Trong tủ thuốc của các gia đình, có lẽ hầu như không bao giờ thiếu một vài chai dầu gió. Dầu gió có vị cay, tính mát, có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng, giảm phù nề, làm cho tinh thần sảng khoái, gây mát và tê tại chỗ... do đó có thể sử dụng trong rất nhiều hoàn cảnh.
Chỉ vài giọt dầu gió bôi ở thái dương, ở vùng rốn cũng đủ để giải cảm, chống muỗi đốt, ngừa say tàu xe. Nhưng dầu gió còn đem lại nhiều tác dụng hơn thế. Chỉ cần bôi dầu gió vào lòng bàn chân trước khi ngủ, cơ thể sẽ thư giãn, ngủ ngon hơn và phòng ngừa bệnh tốt.
Theo y học cổ truyền, bàn chân có mối liên hệ vô cùng mật thiết với lục phủ ngũ tạng. Ví dụ: Lòng bàn chân đặc biệt có mối liên hệ với sức khỏe của thận, mu ngón chân út có liên quan đến bàng quang, mu ngón chân thứ hai liên quan đến dạ dày, ngón chân thứ tư liên quan đến gan... Do đó, xoa bóp bàn chân đúng cách bằng dầu gió trước đi ngủ có thể giúp bạn cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, từ đó hỗ trợ giấc ngủ, giữ ấm cơ thể, phòng bệnh hiệu quả.
Xoa bóp chân bằng dầu gió trước khi ngủ - bí quyết giữ gìn sức khỏe siêu dễ tại nhà
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) đánh giá rằng, chưa cần sử dụng dầu gió, riêng việc xoa bóp chân đều đặn hàng ngày trước khi ngủ đã rất tốt cho cơ thể. Lòng bàn chân có nhiều dây thần kinh kết nối đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Chính vì vậy, xoa bóp bàn chân đúng cách, 15 phút trước khi ngủ vừa giúp cơ thể thoải mái, dễ chịu lại còn lưu thông khí huyết. Từ đó, hỗ trợ chữa đau đầu, đau nửa đầu, hạ huyết áp...
Theo lương y Sáng, sử dụng các loại dầu nóng, bao gồm dầu gió để xoa bóp chân là một phương pháp dân gian nhưng rất có hiệu quả. Thứ nhất, dầu gió có mùi thơm nhẹ, the mát sẽ giúp thư giãn toàn cơ thể. Thứ hai, dầu gió sẽ làm ấm chân, rất quan trọng trong những ngày mùa đông, hơn nữa việc luôn luôn giữ cho đầu mát chân ấm cũng là nguyên tắc quan trọng để giữ gìn sức khỏe từ trước đến nay. Thứ ba, dầu gió làm ấm cơ thể, giúp phòng ngừa nhiều căn bệnh thời tiết như ho, cảm cúm một cách hiệu quả.
Ngoài ra theo Y học Trung Quốc: Khi gặp gió lạnh, trong cơ thể tích tụ hàn khí gây ra các triệu chứng đau mỏi, nhiễm lạnh, phụ nữ bị lạnh tử cung, lạnh phần phụ đều có thể bôi dầu gió vào bụng, vào chân thì sẽ cải thiện tình hình.
Để đạt được hiệu quả, bạn nhất định không nên bỏ qua những lưu ý này
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, bôi dầu gió như thế nào là đúng cách thì không có quy chuẩn nào cả. Nhưng trước khi bôi, tốt nhất mọi người nên nhớ:
- Rửa tay trước và sau khi bôi dầu để dầu gió không dính vào mắt, vào các cơ quan trên mặt gây khó chịu.
- Đối với bệnh nhân đau bụng, khó tiêu thì bôi vào vùng quanh rốn, còn nhức đầu bôi thái dương, muốn giữ ấm cơ thể thì bôi ở tay chân nhưng khi bôi miết nhẹ nhàng, day tròn, ấn bằng ngón tay trỏ.
- Đặc biệt, một ngày không nhiều hơn 3-4 lần và không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở.
- Những trường hợp mắc bệnh mãn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai khi dùng dầu gió cần có sự tư vấn của các bác sĩ.
- Ngừa ho, trị ho bằng phương pháp bôi dầu gió vào lòng bàn chân chỉ có tác dụng đối với chứng ho do nhiễm lạnh. Nếu bạn bị ho do mắc các bệnh mãn tính như viêm phổi, ho lao hoặc bị ho lâu ngày không khỏi thì không nên sử dụng cách này. Đặc biệt, nếu nhận ra bản thân ho liên tục nhiều ngày thì nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/dem-nao-cung-nho-vai-giot-dau-gio-vao-long-ban-chan-cac-co-quan-trong-co-the-ban-se-duoc-bao-ve-tot-khong-kem-dan-duoc-222020131220511809.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.