Lời hứa rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách dạy trẻ trở thành một người có chữ tín, trách nhiệm với lời nói của mình.
“Bỏ qua” chữ tín vì con còn… nhỏ
Hiểu một cách đơn giản, lời hứa là sự biểu đạt giá trị và uy tín lời nói của một người trong mối quan hệ. Đây cũng là đức tính tốt mà cha mẹ cần dạy cho trẻ. Bởi, điều đó cần thiết trong sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ.
Dạy con giữ lời hứa, có nghĩa là cha mẹ dạy trẻ biết tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình, là một người uy tín, được mọi người quý mến và tin tưởng. Khi biết giữ lời hứa, trẻ sẽ nhận được sự tín nhiệm, tin yêu từ bạn bè, cha mẹ, thầy cô.
Tuy nhiên, thực tế, trong quá trình dạy con giữ lời, không phải phụ huynh nào cũng làm gương.
Chị Thanh Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trường hợp điển hình. Mỗi chiều đi làm về, chị thường mệt mỏi, đặt lưng xuống ghế và nói với con gái Thỏ (5 tuổi) đang chơi bên cạnh: “Mẹ mệt quá, mai là ngày nghỉ, mình ở nhà chơi thôi nhé”. Mỗi lần như vậy, Thỏ đều phụng phịu: “Nhưng mẹ hứa cuối tuần cho con đi chơi rồi mà. Tuần nào mẹ cũng hẹn như thế. Con rất buồn vì mẹ không giữ lời hứa”.
Sau mỗi câu của Thỏ, chị Thủy thường cáu gắt và cho rằng, con gái phải biết hiểu là mẹ đi làm cả tuần đã rất mệt mỏi. Thậm chí, dù con gái khóc và cho biết, bé tủi thân vì mẹ không thực hiện như lời đã nói, nhưng chị Thủy cũng không quan tâm nữa. Nữ phụ huynh này cho rằng, con còn nhỏ, nên sẽ nhanh chóng quên những lời hứa của mẹ.
Suốt cả tháng trời, với lý do đi làm về mệt, chị Thủy đã thành công để bé Thỏ ở nhà vào cuối tuần. Thường xuyên mong được đi chơi vào ngày nghỉ, nhưng cuối cùng, Thỏ luôn nhận về sự thất vọng. Một thời gian sau, bé không còn muốn nhắc lại lời hứa ấy. Thấy mẹ đi làm về là Thỏ tự chơi một mình, thậm chí cũng không cần mẹ chơi cùng.
Trong khi đó, chị Hải Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) lại tự hào khoe rằng: “Bon nhà mình mới lên hai nhưng đã khôn hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác. Khi chơi cùng bọn trẻ trong xóm, thấy bạn có đồ chơi đẹp là bé nịnh bạn mượn bằng được. Hứa là cho mượn về nhà xíu thôi, lát Bon mang sang trả liền. Thế là cu cậu xù luôn…”.
Có “cả tá” câu chuyện với vô vàn tình huống khác nhau về việc “nói lời không giữ lấy lời…” ở người lớn và trẻ nhỏ. Song, theo các chuyên gia, điều quan trọng là cha mẹ đừng nghĩ rằng, trẻ chưa hiểu gì về chữ tín. Thậm chí, việc cho rằng, trẻ sẽ nhanh chóng quên đi những lời hứa hẹn của cha mẹ mình cũng là quan điểm sai lầm.
Trước đó, đến với chương trình truyền hình “Điều con muốn nói”, bé Tăng Gia Hân đặt trong “Chiếc hộp bí mật” một tấm hình có hai bàn tay móc nghéo như biểu thị của một sự cam kết, giữ lời hứa. Trò chuyện với MC Ốc Thanh Vân, cô bé cho biết: “Mẹ con hay hứa nhưng lúc nào cũng thất hứa. Mẹ hứa buổi chiều đó đi ăn lẩu, nhưng tới chiều thì tùy tâm trạng, mẹ giận là mẹ không đi”. Gia Hân thẳng thắn nói thêm: “Tụi con làm gì sai một chút là mẹ rất bực mình. Mỗi lần mẹ hứa điều gì đều kèm theo một câu “tùy theo tâm trạng”. Điều đó khiến con khó chịu và không tin vào lời hứa của mẹ nữa”.
Nghe bé kể, người dẫn chương trình Ốc Thanh Vân chỉ biết “kêu trời”. Chị Thu Hồng - mẹ bé Gia Hân giải thích, ông xã chị làm bên truyền thông giáo dục, đi công tác suốt, có khi cả tuần, cả tháng. Một mình chị phải chăm sóc ông bà và hai con.
Hằng ngày, chị lo chuyện nhà cửa, bếp núc, chuyện ăn học của hai con rất vất vả. Nhiều khi thấy con ở nhà mãi, không được đi chơi, chị cũng thấy tội. Chị hứa dẫn con đi siêu thị, đi uống trà sữa, ăn lẩu, nhưng rồi hôm đó lại xảy ra nhiều chuyện khiến chị bực mình nên không còn hứng thú đi nữa.
Dạy trẻ bằng hành động
Theo giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), việc dạy con tôn trọng lời hứa, chữ tín là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ giảng giải cho bé rằng, con phải biết giữ lời hứa, tạo được sự tin tưởng của cha mẹ và mọi người, nhưng trong khi đó, phụ huynh lại luôn thất hứa, thì phương pháp giáo dục này cũng không có tác dụng.
Thay vào đó, cha mẹ hãy thể hiện cụ thể qua ứng xử hằng ngày một cách nghiêm túc. Khi đã hứa với con điều gì, thì nhất định phụ huynh phải thực hiện. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách luôn tôn trọng lời hứa, chữ tín của bản thân và người khác.
Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý không nên hứa hẹn tùy tiện. Một số phụ huynh muốn con nghe lời nên không tiếc buông ra những lời hứa hẹn, dù biết rằng khó thực hiện. Bởi vậy, cha mẹ cần suy xét trước khi hứa. Không nên vì nhất thời muốn làm dịu tình hình mà hứa suông với con. Thực tế, khi muốn con thực hiện điều gì đó, cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách khác thay vì hứa hẹn.
“Một điều khác cha mẹ cần lưu ý là nên khuyến khích trẻ tự đánh giá bản thân. Sau khi trẻ thực hiện những điều mà cha mẹ yêu cầu trước đó hoặc những điều mà trẻ đã cam kết, hãy khuyến khích con tự đánh giá về mình xem có xứng đáng để được phụ huynh thực hiện lời hứa hay không. Điều này tạo cho trẻ tính trung thực, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm”, giáo viên Mai Chi cho biết.
Trong trường hợp thất hứa, cha mẹ nên xin lỗi con. Nếu không thể thực hiện được lời hứa vì lý do chính đáng nào đó, cha mẹ nên thành thật nhận lỗi.
Phụ huynh không nên nghĩ rằng, hành động này sẽ hạ thấp uy tín của cha mẹ trong mắt trẻ. Trái lại, bằng việc trò chuyện thân mật và giải thích cho con hiểu, chắc chắn, phụ huynh sẽ nhận được sự cảm thông chân thành từ con. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể chọn lựa một phần quà khác thay thế hoặc một thời điểm khác để thực hiện lời hứa ban đầu. Làm như vậy, trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng, thương yêu và tin tưởng vào cha mẹ nhiều hơn. Đồng thời, trẻ cũng sẽ học được cách xử lý tình huống khi nói và thực hiện lời hứa với người khác.
“Phụ huynh tuyệt đối không nên dung túng cho những hành động thất hứa của con. Con thất hứa lần đầu, cha mẹ có thể tha thứ, nhưng không quên khẳng định rằng: ‘Mẹ chỉ bỏ qua cho con lần này thôi nhé. Mẹ sẽ phạt nếu con còn hứa suông như thế nữa’. Bằng sự nghiêm túc này, trẻ sẽ có cơ hội để sửa sai”, giáo viên Mai Chi chia sẻ.
Chia sẻ về chữ tín, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, việc cha mẹ giữ lời hứa với con cũng chính là bài học dạy trẻ về trách nhiệm.
“Là khi con nói ra điều gì đó, hãy có trách nhiệm với lời nói đó của mình. Những đứa trẻ sống có trách nhiệm luôn phải được bắt đầu từ việc cha mẹ có trách nhiệm với mỗi lời nói ra của mình trước mặt con trẻ. Cha mẹ nói là cha mẹ làm, cha mẹ hứa là cha mẹ sẽ thực hiện, cha mẹ không nói suông. Cha mẹ không phải là những người tùy tiện nói theo cảm xúc tức thời, vui thì xin gì cũng cho, đang bực thì sai sót nhỏ cũng thành lỗi lầm lặp lại”, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Anh cho rằng, cha mẹ thường khó để rành rẽ cảm xúc của bản thân, nếu đang tức thì sẽ không thể thay đổi 180 độ vui vẻ với con được. Hoặc, khi đang bù đầu với công việc của công ty, thì cha mẹ cũng khó có thể nhẹ nhàng nhắc nhở con nếu trẻ làm đổ bát cơm. Do đó, nhiều khi, cha mẹ cũng “giận cá chém thớt”. Tuy nhiên, thực tế, trẻ bao dung hơn người lớn nghĩ. Trẻ sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ nếu phụ huynh xin lỗi và nhận sai sau đó.
“Bọn trẻ của chúng ta không giận cha mẹ lâu, không hận thù cha mẹ, không thù dai đâu, nếu phụ huynh biết nói lời xin lỗi với con. Kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình cũng là một cách dạy con trưởng thành ít đau đớn hơn rất nhiều các cha mẹ ạ!”, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.