Đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản

(lamchame.vn) - Người lao động tham gia BHXH tự nguyện không thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của luật BHXH hiện hành. Đây là một thiệt thòi lớn đối với lao động nữ làm việc ở khu vực phi chính thức dù đã tham BHXH tự nguyện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, nhằm khắc phục các hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành luật và bảo đảm hài hòa hơn lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH.

Đặc biệt, những đề xuất liên quan đến BHXH tự nguyên được người dân rất quan tâm. Trong đó, bổ sung quyền lợi về chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện là nội dung đáng chú ý nhất. Bởi theo quy định hiện hành, BHXH tự nguyện không chi trả cho quyền lợi này cho người tham gia. Điều này càng thiệt thòi hơn đối với lao động nữ lao động trong khu vực phi chính thức.

Tin vui: Đề xuất bổ sung chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Lao động nữ làm việc tự do thiệt thòi hơn lao động nữ làm việc trong khu vực chính thức về quyền lợi BHXH dù tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đó, tại Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra đề xuất là trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (hiện nay, theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không được trợ cấp thai sản), cụ thể như sau:

Đối tượng áp dụng

Theo Điều 4 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm:

(1) Trợ cấp hưu trí xã hội.

(2) Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

- Ốm đau;

- Thai sản;

- Hưu trí;

- Tử tuất;

- Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

(3) Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

- Thai sản;

- Hưu trí;

- Tử tuất;

- Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

(4) Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.

Như vậy, theo Dự thảo này thì đề xuất sẽ bổ sung chế độ thai sản, TNLĐ vào BHXH tự nguyện so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Tin vui: Đề xuất bổ sung chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 2.

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện là một trong những bước tiến quan trọng đảm bảo an sinh cho đối tượng là lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức. Ảnh minh hoạ.

Chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

* Đối tượng áp dụng chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện:

Đối tượng áp dụng chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện là người lao động tham gia BHXH tự nguyện tại mục (3).

* Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện:

- Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Lao động nữ sinh con;

+ Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

- Người lao động trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Tin vui: Đề xuất bổ sung chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 3.

* Mức hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện:

- Lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh.

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội dù điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Trợ cấp thai sản quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước đảm bảo.

* Hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau sinh con mà mẹ chết;

- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, trong đó đáng quan tâm là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang