Học sinh lớp 10 sẽ được học về an ninh mạng
Đó là yêu cầu được đưa ra trong Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Thông tư này áp dụng đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THPT và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 và thay thế cho Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường THPT.
Siết quy trình thẩm định, phê duyệt SGK
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội.
Sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung SGK tiếng Việt lớp 1, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông.
Một trong những nội dung quan trọng là Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK, thay vì giao quyền chủ động hoàn toàn cho nhà xuất bản như trước. Bên cạnh đó, Bộ sẽ công bố bản mẫu để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt. Bộ cũng đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT đề nghị tổ chức cho GV dạy các môn học, hoạt động giáo dục trên cả nước tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6.
Giảm đầu điểm kiểm tra
Năm 2021 cũng là năm đổi mới mạnh mẽ trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt với cấp THCS và THPT bằng việc Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT có hiệu lực thi hành cùng các văn bản hướng dẫn kèm theo. Nhiều thay đổi cụ thể như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra...
Học sinh có trọn vẹn 3 tháng nghỉ hè
Năm học 2020-2021, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 01/9, khai giảng ngày 05/9, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021.
Như vậy, theo như kế hoạch thời gian năm học trên đây, thì năm học 2020-2021, học sinh sẽ có thời gian nghỉ hè kéo dài ít nhất trong 3 tháng.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch thời gian năm học đảm bảo số tuần thực học của bậc mầm non, giáo dục phổ thông ít nhất 35 tuần, trong đó học kỳ I ít nhất 18 tuần và học kỳ II ít nhất 17 tuần; đối với bậc giáo dục thường xuyên, thời gian thực học ít nhất 32 tuần, mỗi học kỳ ít nhất 16 tuần thực học; riêng thời gian nghỉ lễ, Tết thực hiện theo Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hàng năm.
Bỏ quy định lỗi thời về kỷ luật, khen thưởng học sinh
Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh trong quy định hiện hành về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông là việc phê bình trước lớp, trước toàn trường; quy định đuổi học học sinh…
Chính vì vậy, dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông dự kiến ban hành trong năm 2021 sẽ bãi bỏ các quy định này. Thay vào đó, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là "kỷ luật tích cực" với từng học sinh.
Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là "tạm dừng học tập trên lớp", thay thế cho cụm từ "đuổi học" trong quy định hiện hành. Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng "lạm phát" giấy khen học sinh giỏi như thời gian qua, dự thảo thông tư mới dự kiến việc tặng giấy khen của hiệu trưởng cho học sinh sẽ chỉ tiến hành vào cuối mỗi năm học, thay vì cuối học kỳ như hiện nay. Chỉ tặng giấy khen với những học sinh thực sự xuất sắc, không có giấy khen cho học sinh tiên tiến (khá) hay giấy khen từng mặt... như hiện nay.
Công nhận dạy học trực tuyến
Năm 2020, vì đại dịch Covid-19, gần 24 triệu học sinh - sinh viên của khoảng hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT cả nước không thể đến trường. Xác định chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH tăng cường hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình.
Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, Việt Nam có gần 80% học sinh được học trực tuyến. Dựa vào kinh nghiệm và đòi hỏi thực tiễn của hình thức dạy học này, Bộ đã xây dựng dự thảo thông tư ban hành quản lý dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.
Tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên
Theo Nghị định 135/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần. Tuy nhiên, một số giáo viên có thể được nghỉ hưu trước tuổi nếu trong các trường hợp đặc thù.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
100% giáo viên THPT phải đạt chuẩn Giáo dục quốc phòng và an ninh
Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cấp trung học phổ thông (THPT) có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Theo đó, 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường THPT và của pháp luật; được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình GDPT và đặc thù môn học.
Với chương trình ở lớp, tổng thời lượng cho cả môn học là 105 tiết, trong đó, lớp 10 học 35 tiết, lớp 11 học 35 tiết, lớp 12 học 35 tiết. Căn cứ chương trình năm học, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm đủ thời gian. Thời lượng kiến thức dành cho từng nội dung giáo dục do tác giả sách giáo khoa và giáo viên chủ động sắp xếp căn cứ yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và thực tế dạy học.
Người đi học cử tuyển không được quá 22 tuổi
Nghị định 141/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/1/2021. Trong đó, điều 6 quy định những tiêu chuẩn chung về tuyển sinh theo chế độ cử tuyển. Cụ thể, người đi học cử tuyển không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành (ở quy định cũ, số tuổi này là 25).
Ngoài ra, người đi học diện này phải thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này. Họ cần đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển và phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/day-la-nhung-doi-moi-giao-duc-nam-2021-lien-quan-truc-tiep-den-giao-vien-va-hoc-sinh-bo-me-dac-biet-luu-y-162210301220427606.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.