Thế giới chuẩn bị khép lại năm 2021 và bước tới năm 2022 với nhiều niềm tin và hy vọng. Nhìn lại một năm đã qua, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn những xung đột, đau thương và mất mát.
Trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến một loạt sự kiện chấn động với nhiều mảng tối đan xen mảng sáng le lói. Mặc dù tình hình toàn cầu có nhiều biến động song hàng triệu người vẫn khát khao hướng tới một năm mới bình an hơn.
Tai nạn máy bay Indonesia
Vào đầu tháng 1, vụ tai nạn máy bay Boeing 737 của hãng Sriwijaya Air mang số hiệu SJ182 đã gây chấn động dư luận trong thời điểm đầu năm mới. Máy bay gặp nạn khi cất cánh từ sân bay quốc tế Jakarta Soekarno Hatta đến sân bay Pontianak Supadio, Indonesia.
Toàn bộ 62 người có mặt trên chuyến bay định mệnh gồm 2 phi công, 4 tiếp viên, 50 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng. Kết quả điều tra cho thấy, ở độ cao khoảng 3.300m, hệ thống lái tự động của máy bay ngừng hoạt động, máy bay bị nghiêng sang trái và bắt đầu rơi.
Tàu chở hàng khổng lồ mắc kẹt
Vào tháng 3 vừa qua, tàu chở hàng Ever Given dài 400m, nặng 224.000 tấn đã mắc kẹt ở kênh đào Suez (Ai Cập) sau khi bị mất kiểm soát do gió lớn và bão bụi. Vụ mắc cạn của "siêu tàu" chở hàng đã khiến giao thương ở kênh đào Suez đình trệ nghiêm trọng, làm cho thế giới điêu đứng.
Vụ mắc cạn đã gây tắc nghẽn tại tuyến đường biển quan trọng suốt 6 ngày vào đúng thời điểm thế giới quay cuồng vì những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng, trong đó có mặt hàng dầu khí. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu đã tăng khoảng 5%.
Hoàng tế Philip qua đời
Vào ngày 9/4, Hoàng tế Philip, người chồng tận tụy của Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 99. Tang lễ của ông được tổ chức trang trọng vào ngày 17/4, thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận.
Hình ảnh Nữ hoàng Anh ngồi một mình dự tang lễ của chồng tại Nhà nguyện Thánh George để tuân thủ các quy định an toàn phòng chống đại dịch Covid-19 đã phần nào khắc họa nỗi đau về sự chia lìa, cô độc do đại dịch gây ra trên toàn thế giới.
Làn sóng đại dịch thứ hai ở Ấn Độ
Những lò hỏa táng nổi lửa suốt ngày đêm, hàng nghìn người nằm la liệt ở bệnh viện với lời cầu xin có được bình oxy, biết bao thi thể bị vùi lấp gần sông Hằng... đó là thảm kịch mà Ấn Độ đã phải trải qua trong làn sóng đại dịch thứ hai vào tháng 4 vừa qua.
Đợt dịch này đã tàn phá Ấn Độ, giết chết hàng nghìn người mỗi ngày và liên tục lập kỷ lục thế giới về số ca lây nhiễm từng ngày. "Cơn ác mộng" mang tên đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề ở nhiều nơi trên thế giới trong năm 2021.
Cầu thủ bóng đá đột quỵ
Vào tháng 6 vừa qua, làng bóng đá thế giới đã xảy ra một sự kiện chấn động in sâu trong tâm trí của nhiều người. Cầu thủ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch đã bất ngờ đột quỵ ngay trong trận đấu với đối thủ Phần Lan tại Euro 2021.
Khoảnh khắc tiền vệ Christian Eriksen ngã xuống, đội ngũ y tế cấp cứu trên sân, các cầu thủ Đan Mạch đứng xung quanh để tạo thành tấm "lá chắn" bảo vệ quyền riêng tư cho người đồng đội trước ống kính máy quay đã trở thành hình ảnh đáng nhớ nhất và khiến bao người xúc động.
Hành động các cầu thủ lập rào chắn suốt 13 phút trong khi các nhân viên y tế giành giật lại sự sống của Eriksen đã trở thành biểu tượng đầy tính nhân văn sâu sắc. Một trận đấu của Euro không còn là cuộc tranh đua đơn thuần mà đã truyền cảm hứng để mỗi người sống tử tế và văn minh hơn với nhau.
Vụ sập chung cư lấy đi gần 100 mạng người
Vào ngày 24/6, một phần của tòa chung cư 12 tầng đã bất ngờ bị đổ sập ở Nam Florida khiến gần 100 người thiệt mạng và khiến bao người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bảo trì kém và phần thiết kế xây dựng không được đảm bảo chất lượng.
Olympic Tokyo 2021
Vào ngày 23/7, sau một năm bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 đã chính thức được diễn ra. Sự nỗ lực và cố gắng của bao người để Thế vận hội được diễn ra thành công tốt đẹp cho thấy ý chí kiên cường và mạnh mẽ của con người không chịu khuất phục trước đại dịch, trước bao khó khăn chồng chất.
Cháy rừng ở Hy Lạp
Cháy rừng nghiêm trọng tại đảo Evia, Hy Lạp vào tháng 8 vừa qua đã phản ánh thực trạng đen tối của biến đổi khí hậu. Hơn 140 đám cháy đã bùng lên khắp Hy Lạp khi nắng nóng bao trùm nước này.
Lực lượng cứu hỏa từ hơn 20 quốc gia châu Âu đã được huy động đến Evia để giúp ngăn chặn cháy rừng đã phá hủy hàng nghìn m2 đất rừng và nhà cửa. Thảm họa thiên nhiên xảy ra khi Hy Lạp phải chịu đựng thời tiết nóng nhất trong vòng 30 năm qua.
Cầu thủ Messi rời FC Barcelona
Một trong những sự kiện thể thao gây chấn động thế giới trong năm 2021 đó là việc siêu sao bóng đá Messi nói lời chia tay đẫm nước mắt với FC Barcelona sau hơn 20 năm thi đấu và gắn bó cho câu lạc bộ Tây Ban Nha này.
Messi đã cùng đồng đội giành được 10 chức vô địch La Liga và bốn chức vô địch Champions League tại Barcelona. Messi hiện đang chơi cho Paris Saint-Germain sau khi ký hợp đồng hai năm.
Động đất Haiti
Vào giữa tháng 8, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã tấn công Haiti khiến hơn 2.100 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng cử phái đoàn, chuyên gia y tế tham gia công tác chữa trị và hỗ trợ người bị thương trong trận động đất tại Haiti.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan
Vào ngày 15/8, các tay súng Taliban đã giành được quyền kiểm soát Afghanistan sau gần 2 thập kỷ bị đánh đuổi khỏi Kabul. Hàng trăm người dân Afghanistan đã tập trung ở sân bay quốc tế Kabul với hy vọng tìm được con đường thoát thân trước khi Taliban tiếp quản với những e ngại về một loạt chính sách hà khắc sẽ được thực thi.
Thảm kịch di cư
Vào đầu tháng 12, ít nhất 53 người di cư khi thiệt mạng khi xe tải chở họ bị lật và đâm vào cầu dành cho người đi bộ trên đường cao tốc bang Chiapas. Giới chức Chiapas cho rằng xe chở quá tải, khiến nó bị lật và đâm vào chân cây cầu dành cho người đi bộ bằng thép.
Trước đó vào tháng 11, một nhóm hơn 40 người di cư trong đó có trẻ em đã lên một chiếc xuồng bơm hơi và sau đó thảm kịch xảy ra khiến 24 người di cư đã thiệt mạng trên con đường đi tìm miền đất hứa.
Có thể nói rằng trong năm 2021, thế giới vẫn phải chứng kiến làn sóng di cư chủ yếu đến từ châu Âu bởi nghèo đói, chiến tranh, bạo loạn vẫn diễn ra khiến bao người sẵn sàng dấn thân vào hành trình nguy hiểm với khát vọng thay đổi được vận mệnh của mình và gia đình.
Nguồn: Tổng hợp
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/diem-lai-nhung-su-kien-chan-dong-the-gioi-nam-2021-u-buon-ngay-dau-nam-dau-thuong-chat-chong-nhung-van-co-tia-sang-tich-cuc-162211212193811205.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.