấu hiệu sốt siêu vi sẽ đi kèm với những triệu chứng như: Ớn lạnh, xảy ra cùng một thời điểm trong ngày, thân nhiệt không có dấu hiệu giảm bớt dù đã uống thuốc hạ sốt, đau khớp, buồn nôn và nôn, sưng mặt, phát ban.

Mặt khác, đối với trẻ bị sốt siêu vi, các biểu hiện kèm theo thân nhiệt cao (38 – 39ºC) còn có thể bao gồm: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, ho, đau cơ, tinh thần uể oải, hay quấy khóc.

Chăm sóc và điều trị cho trẻ bị sốt siêu vi

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus đều diễn tiến tốt và trẻ sẽ hồi phục sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc và cung cấp chế độ ăn hợp lý giàu năng lượng.

Kháng sinh không hiệu quả khi tác nhân gây bệnh là virus. Vì vậy đừng tùy tiện cho bé sử dụng kháng sinh vì điều này không chỉ làm hao tốn tiền bạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gia tăng nguy cơ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm trong cộng đồng.

Để tránh tình trạng mất nước khi sốt, hãy khuyến khích trẻ uống nước nhưng không nên cho trẻ uống một lần quá nhiều. Hãy cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước lọc, dung dịch oresol, nước trái cây hay sữa mát lạnh mỗi 15 phút để cung cấp đầy đủ nước, làm ẩm và làm dịu cơn đau rát ở vùng hầu họng giúp trẻ dễ nuốt hơn và ít bị nôn ói. Bạn có thể yên tâm khi làm điều này bởi lẽ nước đã được làm mát sẽ không làm cho tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn.

Khi trẻ sốt, bên cạnh việc dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol ( 10-15mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ), Ibuprofen (5-10mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ) hãy lau mát cho trẻ tại các vị trí như trán, nách, bẹn bằng nước ấm để giúp hạ nhiệt nhanh hơn. Mặc dù Aspirin giảm đau và hạ sốt rất hiệu quả nhưng tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng thuốc này khi bị nhiễm siêu vi vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn do tổn thương gan, não.

Ăn đồ ăn dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp; chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ép bé ăn quá nhiều trong 1 bữa.

Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.

Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu sốt cao liên tục 3 ngày; trẻ dưới 2 tháng tuổi; trẻ có bệnh lý mạn tính như tim mạch, hen suyễn kèm theo; đau bụng ngày càng tăng; nôn ói, tiêu chảy quá nhiều; nhức đầu dữ dội, cứng cổ; bứt rứt; quấy khóc, li bì khó đánh thức; khó thở, tím tái; chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu hoặc đi cầu có máu…

Khi bị sốt siêu vi, trẻ thường bình phục sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên cha mẹ cũng hết sức lưu ý trong việc theo dõi diễn biến của bệnh cũng như cách chăm sóc điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang