Trong thời gian mang thai, vấn đề hàng đầu mà thai phụ và gia đình quan tâm chính là sức khỏe của thai nhi. Các bà mẹ tương lai đều lưu ý vấn đề ăn uống, duy trì chế độ sinh hoạt và bổ sung vitamin cần thiết..., với mong cho em bé trong bụng phát triển khỏe mạnh. Thế nhưng nhiều khi vẫn có những vấn đề không may xảy ra khó đề phòng trước.
Bà bầu Tiểu Hoa (Trung Quốc) là một bà mẹ bận rộn và tham công tiếc việc. Dù đã mang thai nhưng cô vẫn không hề có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí còn không đi siêu âm và khám thai đều đặn.
Khi mang thai được 5 tháng, các thành viên trong gia đình giục giã mấy lần cô mới để chồng đưa đi khám thai và siêu âm màu, kiểm tra sức khỏe thai nhi. Khi nhìn hình ảnh thai nhi trên màn hình máy siêu âm, Tiểu Hoa vui vẻ nói với chồng: "Anh nhìn kìa, con đang cười với mình đấy".
Tuổi thai đã khá lớn nên hình ảnh siêu âm nhìn bằng mắt thường đã rõ nét, chồng của Tiểu Hoa thấy phần miệng của con nhếch lên như đang cười thì vui lắm. Hai vợ chồng hồ hởi bảo nhau rằng, đây chắc hẳn là 1 em bé hay cười.
Thế nhưng họ chưa vui mừng được bao lâu thì bác sĩ siêu âm lại đưa ra kết luận chẳng khác gì sét đánh ngang tai. Em bé của vợ chồng Tiểu Hoa không phải biết cười từ trong bụng mẹ mà vì em bé bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Nhìn qua hình ảnh siêu âm, vợ chồng cô mới tưởng rằng con đang cười với mình.
Sau khi tiến hành khám xét kỹ hơn cho trường hợp của Tiểu Hoa, bác sĩ kết luận, em bé của vợ chồng cô chỉ bị sứt môi thông thường, không liên quan đến những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khác như hội chứng Down hay tim bẩm sinh... Chính vì thế, vợ chồng cô chỉ cần đợi sinh em bé ra và tiến hành phẫu thuật cho con là được. Nghe vậy vợ chồng Tiểu Hoa mới thở phào nhẹ nhõm.
Hiện tượng sứt môi ở trẻ sơ sinh
Sứt môi là một khoảng trống bất thường trong vòm miệng xảy ra khi một số bộ phận của miệng không thể kết hợp với nhau trong thời kỳ đầu mang thai. Trong hầu hết các trường hợp trẻ bị sứt môi đều không rõ nguyên nhân.
Trẻ bị sứt môi, trước tiên, sẽ gặp khó khăn trong chuyện bú. Sau đó, em bé cũng có thể gặp vấn đề với lời nói và thính giác, nhiễm trùng tai, sâu răng và phát triển hàm. Trẻ em và người lớn sinh ra bị hở hàm ếch cũng có thể có giọng nói bằng mũi.
Phẫu thuật để sửa chữa khe hở môi thường được thực hiện khi em bé được từ 3 đến 6 tháng tuổi. Phẫu thuật để sửa chữa hở hàm ếch được thực hiện trong khoảng từ 9 đến 18 tháng.
Khi lớn lên, trẻ bị sứt môi hở hàm ếch cần được theo dõi chặt chẽ về thính giác hoặc lời nói. Bởi có khả năng trẻ sẽ có vấn đề ở tai giữa. Ngoài ra, trẻ cũng cần gặp nha sĩ hoặc bác sĩ chỉnh nha để điều trị nha khoa chuyên biệt.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/di-sieu-am-thai-vo-reo-len-chong-oi-em-be-dang-cuoi-voi-chung-ta-kia-song-bac-si-lai-thong-bao-tin-set-danh-216028
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.