Doanh thu King Coffee lên 1.500 tỷ sau vài năm, lợi nhuận công ty mẹ Trung Nguyên Group từ 500-700 tỷ/năm rơi xuống dưới 100 tỷ

Trong khi hoạt động kinh doanh tại Trung Nguyên Group đi xuống do những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc tranh chấp ly hôn kéo dài, thì phía Kinh Coffee do bà Thảo gây dựng lại xây được cho mình đế chế cà phê mới nổi tại Việt Nam với quy mô doanh thu gần 1.500 tỷ đồng năm 2019.

Tranh chấp hôn nhân giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kéo dài 5 năm vẫn chưa ngã ngũ. Trong diễn biến mới nhất, bà Thảo có đơn kêu cứu khẩn cấp tới Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm vụ ly hôn và phân chia tài sản tại Trung Nguyên. Đề nghị này theo kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và VKSND TP HCM vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng tại hai phiên tòa.

Cuối năm 2019, tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ được toàn quyền sở hữu cổ phần chung tại Trung Nguyên; phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận gần 1.800 tỷ đồng gồm toàn bộ tiền, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng.

Ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại cho bà Thảo hơn 1.500 tỷ đồng, tương đương giá trị phần cổ phiếu quy đổi của bà Thảo. Ông Vũ cũng tự nguyện về việc không tranh chấp cổ phần tại công ty Trung Nguyên International Singapore.

Trung Nguyên phải mất 2 năm sau kiện tụng mới có thể gượng dậy

Dù được cho là giành lợi thế với kết quả cuối cùng, nhưng người đứng đầu Trung Nguyên cũng chia sẻ với báo giới: "kiện tụng kéo dài đã ảnh hưởng rất nặng đến công ty".

Ông Vũ nói rằng trong quãng thời gian này, Trung Nguyên chỉ hoạt động cầm cự, cả hệ thống gần như tê liệt, thậm chí có lúc muốn chi tiền đầu tư nhưng cũng không được. Chuỗi cà phê Trung Nguyên thì vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu đồ uống mạnh, không còn tính mới. Ông Vũ thẳng thắn, sau phiên tòa, phải mất 2 năm thì Trung Nguyên mới có thể gượng dậy.

Trên thực tế, doanh thu của công ty mẹ CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) đã thụt lùi trong năm 2019, ghi nhận 4.234 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế sụt giảm sâu xuống chỉ còn 90 tỷ đồng. Con số này trong giai đoạn 2016 – 2017 lần lượt đạt 681 tỷ đồng và 531 tỷ đồng.

Bên cạnh việc biên lãi gộp đi xuống, việc chi cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp ngày càng tăng cao cũng là nguyên nhân khiến Trung Nguyên sa sút.

 Doanh thu King Coffee lên 1.500 tỷ sau vài năm, lợi nhuận công ty mẹ Trung Nguyên Group từ 500-700 tỷ/năm rơi xuống dưới 100 tỷ  - Ảnh 1.
 Doanh thu King Coffee lên 1.500 tỷ sau vài năm, lợi nhuận công ty mẹ Trung Nguyên Group từ 500-700 tỷ/năm rơi xuống dưới 100 tỷ  - Ảnh 2.

Một đơn vị khác trong hệ sinh thái Tập đoàn cũng minh chứng rõ cho hiện thực này. Công ty Trung Nguyên Franchising điều hành chuỗi cà phê Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee dù ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lỗ cũng ngày càng nặng. Mức lỗ trong 2019 hơn 50 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước đó. Cả hệ thống đem về doanh thu 410 tỷ đồng, đã thua xa các chuỗi cà phê top đầu như Highlands, The Coffee House, Starbucks, hay Phúc Long...

Nhưng không phải tất cả các thành viên trong Trung Nguyên Group đều báo về kết quả kinh doanh kém khả quan trong giai đoạn này. CTCP Cà phê Trung Nguyên báo lãi ròng 202 tỷ đồng, tăng 142% trong năm gần nhất; bất chấp doanh thu giảm 11% còn 1.316 tỷ đồng. Nguyên nhân chính từ việc cải thiện đáng kể việc tiết giảm giá vốn hàng bán, biên lãi gộp từ 19% tăng lên gần 27%.

Trường hợp của CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang tương đối trúc trắc. Giai đoạn trước năm 2018, nhà máy này từng được bà Thảo sử dụng phục vụ sản xuất các sản phẩm hòa tan thương hiệu King Cofee.

Tuy nhiên sau đó, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, thuộc quyền kiểm soát của ông Vũ đã kiện bà Thảo về hành vi sử dụng trái phép cơ sở này, yêu cầu hoàn trả và bồi thường số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.

Hiện tại các sản phẩm cà phê King Coffee được cho biết sản xuất tại nhà máy KCN Nam Tân Uyên, Bình Dương. Trong khi, sản phẩm cà phê hòa tan Trung Nguyên đã xuất hiện cơ sở sản xuất chi nhánh Bắc Giang.

Năm 2019, doanh thu nhà máy Bắc Giang vượt mức 750 tỷ đồng, với lợi nhuận ròng 62 tỷ đồng, tăng trưởng liên tục so với những năm trước đó.

Vừa tranh chấp với ông Vũ, bà Thảo cũng kịp gây dựng cho mình đế chế King Coffee

 Doanh thu King Coffee lên 1.500 tỷ sau vài năm, lợi nhuận công ty mẹ Trung Nguyên Group từ 500-700 tỷ/năm rơi xuống dưới 100 tỷ  - Ảnh 3.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây dựng thương hiệu King Coffee suốt từ 2016. Ảnh: TNI

Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trong quá trình tranh chấp cũng đã xây dựng được cho mình một Trung Nguyên International ngày càng lớn mạnh. Một trong những quyết định quan trọng là rời trụ sở công ty từ Singapore về Việt Nam.

Tháng 10/2016, Trung Nguyên International lần đầu cho ra mắt thương hiệu King Coffee tại Mỹ, sau đó mở rộng nhanh chóng sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…

Đến tháng 7/2017, King Coffee quay trở lại Việt Nam. Sản phẩm của King Coffee kết hợp hạt cà phê của nhiều vùng nguyên liệu nổi tiếng trên thế giới như Ethiopia, Brazil, Colombia, Guatemala, cùng với Buôn Mê Thuột và Cầu Đất của Việt Nam.

 Doanh thu King Coffee lên 1.500 tỷ sau vài năm, lợi nhuận công ty mẹ Trung Nguyên Group từ 500-700 tỷ/năm rơi xuống dưới 100 tỷ  - Ảnh 4.

Sau năm 2018 chững lại, doanh thu của TNI bùng nổ năm 2019, doanh thu đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 38%. Công ty của bà Thảo cũng báo lãi 20 tỷ đồng so với mức lỗ 41 tỷ đồng năm trước đó.

Giai đoạn 2016 – 2017 chứng kiến TNI vươn lên mạnh mẽ, doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận trong khoảng 50 – 60 tỷ đồng. Đây cũng là những năm mà bà Thảo còn nắm trong tay nhà máy sản xuất tại Bắc Giang.

Là thương hiệu mới, hoạt động xúc tiến bán hàng được TNI hết sức chú trọng gắn liền với hình ảnh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Giữa năm 2018, TNI cho ra mắt chuỗi cà phê King Coffee Shop tại Việt Nam.

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang