Để vật nặng lên rồi bảo 3 con trai đi qua cửa, bậc thầy kiếm pháp dạy con bài học sâu sắc

Ba người con trai của bậc thầy kiếm pháp này đều có cách ứng xử khác nhau theo đúng tính cách của họ. Dù không ai bị thương, nhưng người con trai thứ 3 khiến ông lo ngại nhất.

Tsukahara Bokuden là một bậc thầy kiếm pháp huyền thoại sống ở thế kỷ 16 của Nhật Bản. Không chỉ nổi danh với tài nghệ dùng kiếm của mình, Bokuden còn được nhiều người biết tới bởi trí tuệ uyên bác và đặc biệt là cách ông dạy dỗ 3 cậu con trai. 

Có một giai thoại nổi tiếng về cách dạy con của Bokuden như sau. 

Phép thử con trai của bậc thầy kiếm pháp

Bokuden có 3 cậu con trai. Một hôm, để biết các con mình là những người cẩn trọng ra sao, có năng lực đối phó với những thử thách trong cuộc sống như thế nào, ông đã nghĩ ra một phép thử đặc biệt. Ông đặt một vật nặng ở phía trên cánh cửa, và để cánh cửa khép hờ, sau đó lần lượt gọi các con đến. 

Để vật nặng lên rồi bảo 3 con trai đi qua cửa, bậc thầy kiếm pháp dạy con bài học sâu sắc - Ảnh 1.

Bậc thầy kiếm pháp nổi tiếng của Nhật Bản Tsukahara Bokuden (1489 - 1571).

Đầu tiên là cậu con trai cả Hikoshiro, người có tính cách hòa nhã, được tất cả mọi người đều yêu mến. Khi được cha gọi đến, yêu cầu đi qua cánh cửa, Hikoshiro đã đi đến, mở cánh cửa một cách cẩn trọng. Nhận thấy nó nặng hơn bình thường, Hikoshiro biết có chuyện gì đó không ổn và không cố gắng mở cửa nữa. 

Cậu nhìn lên trên, phát hiện ra vật nặng và nhẹ nhàng tìm cách lấy nó xuống rồi đi qua cánh cửa. 

Chứng kiến điều đó, bậc thầy Bokuden rất hài lòng, nhưng không thể hiện ra ngoài, chỉ bảo cậu con trai cả hãy để lại vật nặng lên trên cánh cửa như lúc trước.  

Vài ngày sau, Bokuden lại muốn thử thách Hikogoro - cậu con trai thứ 2 của mình giống như vậy.  

Có thể nói, Hikogoro là mẫu con trai nhanh nhẹn, hoạt bát. Tuy không cẩn thận như người anh cả, song cậu lại rất tự tin về các kỹ năng của mình. 

Sau khi được cha gọi vào phòng, Hikogoro nhanh chóng đứng dậy và đi tới chỗ cánh cửa. Không suy nghĩ nhiều, cậu đẩy nó thật mạnh. Vật nặng phía trên bị tác động lực mạnh nên đã rơi xuống, song vì có thân thủ nhanh nhẹn nên Hikogoro đã bắt được nó khi nó còn chưa kịp rơi xuống đất. 

Bokuden quan sát phản ứng mau lẹ của con trai mình rồi trầm ngâm suy nghĩ.  

Vài ngày sau, ông lại quyết định tiếp tục thử thách cậu con trai út, Hikoroku. Hikoroku là người có tính cách bốc đồng nhất trong 3 cậu con trai, song cậu luôn là người vui vẻ, dễ gần và được người khác yêu mến. Bokuden dành rất nhiều tình cảm cho người con út này, song ông cũng hết sức lo lắng cho cậu. 

Sau khi được cha gọi tới, Hikoroku đã chạy vội tới chỗ cánh cửa và lấy hết sức đẩy mạnh nó. Vật nặng phía trên rơi xuống và sượt qua búi tóc của cậu. Hikoroku rút kiếm ra và chém vật nặng làm đôi trước khi nó rơi xuống dưới mặt đất. 

Chứng kiến phản ứng của con trai út, Bokuden cười lớn, tỏ ra rất tự hào về điều này, song trong thâm tâm, ông lại lo lắng nhất cho Hikoroku. 

Và bài học Bokuden dạy con

Ông gọi cả 3 cậu con trai lại rồi kể cho họ nghe một chuyện đã từng xảy ra với chính ông cách đó nhiều năm. Khi đó, Bokuden có một cậu học trò rất nhanh nhẹn, cả về tư duy lẫn hành động, và thường là người chiến thắng trong các cuộc thi.  

Để vật nặng lên rồi bảo 3 con trai đi qua cửa, bậc thầy kiếm pháp dạy con bài học sâu sắc - Ảnh 2.

Cậu học trò tài giỏi nhưng bị thầy đuổi đi vì 1 sai lầm. (Ảnh minh họa)

Một hôm, khi đang đi trên đường, cậu học trò này đã nhìn thấy một con ngựa đang có dấu hiệu bồn chồn song vẫn quyết định tới gần nó. Đột nhiên, con vật nóng nảy đã tung vó đá cậu ta một cái. Nhưng vì có thân thủ nhanh nhẹn, cậu ta đã tránh được cú đá này, khiến ai đang chứng kiến đều vỗ tay khen ngợi kỹ năng của cậu ta. 

Cũng ngày hôm đó, cậu học trò gặp Bokuden và tự hào kể cho thầy nghe chuyện đã xảy ra. Bokuden chăm chú nghe, nhưng khi học trò nói xong, ông liền đuổi cậu ta đi và nói không bao giờ muốn gặp lại cậu ta nữa. Ai cũng ngạc nhiên. Tại sao Bokuden không đánh giá cao sự nhanh nhẹn của học trò chứ? 

Ba cậu con trai của Bokuden lắng nghe cha kể chuyện. Người con cả im lặng, và dường như đang suy nghĩ về những gì nghe được. Cậu con trai thứ 2 trông có vẻ rất thích thú trước câu chuyện, còn cậu con út thì trông bối rối và lo lắng. 

"Tại sao cha lại đuổi 1 người có kỹ năng giỏi như vậy? Có phải cha lo ngại cậu ta sẽ chiếm vị trí của mình không?", không hề giấu giếm, Hikoroku thẳng thắn chất vấn cha mình. 

Trước câu trả lời này, Bokuden bình tĩnh đáp lời: "Một người đàn ông không biết dự đoán nguy hiểm mà chỉ biết phản ứng khi nó đã xảy ra thì không xứng đáng là học trò của ta. Nếu là người thông minh, cậu ta sẽ không đến gần con ngựa như vậy". 

Ba cậu con trai nghe xong thì đều im lặng. Người con trai thứ hai và thứ ba đã hiểu thông điệp mà cha gửi đến cho họ mà không cần phải giải thích một cách trực tiếp. Họ đi ra khỏi phòng, hổ thẹn cúi đầu. 

Lời bình: Thực ra, phép thử mà bậc thầy kiếm pháp nổi tiếng của Nhật Bản đặt ra cho các con, chung quy lại cũng chỉ để dạy họ về sự cẩn trọng trong cuộc sống mà thôi.

Sự nhanh nhẹn, hoạt bát, sôi nổi là những đặc điểm tất yếu ở đa số những người trẻ tuổi. Song nếu chỉ cậy vào tuổi trẻ và tài năng của mình mà quên đi sự cẩn trọng thì người ta rất dễ tự đưa mình vào nguy hiểm, hoặc khiến bản thân bị thua thiệt. 

Đây là câu chuyện thật của một người bạn của tôi. Cô ấy là một người rất chăm chỉ, lại có kỹ năng bán hàng online. Dù ở nhà làm nội trợ, cô ấy ngoài việc chăm sóc con cái, còn bán được rất nhiều hàng, thu nhập tháng vừa rồi quả thật không tồi.

Thế nhưng, bỗng 1 hôm có 1 người bạn nhắn tin nói cần tiền gấp, nhờ cô ấy chuyển tiền vào tài khoản. Số tiền khá lớn, lên tới vài chục triệu. Nhưng vì đã vài lần cho người bạn ấy vay và thấy bạn rất sòng phẳng nên cô ấy chẳng mảy may nghi ngờ.

Cuối cùng, hóa ra tài khoản mạng xã hội của bạn cô ấy đã bị hack, cô ấy chỉ là 1 trong số những người bị lừa và thiệt hại một số tiền không hề nhỏ. Dù đã đi trình báo, nhưng cô ấy nói khả năng lấy lại được tiền là rất thấp.

Vậy chẳng phải chăm chỉ và tài giỏi mà không có sự thận trọng thì tất cả cũng đều về con số 0 tròn trĩnh ư?

Để vật nặng lên rồi bảo 3 con trai đi qua cửa, bậc thầy kiếm pháp dạy con bài học sâu sắc - Ảnh 3.

Người ta thường nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh, sự cẩn trọng là cách bảo vệ bản thân tốt nhất. 

Hầu hết mọi đau khổ, bất hạnh mà ta chuốc lấy đều do sự nóng vội và quá cả tin của ta gây ra. Vì vậy, trong đối nhân xử thế không cần nóng vội, quá nhiệt tình, mà cần sự nhẹ nhàng, hòa nhã và một chút suy tính. 

Con đường dẫn đến thành công chẳng bao giờ rải đầy hoa, chính vì thế, đừng để sự bất cẩn khiến bạn phải trả giá đắt, vì cẩn trọng không bao giờ là thừa. 

Theo Exploring Your Mind

Theo ICT Việt Nam

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang