Điểm lại những vai diễn để đời của nghệ sĩ Anh Tú vừa qua đời

(lamchame.vn) - NSND Anh Tú vừa qua đời để lại niềm tiếc thương và hụt hẫng cho sân khấu Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ đã để lại nhiều vai diễn xuất sắc.

Ngoài những vai diễn trên sân khấu, NSND Anh Tú còn tham gia đóng nhiều phim điện ảnh như: “Dòng sông khát vọng”, “Giông tố”, “Của để dành”, “Đàn trời”, “Chiều ngang qua phố cũ”… Anh còn là giảng viên, tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; là người thầy chắp cánh, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ triển vọng và tài năng.

Trong gần 20 năm với cương vị quản lý và Đạo diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng một loạt vở diễn “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Nhà có năm anh em trai” , “Mùa hạ cay đắng”, “Mùa yêu đương” và một loạt chùm kịch thiếu nhi: “Tôn Ngộ Không”, “Thạch Sanh”, “Cây khế”…

Từ những nhân vật bình thường hay đến con người đầy tham vọng như Macbeth (Macbeth), một tài trí như Vũ Như Tô (Vũ Như Tô), một vị vua đa cảm và giàu lòng nhân ái như Trần Cảnh (Rừng trúc) được NSND Anh Tú thể hiện xuất sắc và xứng đáng với hai chữ vai diễn "để đời". Mỗi nhân vật do anh đóng đều có một dấu ấn riêng đặc biệt.

NSND Anh Tú sinh năm 1962, anh là con cả trong một gia đình có ba anh em trai. Học hết phổ thông, vì đam mê nghệ thuật Anh Tú tham gia vào lớp đào tạo diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ và cùng lứa với nghệ sĩ Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Hải... Năm 2004, Anh Tú tốt nghiệp Khoa Đạo diễn - Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội với vở kịch thơ “Kiều Loan”. Năm 2013, anh được điều động làm Phó giám đốc phụ trách Nghệ thuật Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh say mê với công tác đạo diễn với những vở diễn được đánh giá cao: “Lâu đài cát”,“Chuyện chàng dũng sĩ”, “Tai biến”, “Trong mưa dông thấy nắng”,“Chấm hỏi chấm than”, “3 trong 1”, “Biệt đội Báo đen”, “Bão tố Trường Sơn”… và gần đây nhất là những vở kịch cổ điển “Ham-let”, “Kiều”, “Romeo và Juliet”…

Nhân vật Trần Cảnh trong vở kịch Rừng trúc do nghệ sĩ Anh Tú thủ vai. Trần Cảnh (Trần Thái Tông) năm đó vừa tròn 20 tuổi. Do Hoàng hậu Chiêu Thánh không có con. Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ là Trần Thị Dung – lúc này đã là công chúa Thiên Cực sắp đặt cho công chúa Thuận Thiên (chị ruột Chiêu Thánh, vợ của Trần Liễu, anh cả Vua) hiện đang có mang phải lấy Vua em để nhà Trần có người nối ngôi. Bi kịch giữa vợ chồng nhà Vua, mẹ con hoàng hậu, chú cháu, anh em, chị em lại bùng lên dữ dội. Trần Thái Tông hoang mang bỏ ngôi Vua trốn khỏi cung điện lên rừng trúc Yên Tử tìm vào cửa Phật.

Trong “Chiều ngang qua phố cũ", bộ phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong kể câu chuyện đời sống hiện đại của một đại gia đình Hà Nội gốc. Tác phẩm từng giành giải Vàng hạng mục phim truyền hình dài tập tại “Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37”. Trước đó, phim đã giành giải "Phim truyền hình nước ngoài hay nhất" ở Liên hoan truyền hình quốc tế Tokyo lần thứ 11 diễn ra tại Nhật Bản.

"Đàn trời" là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn kể về những ngóc ngách trong chốn quan trường ở một tỉnh lẻ cùng cuộc chiến chống tham nhũng của những người làm báo.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang