Để bé khóc nhiều mà không dỗ liệu có tổn thương tâm lý và ý kiến của chuyên gia

Nếu được quan tâm và chăm sóc chất lượng, nhất quán và yêu thương, cùng với các tác nhân hỗ trợ từ cộng đồng, trẻ nhỏ bị tổn thương từ các áp lực căng thẳng độc hại và nghiêm trọng có thể dần hồi phục.

"Vì lý do abc, xyz... em sợ con bị tổn thương tâm lý" - đây là băn khoăn lo lắng tôi hay nhận được từ các cha mẹ trong quá trình tư vấn và làm việc cùng các phụ huynh. Trẻ nhỏ bị tổn thương tâm lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần khi lớn lên - là nỗi lo rất chính đáng.

Tuy nhiên, hiểu thế nào cho đúng về "tổn thương tâm lý" và "căng thẳng tinh thần" ở trẻ nhỏ? Làm sao để biết là con có đang bị stress, và con có khả năng đương đầu với những "thể loại stress" nào, khi khả năng nhận thức và ngôn ngữ của con chưa đủ để nói cho chúng ta biết? Hay có thật sự chính xác khi đưa ra nhận định "để trẻ khóc NHIỀU" là trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý?

Theo ZERO TO THREE (*) có 4 mức độ Stress - Căng thẳng thần kinh khác nhau có thể tác động lên trẻ nhỏ, được phân loại theo cấp độ như sau:

1. Positive Stress – Các áp lực căng thẳng tích cực 

Đúng vậy, không phải loại Stress. Áp lực căng thẳng nào cũng là tiêu cực và xấu xa. Các loại áp lực tích cực mà trẻ thường xuyên đối diện hàng ngày có thể kể đến như: thử thách trèo cầu thang lần đần tiên, ngày đầu tiên đi học, phản kháng giấc ngủ trưa bằng những tràng khóc lóc rồi mới "yên lòng" đi ngủ…

4 mức độ stress tác động lên trẻ nhỏ, bố mẹ cần hiểu rõ để con không phải lớn lên trong cảm giác đau khổ tuyệt vọng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Đối với những sự kiện thử thách này, thật ra trẻ có thể tự mình xoay xở được, hoặc chỉ cần sự hỗ trợ của người lớn ở mức độ tối thiểu rất ít. Để phản hồi lại những căng thẳng này, cơ thể trẻ sẽ sản sinh ra một lượng nhỏ hormone Cortisol (loại hormone giúp cơ thể kiểm soát tình trạng căng thẳng, sợ hãi).

Áp lực căng thẳng tích cực thật ra rất có lợi, vì nó tạo kích thích não bộ phát triển khả năng tự điều tiết, và hỗ trợ chúng ta học được cách phản ứng thích hợp trước các mối nguy hiểm hay rủi ro tiềm ẩn trong cuộc sống.

2. Tolerable Stress – Các áp lực căng thẳng có thể chịu được

Là các sự kiện thử thách trong cuộc sống với mức độ khó khăn hơn so với các Áp lực Tích cực, ví dụ như: một người thân qua đời, bị chấn thương, trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc bệnh tật dài ngày trong bệnh viện.

Khi nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc và xoa dịu từ người chăm sóc trong những giai đoạn căng thẳng này, trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn và an tâm, mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ sẽ sớm quay trở lại mức bình thường, và sẽ không để lại tác động tiêu cực nào cho sự phát triển não bộ.

4 mức độ stress tác động lên trẻ nhỏ, bố mẹ cần hiểu rõ để con không phải lớn lên trong cảm giác đau khổ tuyệt vọng - Ảnh 2.
 

3. Toxic Stress - Các áp lực căng thẳng độc hại 

Trẻ sẽ chịu đựng các áp lực độc hại khi phải thường xuyên đối diện với các trải nghiệm bất lợi, tiêu cực mà không nhận được sự hỗ trợ hay xoa dịu từ người lớn. Ví dụ: trẻ bị ngược đãi: bạo hành hoặc bỏ bê; người chăm sóc trẻ có vấn đề tinh thần – tâm lý như trầm cảm; nghèo đói…

Các áp lực căng thẳng độc hại thường làm mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ luôn ở mức cao bất thường, qua thời gian dài, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của trẻ.

Traumatic Stress - Các áp lực căng thẳng gây tổn thương

Mức độ căng thẳng cuối cùng thường khi kèm các sự kiện gây ra chấn thương nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ như: bạo hành gia đình, bị ngược đãi, tai nạn sống còn, các sự kiện thiên tai thảm họa…

Những trải nghiệm gây tổn thương này khiến cho mức độ Cortisol trong cơ thể trẻ duy trì ở mức độ cao liên tục, trở thành mãn tính, cùng với các phản ứng tự phòng vệ khác của cơ thể, gây ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ qua thời gian dài.

Để bé khóc nhiều mà không dỗ liệu có tổn thương tâm lý và ý kiến của chuyên gia - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Vai trò của người chăm sóc để giúp trẻ vượt qua các thử thách căng thẳng

Khi những người thân quan trọng cung cấp cho trẻ sự quan tâm và chăm sóc chất lượng, nhất quán và yêu thương, cùng với các tác nhân hỗ trợ từ cộng đồng, trẻ nhỏ bị tổn thương từ các áp lực căng thẳng độc hại và nghiêm trọng có thể dần hồi phục. Ngược lại, nếu thiếu vắng sự chăm sóc và bù đắp, trẻ sẽ tiếp tục lớn lên trong cảm giác đau khổ tuyệt vọng tích lũy theo năm tháng.

Cha mẹ cũng có thể chịu ảnh hưởng tâm lý và tinh thần từ những sự kiện căng thẳng xảy đến với con mình. Việc hỗ trợ cảm xúc và trị liệu cho cha mẹ để giải tỏa những căng thẳng và tổn thương, nếu cần thiết, cũng góp phần giúp cho việc chăm sóc và hồi phục của trẻ nhỏ diễn tiến tích cực hơn.

(*) ZERO TO THREE là một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia của Mỹ, cung cấp thông tin dựa trên cơ sở khoa học, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cha mẹ trong nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ những năm tháng đầu đời.

Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em & Gia đình, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh, trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ Nuôi dạy con Tích cực.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn còn là một chuyên gia đào tạo chương trình quốc tế TRIPLE P – Positive Parenting Program, được Liên Hiệp Quốc và CDC xếp hạng là một trong 4 chương trình dạy con hiệu quả nhất thế giới, dựa trên bằng chứng khoa học.

Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang