Đau vùng kín nhưng ngại không nói cho bố mẹ biết, bé trai suýt phải cắt bỏ tinh hoàn

Bỗng dưng bị sưng đau dữ dội ở vùng khó nói nhưng trẻ giấu bố mẹ, đến khi không chịu được nữa thì gia đình mới phát hiện ra và đưa con vào bệnh viện cấp cứu.

Thông tin từ các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp (Hà Nội) vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp trẻ trai bị xoắn tinh hoàn trái. Đó là bệnh nhi 14 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội bị đau dữ dội ở vùng bẹn trái song không dám nói với bố mẹ.

Theo lời kể của gia đình, ngày 5/9, trẻ vẫn đi dự lễ khai giảng tại trường bình thường, có nô đùa chảy nhạy với các bạn. Tuy nhiên, sau đó trẻ bỗng dưng bị sưng đau dữ dội vùng bẹn trái. Vì bệnh lý ở vùng khó nói nên trẻ giấu bố mẹ. Đến khi không chịu đựng được, gia đình phát hiện đưa con vào bệnh viện cấp cứu thì đã là 10 giờ sau.

Sau khi đưa vào viện các bác sĩ siêu âm doppler cho thấy đã mất mạch nuôi tinh hoàn trái, nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn trái rất lớn. Ngay lập tức trẻ được chỉ định mổ cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn trái, đồng thời cố định tinh hoàn phải.

Trong quá trình mổ các bác sĩ nhận thấy tinh hoàn sau tháo xoắn hồng tốt. Siêu âm doppler mạch tinh hoàn sau mổ 3 giờ cho thấy tưới máu tốt 2 bên.

 Nam bệnh nhân nhi 14 tuổi  suýt bị cắt bỏ tinh hoàn vì giấu bố mẹ  - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Theo các bác Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa. Bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm để bảo tồn tinh hoàn. Nếu xoắn tinh hoàn không được xử trí, điều trị kịp thời có thể gây tổn hại vĩnh viễn tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn bắt buộc phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở 10-25 tuổi.

Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em gây nguy hiểm đến khả năng sinh sản của trẻ nếu không được các bác sĩ can thiệp kịp thời do tinh trùng thiếu máu dẫn đến hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trong trường hợp phải cắt bỏ một bên, bên còn lại vẫn hoạt động bình thường nhưng khả năng sinh sản của trẻ sẽ không còn như trước.

Mức độ xoắn cũng ảnh hưởng đến tốc độ bị phá hủy của tinh hoàn, xoắn càng chặt thì tinh hoàn càng thiếu máu nhiều và dễ bị hoại tử sớm hơn. Theo nguyên tắc chung, nếu được xử lý trước 6 giờ thì tinh hoàn có khả năng phục hồi là 83%, trước 10 giờ tỷ lệ này giảm xuống 70%, sau 10 giờ khả năng giữ lại được tinh hoàn chỉ còn 10%. Xoắn tinh hoàn nếu không được điều trị kịp thời dễ gây hoại tử tinh hoàn, dẫn đến mất chức năng của tinh hoàn gây vô sinh.

Bệnh mặc dù khó phát hiện đối với trẻ do chúng quá nhỏ nhưng người lớn có thể dễ dàng phát hiện nếu thấy trẻ có những triệu chứng như: sưng tấy đỏ tinh hoàn; đau tinh hoàn; da bìu chảy xệ, sẫm đỏ; nóng sốt cao;…

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang