Dịch sởi, chân tay miệng phát triển ngày càng nhiều tại Hà Nội, cần phòng tránh những gì?

Một điểm cần lưu ý theo BS Nhân, hàng năm tại Hà Nội, virus sởi thường “hoành hành” vào mùa đông - xuân (từ tháng 9 đến tháng 2), sau tháng 4 gần như không còn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm gần đây, bệnh sởi dường như diễn ra quanh năm.

Bác sĩ khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi Đ.M.P. Ảnh: V.Thu

Bác sĩ khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhi Đ.M.P. Ảnh: V.Thu

Nhiều ca nặng, phải dùng thuốc giúp tăng đề kháng

Cách đây hơn 1 tuần, bé Đ.M.P (9 tháng tuổi, ở Phúc Xá, Long Biên, Hà Nội) lên cơn sốt cao, ho nhiều. Gia đình đưa bé vào Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám. Sau nhiều xét nghiệm thăm khám, bé P được chẩn đoán viêm phổi nặng. Vài ngày sau, bé có biểu hiện nổi ban dạng sởi, ngay lập tức bé được chuyển đến Khoa Nội nhi tổng hợp, trong phòng cách ly và được cho thở máy CPAP (máy thở giúp phổi của trẻ trao đổi khí tốt hơn) vì phổi bé đã bị mờ, thâm nhiễm lan toả. Cùng đó, bé được chỉ định dùng thuốc Gama globulin – một loại thuốc miễn dịch được tiêm trong trường hợp bệnh nhân nặng, cần tạo miễn dịch chủ động trong cơ thể, từ đó làm gia tăng sức đề kháng.

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân – phụ trách Khoa Nội nhi tổng hợp cho biết, sau 5 ngày được thở máy, tình trạng bé P đã đỡ, các ban sởi mờ dần, bé đáp ứng máy thở tốt, hiện vẫn đang được tiếp tục điều trị. Bé sẽ phải mất tới 5-6 ngày nữa mới được “cai máy thở” và mất 10 ngày nữa mới có thể được ra viện.

Đây là trường hợp nặng đầu tiên trong năm 2018 được các bác sĩ Khoa Nội nhi tổng hợp chỉ định dùng thuốc Gama. Trước đó, Khoa cũng tiếp nhận một trường hợp mắc sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nặng, nhịp tim tăng sau đó, bệnh nhi được chuyển Khoa Hồi sức tích cực.

Hiện Khoa Nội nhi tổng hợp đang điều trị cho 8 ca mắc sởi trong tổng số 120 ca mắc sởi từ đầu năm đến nay. Cao điểm, có tuần, Khoa có tới 14-15 ca mắc sởi điều trị. Theo BS Nhân, con số này được đánh giá là cao so với năm 2017 (cao gấp 4 lần năm trước). Đặc biệt, trong 2 tuần nay, hầu như ngày nào Khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi sởi. Cá biệt, có những ca bạn bè cùng lớp học hay anh em cùng 1 nhà mắc chung bệnh sởi. “Trong đó tỉ lệ bênh nhân phải thở oxy, CPAP khá nhiều. Gần như bệnh nhi nào nhập viện cũng có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở oxy. Khoảng 10% bệnh nhi kèm theo thở CPAP”, BS Nhân cho hay.

Theo các bác sĩ, gần 100% các bé mắc sởi tại Khoa chưa được tiêm chủng vaccine phòng sởi đủ liều. Hầu hết các bé đều chưa được tiêm phòng, một số có tiêm thì chỉ mới tiêm được 1 mũi. Lý do được các phụ huynh đưa ra là mỗi lần dự định đi tiêm, bé lại ốm, hoặc cha mẹ quên lịch tiêm của con. “Có những bé đã 6-8 tuổi vì chưa được tiêm vaccine nên vẫn bị sởi… như thường”, BS Nhân nói.

Một điểm cần lưu ý theo BS Nhân, hàng năm tại Hà Nội, virus sởi thường “hoành hành” vào mùa đông - xuân (từ tháng 9 đến tháng 2), sau tháng 4 gần như không còn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm gần đây, bệnh sởi dường như diễn ra quanh năm.

Cùng lúc “chiến đấu” với bệnh sởi, các bệnh viện tại Hà Nội cũng chiến đấu cùng bệnh tay chân miệng. Tại Khoa Nội nhi tổng hợp, từ đầu năm đến nay có hơn 300 ca điều trị bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, vào tháng 6-7, cao điểm tại đây có hàng chục ca, có ngày bệnh nhi cấp cứu vì tay chân miệng phải nằm ghép 2 bệnh nhi/giường.

Theo BS Nhân, năm nay, diễn tiến bệnh tay chân miệng có nhiều điểm lưu ý khi số bệnh nhân nặng cao hơn các năm khác nhiều, nhiều bé khi vào viện đã có biến chứng thần kinh, vào tim, phải thở oxy, dùng thuốc an thần đường tiêm. “Chúng tôi đặt ra câu hỏi, liệu có sự biến đổi chủng virus hay không? Ghi nhận trực quan cho thấy, tỷ lệ lệ bệnh nhân tay chân miệng (nhóm 2, 3) phải dùng thuốc Gama glubolin khá nhiều. Nếu các năm trước chỉ khoảng 0,5-1% thì năm nay tỉ lệ này có khi lên tới 40%. Thậm chí cứ 2 ca vào viện thì 1 ca phải dùng Gama. Trong khi đó, thuốc này rất đắt tiền với giá 5,5-6 triệu/lọ, dùng theo cân nặng. Có những bé phải dùng tới hàng chục, trăm triệu tiền thuốc gama”, BS Nhân nói.

Cảnh giác cao độ với bệnh sởi

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Theo dõi dịch tễ trên thế giới, dịch sởi 4 năm quay lại một lần. Tại miền Bắc năm 2013 - 2014 xảy ra vụ dịch sởi lớn, theo chu kỳ, năm nay phải cảnh giác với sự quay trở lại của dịch sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, có 1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua dưới 9 tháng tuổi, tức là mắc trước khi đến tuổi tiêm chủng vaccine sởi. Một trong những lý do là mẹ không có miễn dịch với bệnh sởi nên không truyền được cho con.

“Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu việc tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay). Qua nghiên cứu, chúng tôi đánh giá tiêm chủng vaccine sởi khi trẻ ở tháng tuổi thứ 6 đảm bảo về hiệu quả miễn dịch", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc đẩy sớm tuổi tiêm vaccine sởi, khuyến khích các bà mẹ trong tuổi sinh nở tiêm vaccine sởi và việc triển khai tiêm vét cho các đối tượng có nguy cơ cao sẽ tiến tới loại trừ bệnh sởi sau năm 2020. Các chuyên gia cũng khuyến cáo các bà mẹ chuẩn bị mang thai tiêm vaccine sởi - rubella trước khi mang thai (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho mẹ và con.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.

Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan. Cha mẹ cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. Giúp trẻ giữ vệ sinh thân thể, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.

Để tránh bệnh lây lan, không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Khi thấy trẻ sốt cao hoặc bất thường, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Tính từ đầu năm tới hết tháng 7, toàn TP Hà Nội có gần 280 ca mắc sởi (tuần mới nhất có 18 ca mắc), cao gần gấp 5 lần so với tổng chung năm 2017 (chỉ có khoảng 60 ca). Đối với bệnh tay chân miệng, tuần qua Hà Nội ghi nhận 63 trường hợp, lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố có gần 1.100 ca mắc, phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn.

Một số lưu ý khi trẻ mắc sởi

- Không kiêng khem trong chế độ ăn để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.

- Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.

- Trẻ lớn cần đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

 

Theo giadinh.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang